'Quả ngọt' OCOP chinh phục người tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chương trình OCOP những năm qua đã giúp hàng loạt sản phẩm từ chỗ tự phát, manh mún đã trở thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao, chinh phục được cả những người tiêu dùng khó tính nhất.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chương trình OCOP sau 3 năm triển khai, với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng được 4.469 sản phẩm của 2.439 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020). Trong đó, rất nhiều sản phẩm OCOP đạt đánh giá 5 sao, được người tiêu dùng ưa thích và lựa chọn.

Bộ bát đĩa hoa sen đỏ Bát Tràng

Đây là sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trên cơ sở kết hợp các kỹ thuật truyền thống với áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, đơn vị đã tạo ra các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, nhưng vẫn giữ được những nét đặc sắc riêng của làng nghề Bát Tràng (thể hiện qua những hình ảnh hoa sen được vẽ bằng tay).

Công ty tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động (chủ yếu là nữ), có nhiều đóng góp vào các hoạt động bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống Bát Tràng. Công ty đã được cấp chứng nhận về quản lý chất lượng ISO 9001-2008, sản phẩm đã được giới thiệu và xuất khẩu sang nhiều quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Đan Mạch…

Ngoài Bộ bát đĩa hoa sen đỏ, một số sản phẩm khác của đơn vị cũng đạt 5 sao OCOP như: Bộ bát đĩa chim én hoa sen; Bộ bát đĩa rồng phượng; Bộ ấm chén chim én hoa sen.

Miến dong Tài Hoan - Bắc Kạn

Sản phẩm có nguồn nguyên liệu chính từ củ dong riềng tươi - sản phẩm nông nghiệp chủ lực và có lợi thế của địa phương, được sản xuất trên địa bàn huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

Sản phẩm được ra đời từ HTX Tài Hoan, đơn vị có cơ sở chế biến đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, có hệ thống tráng, sấy dẻo, nhà màng phơi sấy tận dụng năng lượng mặt trời, đảm bảo năng suất 2 tấn/ngày. Ngoài ra, phụ phẩm là bã dong riềng được cơ sở sản xuất nấm tại địa phương thu mua và tái sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.

Mật ong bạc hà – Hà Giang

Mật ong bạc hà là một trong những sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh Hà Giang được phát triển tại 4 huyện cao nguyên đá gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ.

Mật ong bạc hà là loại mật ong 100% nguyên chất có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên - một đặc sản nổi tiếng của Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là loại mật ong được khai thác từ mật của cây hoa bạc hà, loại hoa mọc tự nhiên ở vùng núi cao trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Thời điểm khai thác mật ong bạc hà chỉ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 2 dương lịch của năm sau do cây hoa bạc hà chỉ sinh trưởng duy nhất trong thời gian này. Do vậy, sản lượng mật ong bạc hà thu được hàng năm không nhiều nhưng chất lượng được đánh giá vượt trội so với các loại mật ong khác, giá bán cũng cao nhất trong các loại mật ong.

Gạo ST24 - Sóc Trăng

Đây là sản phẩm từ giống lúa ST24 và trở thành một sản phẩm đặc sản của tỉnh Sóc Trăng. Giống lúa này ít sâu bệnh, cho chất lượng gạo thơm ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Gạo ST24 đã đạt Giải gạo ngon nhất thế giới năm 2017. Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (đơn vị sở hữu bản quyền giống lúa ST24) có vùng nguyên liệu 2.400 ha, hệ thống nhà xưởng rộng 6.000 m2 với hệ thống máy sấy, xay xát, đóng gói tự động, đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 22.000, có tiềm năng xuất khẩu cao.

Tranh lá bồ đề - Ninh Bình

Sản phẩm tranh lá Bồ đề của HTX Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn là 1 trong 11 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020.

Để có được tác phẩm tranh lá bồ đề là cả một quy trình tỉ mỉ và tinh hoa của người làm tranh. Người thợ làng tranh lá bồ đề tìm kiếm những nguyên liệu kết hợp như rơm khô, hoa tre, vỏ cây, gốc cây mục để phối kết làm tranh mang hơi thở của tự nhiên. Sự kết hợp này mang lại sự đằm thắm, chiều sâu văn hóa cho từng bức tranh. Thông qua những tác phẩm tranh lá bồ đề của người dân Gia Sinh, người xem có thể cảm nhận được đời sống văn hóa của người Việt một cách đa dạng.

Mỗi bức tranh lá bồ đề được bán với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Đặc biệt, với những bức tranh từ xương lá bồ đề có giá trị cao, mức giá sẽ dao động từ 1000 – 5000 USD (khoảng 20 – 115 triệu đồng).

Bộ ngọc trai Akoya - Quảng Ninh

Ngọc trai Akoya được nuôi cấy từ giống trai Pinctada fucata martensi có kích thước nhỏ nên tạo ra những viên ngọc có kích thước nhỏ, màu sắc trung tính. Đây là một trong những sản phẩm OCOP thành công nhất của tỉnh Quảng Ninh, vừa là sản phẩm nông nghiệp, vừa là sản phẩm khoa học - kỹ thuật, lại vừa là sản phẩm du lịch. Ngọc trai Hạ Long là món quà lưu niệm ý nghĩa dành cho du khách, đặc biệt là du khách quốc tế khi họ đặt chân tới Quảng Ninh.

Sản phẩm được nghiên cứu, áp dụng công nghệ, kinh nghiệm cấy ghép của Nhật Bản vào nuôi trồng ngọc trai trên vùng biển vịnh Hạ Long từ năm 2009. Hoàn thiện quy trình cấy ghép phù hợp và mang lại hiệu quả cao gắn với quy trình khép kín từ sinh sản con giống, nuôi cấy cho đến gia công ngọc trai trên vùng biển của tỉnh Quảng Ninh...

Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng:

- Hạng 5 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu.

- Hạng 4 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao.

- Hạng 3 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao.

- Hạng 2 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao.

- Hạng 1 sao: Tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.

Đọc thêm