Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Công ty Luật TNHH HOK trả lời: Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và phải chịu xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định này. Vì vậy, ông có thể đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền can thiệp để xử lý vi phạm trên và khắc phục hậu quả của vi phạm này.
Căn cứ theo Mục 2.1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư 39/2010/TT-BTNMT thì đối với khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn ở khu vực thông thường là 70 dBA từ 6 giờ đến 21 giờ; sau đó từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau giới hạn tối đa là 55 dBA.
Theo các quy định trên thì việc mở nhạc phải thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật về giới hạn tối đa của tiếng ồn như trên. Các cơ sở kinh doanh có nghĩa vụ điều chỉnh tiếng nhạc của cơ sở mình nằm trong giới hạn đó. Nếu vi phạm, cơ sở kinh doanh không chấp hành theo sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP tùy theo mức độ vi phạm mà mức phạt có thể từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng và còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 tháng đến 12 tháng, buộc giảm thiểu tiếng ồn theo giới hạn quy định.
Như vậy, nếu quán cà phê gần nhà ông có các hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn, ông có thể làm đơn phản ánh đến UBND cấp xã, phường nơi ông sống để được xử lý.