Quản lý hay tắc trách, thỏa hiệp?

(PLO) -Những ngày này dư luận hướng cái nhìn chú tâm vào 2 phiên tòa đang cùng lúc diễn ra tại Hà Nội. Đó là phiên xử kín Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” và phiên tòa quân sự xử Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”, những cái tên đã trở thành nổi tiếng và tai tiếng, kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội và liên quan đến nhiều người. Dư luận chờ một câu hỏi được làm sáng tỏ: Những bị cáo này làm cách gì mà sở hữu những quyền năng gớm ghê đến thế?
Dư luận đang quan tâm phên tòa xét xử Vũ "nhôm" và Út "trọc"

Chỉ qua kết luận điều tra và cáo trạng cũng đủ thấy rõ hành vi thao túng quyền lực của hai con người này, một ở công an và một ở quân đội. Và hiển nhiên đây là “tội” buông lỏng quản lý chứ không phải là “lỗi” của cơ chế. Và, còn hơn cả buông lỏng, người có trách nhiệm quản lý con người còn thỏa hiệp với các hành vi phạm pháp của những bị cáo này. 

Ví dụ nhỏ với trường hợp Vũ “nhôm”, anh ta được cấp hộ chiếu ngoại giao và đi nước ngoài dù không thuộc diện đó; hoặc như với Út “trọc” dùng bằng giả để thăng tiến mà việc phát hiện bằng giả đâu có mấy khó khăn đối với người quản lý. Anh ta gặp Chủ tịch tỉnh dễ dàng, thảo sẵn công văn cho cấp trên ký; hoặc bút phê lãnh đạo cũng rất dễ dàng, 20.000 tấn xăng dầu kém phẩm chất được tháo niêm phong dễ như người ta bóc một cái phong bì.

Quản lý bị buông lỏng hay là sự thỏa hiệp đối với đối tượng bị quản lý là một hiện tượng khá phổ biến trong lĩnh vực này. Một lực lượng chức năng hùng hậu không ngăn được hàng nghìn công-ten-nơ rác thải đổ về Việt Nam, thậm chí có hàng trăm công-ten-nơ “mất tích” một cách bí ẩn ngay trên đất mình mà tìm không ra(?!). Dư luận tự hỏi là không biết quản lý kiểu gì mà các vụ bạo hành trẻ em trong cơ sở nuôi dưỡng liên tục xảy ra.

Hàng trăm giáo viên bị thôi việc ở một huyện giờ tình trạng này đã "phát triển" đến hàng nghìn giáo viên bị cắt hợp đồng ở quy mô cấp tỉnh, ai ký bừa thì người đó phải chịu trách nhiệm chứ. Và những Khaisilk, Con Cưng cắt nhãn mác, lừa dối người tiêu dùng thì Quản lý thị trường đang ở đâu và làm gì mà chẳng thể phát hiện ra. Thanh tra ở các bộ, ngành và địa phương chỉ phát hiện được 4 vụ tham nhũng trong nội bộ của mình, báo cáo của các địa phương, ngành thì hầu hết đều “không phát hiện vụ tham nhũng nào”.

Đây là thành tích hay sự yếu kém trong cuộc đấu tranh này? Thành phố Hà Nội sau 10 năm mở rộng, sáp nhập, nửa số ao, hồ bị lấp và hôm nay cái giá phải trả là sự bì bõm của cư dân Thủ đô khi trời mưa xuống, cơ quan quản lý đô thị đâu rồi?

Nhân tố quan trọng của thành công là con người, vậy quản lý con người và người quản lý của chúng ta đều có vấn đề dẫn đến những hệ quả không mong muốn?.