Quản lý rừng và vườn Quốc gia: Mỗi Bộ làm theo một phách?

(PLO) - Việc giao, cho thuê, mua bán đất rừng làm khu du lịch... dẫn đến tình trạng xâm hại, chiếm dụng đất và rừng tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn dù hệ thống văn bản quản lý không thiếu. 
Khu resort Le Mont BaVi được xây dựng tại Vườn Quốc gia Ba Vì cho thấy còn nhiều bất cập trong việc quản lý Vườn Quốc gia.

Theo các chuyên gia tại tọa đàm về hiện trạng các vườn quốc gia và khu bảo tồn Việt Nam trước sức ép phát triển do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức, nguyên nhân được cho là do sự chồng chéo và thiếu trách nhiệm giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). 

Chưa có sự thống nhất về quản lý rừng quốc gia

Trên cả nước hiện có 164 vườn quốc gia và khu bảo tồn với tổng diện tích được quy hoạch là 2,2 triệu héc ta. Trong đó, có 6 vườn quốc gia gồm Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã, York Đôn và Cát Tiên thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN&PTNT, còn lại đã phân cấp cho các tỉnh.

Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình trạng các vườn quốc gia bị xâm hại đất rừng, đe dọa đa dạng sinh học và chức năng điều hòa môi trường sinh thái của rừng ngày càng nghiêm trọng. 

“Vụ việc xây dựng resort ở Vườn Quốc gia Ba Vì không phải là trường hợp đầu tiên mà chỉ lần đầu tiên được bung ra, còn trên thực tế đã và đang xảy ra ở nhiều khu bảo tồn và vườn quốc gia khác trong cả nước”-  TS Nguyễn Ngọc Lung thuộc Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng chia sẻ. 

Cũng dẫn vụ việc xây dựng resort Le Mont Ba Vi tại Vườn Quốc gia Ba Vì đang được dư luận quan tâm, TS Nguyễn Cử, chuyên gia quy hoạch bảo tồn thiên nhiên cho biết, không thể có chuyện một công trình lớn mọc lên giữa vườn quốc gia mà lại không biết.

Bởi, vườn quốc gia và rừng đã được giao cho lực lượng kiểm lâm chịu trách nhiệm quản lý, mỗi trạm phụ trách riêng một khu vực, hàng ngày đều tổ chức tuần tra theo quy trình, soi chiếu bản đồ thực địa, cập nhật mọi tình hình biến động... 

Theo ông, nguyên nhân dẫn đến những bất cập xảy ra không chỉ tại Vườn Quốc gia Ba Vì mà ở hàng loạt khu bảo tồn trong thời gian qua như tại York Đôn (Kon Tum), Sơn Trà (Đà Nẵng), Cát Tiên (Lâm Đồng)... là do hiện nay đang có sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT.

“Giữa hai Bộ không phối hợp được với nhau, mỗi bên làm theo một hướng. Đồng thời cũng không xác định được rõ mục đích của các vườn quốc gia và khu bảo tồn là vì đa dạng sinh học (bảo tồn nguồn gen) và môi trường sinh thái hay làm kinh tế. Do đó, bảo tồn chỉ trên giấy thôi” – TS Cử nêu quan điểm. 

Kinh doanh du lịch sẽ nguy hại cho môi trường rừng

Ông Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì vẫn cho phép quy hoạch phân khu trong vườn quốc gia và khu bảo tồn phục vụ hoạt động du lịch sinh thái.

Nhưng theo TS Cử, mỗi khu bảo tồn và vườn quốc gia gồm có vùng đệm (bên ngoài) và vùng lõi. Trong vùng lõi được quy hoạch gồm một hoặc nhiều khu bảo tồn nghiêm ngặt (cấm xâm phạm), khu chức năng hành chính (trụ sở quản lý) và khu phục hồi sinh thái (có thể đầu tư khai thác kinh doanh du lịch theo hình thức xã hội hóa).

Song, diện tích khai thác kinh doanh du lịch tối đa chỉ được phép bằng hoặc dưới 20% tổng diện tích khu phục hồi sinh thái. 

Tuy nhiên, điều mà ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên băn khoăn là trước xu thế “du lịch hóa” các vườn quốc gia, khu bảo tồn thông qua hình thức liên kết hoặc cho phép quy hoạch làm du lịch là kẽ hở để “tư nhân hóa” sở hữu đất công, chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất rừng thành các dự án bất động sản.

Đặc biệt, cần phải làm rõ khái niệm “du lịch sinh thái” không phải là việc cho phép đầu tư làm đường giao thông, xây dựng resort, bể bơi, biệt thự, làm thảm cỏ nhân tạo... trong vùng lõi vườn quốc gia như hiện nay./.

Đọc thêm