Tiếng khóc của hai đứa trẻ
Chiều ngày 18/8/2020, từ một tiếng khóc rất yếu ớt, người dân đã phát hiện có một cháu bé bị mắc kẹt tại khe tường giữa hai ngôi nhà trong ngõ 174 Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Do khe tường quá hẹp, chỉ khoảng hơn 10 cm, lực lượng chức năng đã phải đục tường để đưa bé ra ngoài với quyết tâm bằng mọi cách bảo đảm an toàn cho cháu.
Đó là một bé trai sơ sinh, trọng lượng hơn 2 kg bị bỏ rơi giữa hai khe tường rất hẹp, chỉ hơn 10 cm. Khi được cứu ra, bé không mặc quần áo, nhịp tim rất yếu và nhiều khả năng là bé đã nằm ở trong khe tường hẹp hơn một ngày trời. Lực lượng chức năng đã đưa bé đến cơ sở y tế để chăm sóc và đang tìm người đã bỏ rơi bé một cách nhẫn tâm như vậy.
Ở một câu chuyện khác, một bé trai 10 tuổi đã khiến cả trường quay và người dẫn chương trình “Hẹn ăn trưa” vừa phát sóng tháng 6/2020 rơi nước mắt vì một câu nói bột phát nhưng chứa đựng phía sau đó là bao nỗi khát khao về một gia đình yên ấm. Bé trai là con của anh Vũ Hồng Quang, 36 tuổi quê quán Phú Thọ kỹ thuật viên điện công tác tại Biên Hoà, Đồng Nai. Anh Quang đã đơn phương ly hôn 5 năm nay và sống cảnh gà trống nuôi con.
“Cha tôi mất sớm, tôi thiếu tình thương của ông nên không muốn con tôi cũng bị khuyết thiếu tình cảm của cha mẹ. Nhưng không biết làm gì mà vợ tôi luôn sống trong cảnh nợ nần. Nhiều lần, tôi cũng tha thứ và trả nợ thay. Cuối cùng, cô ấy lại bỏ hai bố con tôi mà đi” - anh Quang chia sẻ về hoàn cảnh của hai cha con.
Tham gia chương trình “Hẹn ăn trưa”, anh Quang được mai mối với một phụ nữ là điều dưỡng tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Khi người dẫn chương trình hỏi quan điểm về việc hẹn hò với một ông bố gà trống nuôi con, chị Nguyễn Ngọc Dung là người phụ nữ được mai mối cho biết, chị có suy nghĩ đến chuyện này, nhưng với chị tình cảm mới là điều quan trọng.
Chương trình kết thúc khi cả hai bên quyết định bấm nút hẹn hò vì tìm thấy ở nhau sự đồng điệu về tính cách, quan điểm sống và đặc biệt là sự hiếu thảo với cha mẹ. Và cũng thật bất ngờ khi vào chính giây phút đó, bé trai con anh Quang đã thốt lên: “Mẹ đã bỏ hai bố con đi. Bố cố lên, lấy mẹ về cho con” đã khiến trường quay không kìm được nước mắt. Kết thúc chương trình, cặp đôi đứng cạnh nhau cùng cậu con trai 10 tuổi và bé trai bất ngờ bật khóc mừng vui sắp có mẹ khiến khán giả lại một lần nữa rơi nước mắt…
Luật cần ràng buộc trách nhiệm của cha mẹ chăm sóc trẻ những năm đầu đời
Gần đây, vụ việc bà nội đầu độc cháu bằng thuốc chuột đã làm dư luận xa xót, xôn xao. Và phía sau vụ việc đó là câu hỏi cha mẹ ở đâu mà không chăm sóc bé, thay vào đó lại để cho người bà? Trong một bài viết đăng tải trên truyền thông, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền - Uỷ viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nêu ra một vấn đề rất đáng nghĩ suy.
“Từ câu chuyện đau lòng ở Thái Bình, và kể cả những vụ án tương tự từng có trước đó, nó không chỉ phản ánh về đạo đức làm người, về nguyên tắc nghề nghiệp của một người làm trong ngành y, mà nó đã trở thành câu chuyện pháp luật, rất cần được các nhà làm luật quan tâm.
Như tôi đã từng chia sẻ và nhiều lần phát biểu, pháp luật bảo vệ trẻ em ở ta không thiếu nhưng thật sự chưa đủ mạnh. Đôi khi, chúng ta luôn bị các yếu tố duy tình lấn át, những hành vi sai phạm liên quan đến quyền trẻ em trong chính ngôi nhà của trẻ đều được giải quyết khỏa lấp bằng yếu tố tình cảm, bằng mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau.
Cha mẹ giao toàn quyền chăm sóc con cái cho ông bà vì không có điều kiện ở gần con là một thực trạng tồn tại lớn nhất trong các hộ gia đình có trẻ em hiện nay tại Việt Nam, nhất là ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Việc không có cha mẹ ở cạnh con trong những năm đầu đời thật sự là một thiệt thòi rất lớn đối với trẻ.
Thế nhưng về mặt pháp luật, các điều khoản có tính ràng buộc trách nhiệm của cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ những năm đầu đời lại chưa rõ ràng. Khi một đứa trẻ ra đời, quyền được sống, quyền được chăm sóc phải được quan tâm đến đầu tiên, nhưng các con còn quá nhỏ, không có quyền được lựa chọn môi trường sống của mình, và điều này tùy thuộc hoàn toàn vào sự quyết định của những người làm cha làm mẹ” – bà Hiền nêu quan điểm.
Cũng theo bà Hiền, vừa qua, khi Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành điều tra hộ gia đình có trẻ em ở địa phương, đến từng hộ gia đình nắm bắt và rà soát thông tin mới thấy, các nhóm nguy cơ để trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nhiều nhất không phải là trẻ bỏ học, mà là trẻ có bố mẹ đi làm ăn xa, vài tháng mới về thăm con một lần.
Có không ít vợ chồng trẻ sinh con ra nhưng không trực tiếp chăm sóc mà giao hết cho ông bà, thậm chí là người giúp việc hoặc bảo mẫu. Họ chấp nhận việc sống xa con chỉ bởi vì không đáp ứng được điều kiện sống vừa làm việc vừa sống gần con, trực tiếp chăm sóc con. Tình trạng này hiện rất phổ biến và hầu như các bậc làm cha làm mẹ trong tình cảnh luôn có một lý do duy nhất, đó là không còn sự lựa chọn nào khác.
“Chúng ta luôn chia sẻ và cảm thông với những sự lựa chọn này nhưng thực chất, đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ bất an toàn. Khi có những việc đau lòng xảy ra thì trẻ chính là nạn nhân đầu tiên, và đôi khi, cha mẹ của trẻ cũng sẽ là nạn nhân ngay trong chính sự lựa chọn của mình” – bà Hiền nhấn mạnh.
Đáng sợ thay những cha mẹ lãnh cảm tình người
Ngày nay, dường như mọi người đã quá quen với hai từ “ly hôn” và kèm theo đó là sự khẳng định cái tôi của những người trong cuộc. “Nín đi em... Em khản giọng khóc gào/Chị mếu máo đầm đìa nước mắt/Hỡi bố mẹ đứng bên bờ chia cắt/Phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình!”. Nhà thơ Vương Trọng sáng tác bài thơ này đã cách đây 35 năm, thế nhưng tính thời sự và tình người trong đó thì vẫn còn nguyên giá trị.
Bởi, phía sau hành động “ly hôn” tưởng như rất đời thường ấy là sự bẽ bàng, xót đắng những đứa trẻ vì bị “xẻ ngang tình đoàn tụ”, mà thủ phạm chính là những bậc làm cha làm mẹ. Nước mắt của trẻ thơ chảy dài từ đầu đến cuối bài thơ thật đáng buồn như Giáo sư Cao Xuân Hạo đã từng nói: “Trong bối cảnh hiện nay, sự lãnh cảm tình người mới là thứ đáng sợ nhất”…
Vấn đề này cũng được Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành đề cập tới khi nhấn mạnh rằng cũng như trong mối quan hệ giữa vợ và chồng, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái đầu tiên và cơ bản nhất là sự thương yêu. Cha mẹ có quyền yêu thương và cũng có nghĩa vụ thương yêu con.
Ngay từ khi người mẹ mang thai đứa con của mình, cội nguồn của tình yêu thương đã được nảy nở. Và gắn với quá trình mang thai, theo từng mốc phát triển của con, cha mẹ thêm gắn bó với mầm sống bé nhỏ, kết tinh của tình yêu ấy. Văn hóa phương Đông gọi đây là công lao dưỡng dục và không ai được tước đoạt đi cái quyền ấy…