Nhà Liêu là một triều đại trong lịch sử Trung Quốc do người Khiết Đan xây dựng lên vào năm Bính Tý (916) sau khi Gia Luật Bảo Cơ thống nhất tám bộ tộc người Khiết Đan, xưng là Đại Thánh Đại Minh hoàng đế, đặt niên hiệu là Thần Sách.
Ăn gan người mong... trường sinh bất lão
Tháng 7 năm Bính Tuất (926), khi chuẩn bị cho quân đánh xuống Trung Nguyên thì Gia Luật Bảo Cơ nhiễm bệnh mất, thọ 55 tuổi, miếu hiệu là Liêu Thái Tổ.
Con trai ông là Gia Luật Đức Quang lên ngôi kế vị (tức Liêu Thái Tông), tiếp tục sự nghiệp của cha, tiêu diệt Hậu Đường, Hậu Tấn, cải cách quân sự, chiêu nạp nhân tài hiền sĩ, trọng dụng người Hán, phát triển sản xuất, đưa nước Liêu trở lên giàu mạnh. Ở ngôi được 21 năm thì Liêu Thái Tông Gia Luật Đức Quang ốm chết vào tháng 4 năm Đinh Mùi (947).
Sau khi Liêu Thái Tông băng hà, người lên ngôi là cháu họ của ông tên là Gia Luật Nguyễn (tức Liêu Thế Tông), ông vua này ở ngôi được 5 năm thì bị bề tôi giết chết tháng 9 năm Tân Hợi (951) để cướp ngôi. Quần thần trong triều rất tức giận liền họp bàn rồi sai người đi đón con trai của Liêu Thái Tông Gia Luật Đức Quang là Thọ An vương Gia Luật Cảnh tôn lên làm vua.
Khi đó Gia Luật Cảnh đang ngủ, thấy quan quân kéo đến cho biết Liêu Thế Tông Gia Luật Nguyễn đã bị giết, ông vô cùng sợ hãi rồi càng bất ngờ khi được mọi người tôn làm hoàng đế. Các đại thần phải động viên mãi Gia Luật Cảnh mới hết sợ mà chấp thuận lên ngôi, trở thành hoàng đế thứ 4 của nhà Liêu, hiệu là Mục Tông.
Dẹp xong nội loạn, bản thân tự biết mình không biết hoạch định sách lược trị quốc nên Gia Luật Cảnh giao quyền điều hành chính sự cho hai đại thần là Gia Luật Ốc Chất và Gia Luật Thát Liệt, còn mình tập trung thỏa mãn các sở thích riêng đó là săn bắn, nhất là săn hươu và săn thiên nga.
Ông vua này còn hai sở thích khác đó là uống rượu, ngày nào cũng say khướt nên có biệt danh là “tửu hoàng đế”; say thì lại ngủ vùi nên Gia Luật Cảnh còn có thêm biệt danh là “thùy vương” (vua ngủ).
Do say sưa tối ngày nên sức khỏe Gia Luật Cảnh giảm sút, tinh thần suy kiệt khiến có cảm giác luôn thấy kẻ thù rình rập; lo lắng sợ hãi khiến ông ta càng ngày càng tàn bạo, độc ác lấy giết người làm vui bằng những hình phạt tàn ác như thiêu chết, chặt tay chân, cứa miệng…
Vì muốn sống thọ, Gia Luật Cảnh sai người tìm các phương thuốc trường sinh bất lão. Một bà đồng kiêm thầy bói tên là Tiêu Cổ (có sách chép là Tiêu Cô) dâng lên phương thuốc đặc biệt và nói rằng nếu lấy thuốc trộn với gan người đàn ông, uống vào sẽ được trường thọ bất tử.
Gia Luật Cảnh mê muội nghe theo, cứ mỗi ngày một lần, cứ mỗi lần uống thuốc thì giết một người để lấy gan trộn với thuốc. Việc này đã khiến cho mấy trăm người là nô lệ, tù binh, tù nhân bị giết.
Lẽ ra việc tàn ác này còn kéo dài, may thay sau một thời gian uống thuốc “trường thọ”, Gia Luật Cảnh cảm thấy mình ngày càng gầy đi, bệnh tật liên miên, biết là Tiêu Cổ lừa bịp mình nên rất tức giận giết Tiêu Cổ, trước hết cho thị vệ bắn vào bụng Tiêu Cổ, sau đó Gia Luật Cảnh cưỡi ngựa, quần Tiêu Cổ cho đến chết.
Có tật ngủ ngày dậy đêm, mỗi lần vua dậy các thái giám, đầu bếp phải nhanh chóng hầu hạ, dâng đồ ăn thức uống ngay lập tức nếu không sẽ bị giết. Việc này khiến nhiều kẻ hầu hạ, thái giám, đầu bếp lo sợ và oán hận.
Vào tháng 2 năm Kỷ Tị (969) Gia Luật Cảnh đi săn trở về, biết tính vua, đoán rằng khó mà thoát khỏi tội chết nên đầu bếp Tân Cổ cùng với đám nô lệ 6 người do Tiểu Ca cầm đầu giết chết Gia Luật Cảnh khi ông vua này trong cơn say chếnh choáng.
Tượng Trần Dụ Tông (Hình minh họa) |
Từ bậc đế anh minh thành vua chơi bời, dâm loạn
Trong số các hoàng đế triều Trần, Trần Dụ Tông là một trong những vị vua lên ngôi sớm nhất. Mùa hạ ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị (1341) Trần Hiến Tông băng hà, thọ 22 tuổi. Thái thượng hoàng Trần Minh Tông đưa người con thứ 10 của mình lên ngôi, Trần Hạo kế vị anh trai vào ngày 21 tháng 8 năm Tân Tị (1341), khi mới 6 tuổi.
Lẽ ra ngôi hoàng đế thuộc về anh cả của vua là Cung Túc vương Trần Dục, nhưng vì “thượng hoàng Trần Minh Tông cho rằng con trưởng là Cung Túc vương Dục là người phóng đãng nên lập con là Hạo” (Đại việt sử ký tiền biên).
Theo danh sách các hoàng đế triều Trần, Trần Dụ Tông là vị vua thứ 7 của triều đại này, tên thật là Trần Hạo, sinh ngày 19 tháng 10 năm Bính Tý (1336), thân mẫu là Hiến Từ hoàng hậu Trần Huy Thánh (con gái của Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn).
Trần Dụ Tông làm vua 28 năm (1341 - 1369), với hai thời kỳ trị vì khác nhau, giai đoạn đầu làm được nhiều việc có ích, nhưng sau thì lười nhác chính sự, chỉ thích ăn chơi hưởng lạc nên khi viết về ông, sử sách vừa ca ngợi, vừa chê trách:
“Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp; từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sách Việt giám thông khảo tổng luận viết: “Dụ Tông tính rất thông mẫn, học vấn cao minh, sửa sang văn vũ, man di phục theo; vào thời Thiệu Phong, Đại Trị, chính sự đều được ban hành, dường như có phần khả thủ. Song về sau tin dùng Trâu Canh làm điều loạn luân, mở sòng đánh bạc, hoang dâm vô độ, đói kém xảy ra luôn, cơ nghiệp nhà Trần từ đấy suy dần”.
Theo chính sử, Trần Dụ Tông ham uống rượu, mê xem các trò tạp kỹ, lại thích đánh bạc, có lần “họp các nhà giàu như làng Đình Bảng ở Bắc Giang, làng Nga Đình ở Quốc Oai vào cung đình đánh bạc làm vui, một tiếng bạc đặt gần 300 quan tiền, ba tiếng thì đã đặt gần 1000 quan…” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Ngoài ra ông còn sai người làm núi giả, đào hồ nuôi cá, sấu, thậm chí còn sai chở nước biển về để nuôi đồi mồi, cua, cá. Sách Việt sử tiêu án bình rằng: “Chứa nước mặn, nuôi cá sấu lại là kỳ tưởng; vua Tùy Dưỡng Đế, Tống Huy Tông cũng có núi, có biển nhưng không được cái chân thú này như vua”.
Tuy nhiên, tai tiếng nhất của Trần Dụ Tông là phương cách chữa liệt dương, bệnh này bị từ 2 năm trước khi vua được đưa lên ngôi. Vào mùa thu, ngày 15 tháng 8 năm Kỷ Mão (1339), hoàng tử Trần Hạo theo các vương phi, cung nữ triều Trần dạo thuyền ngắm trăng nhân tết Trung Thu trên Hồ Tây. Không hiểu sơ sẩy thế nào mà hoàng tử bị ngã xuống nước, “người ta vớt được ở chỗ bờ đập chắn nước để đơm cá thì đã gần tắt hơi.
Thượng hoàng sai Trâu Canh chữa thuốc. Trâu Canh nói rằng dùng lối châm cứu thì sống lại được, nhưng chỉ sợ liệt dương thôi. Châm cứu rồi, quả nhiên như thế. Từ đó người ta khen Trâu Canh là tay thầy thuốc thần diệu.
Canh được thăng dần lên tước quan phục hầu, kiêm Thái y sứ. Đến khi nhà vua đã lớn, Canh lại dâng bài thuốc thì chứng liệt dương liền khỏi. Canh càng được nhà vua cưng chiều đặc biệt, cho ngày đêm được hầu thuốc thang ở trong cung” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết rõ hơn về bài thuốc chữa liệt dương mà Trần Dụ Tông áp dụng như sau: “Bấy giờ Trâu Canh thấy vua bị liệt dương, dâng phương thuốc nói rằng giết đứa bé con trai, lấy mật hòa với dương khởi thạch mà uống và thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ hiệu nghiệm. Vua làm theo, thông dâm với chị ruột là công chúa Thiên Ninh, quả nhiên công hiệu”.
Trong sách Đại Nam quốc sử diễn ca có câu chê trách rằng:
Đạo thường chẳng cẩn phòng vi,
Chị em chung chạ loạn bề đại luân.
Chính sử tránh nói rõ việc phải giết trẻ em trai lấy mật để làm thuốc nhưng dã sử cho hay Trâu Canh bảo phải giết bé trai 3 tuổi mới dùng chữa bệnh được. Sách Đại Việt sử ký tiền biên có lời bình rằng:
“Nhà Trần lấy lẫn nhau đã thành thói quen. Cho đến anh em chú bác lấy nhau, vua lấy con gái nhà chú bác lập làm Hoàng hậu, cho nên thầy thuốc dùng anh em ruột làm thuốc chữa bệnh thì không đáng cho là quái gở.
Nhưng làm rối loạn đạo trời không khác gì loài cầm thú, khiến cho Dụ Tông tinh còn mà thần mất, người khỏe mà tâm đã chết. Tối tăm càn rỡ vào tận máu thịt... Người giữ nhà nước há không xem đấy làm gương sao?”.
Ngày 25 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369) Trần Dụ Tông vì say đắm tửu sắc mà mắc bệnh, mất ở tẩm điện, thọ 33 tuổi...