Quan tâm kiện toàn bộ máy các tổ chức pháp chế

(PLVN) - Bộ Tư pháp cần rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Sau gần 10 năm thi hành, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác pháp chế; củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế; tăng cường năng lực đội ngũ người làm công tác pháp chế, tạo cơ chế quản lý thống nhất về công tác pháp chế từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được khắc phục. 

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP thì việc thành lập tổ chức pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là bắt buộc, trong khi đó tại Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh không quy định có Phòng pháp chế và chính sách tinh gọn bộ máy tại các cơ quan chuyên môn và chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ. Vì vậy quá trình triển khai không khả thi.

Theo khoản 2, Điều 12, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định công chức, cán bộ và viên chức pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Đồng thời, nghị định cũng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế, tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên; người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 5 năm trực tiếp làm công tác pháp luật. Thực tế cho thấy, tiêu chuẩn nêu trên là khó thực hiện và không phù hợp thực tế ở địa phương, nhất là ở một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, những cơ quan có tính chất chuyên ngành, như: y tế, tài chính, công thương, giao thông vận tải, thông tin-truyền thông, xây dựng…, thì việc sử dụng người làm công tác pháp chế có trình độ cử nhân luật thuần túy không phù hợp với yêu cầu công việc trong từng lĩnh vực cụ thể.

Ngoài ra, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về chức danh, vị trí việc làm cho người làm công tác pháp chế nên chưa phát huy tốt nhất năng lực, sở trường công tác của người làm công tác pháp chế; chưa tạo động lực để những người làm công tác pháp chế tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Số lượng công chức làm công tác pháp chế không ổn định do luân chuyển, điều động; việc sáp nhập, điều chuyển và thay đổi cán bộ làm công tác pháp chế tại một số sở, ngành sang làm nhiệm vụ khác đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc, chất lượng tham mưu triển khai nhiệm vụ pháp chế; cán bộ pháp chế tại các sở chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm; việc thành lập, củng cố, kiện toàn Phòng Pháp chế và việc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc, chất lượng tham mưu cho lãnh đạo các sở, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ pháp chế.

Do đó, để từng bước kiện toàn tổ chức pháp chế và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế tại các cơ quan, đơn vị, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao và phù hợp với khả năng bố trí biên chế, Chính phủ, Bộ Tư pháp cần rà soát, đánh giá một cách khách quan, toàn diện kết quả 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, cần sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật và tình hình thực tiễn.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp cần tăng cường tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác pháp chế theo chuyên đề, lĩnh vực để nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế và cơ quan quản lý nhà nước về công tác pháp chế; tăng cường tổ chức các hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ; cung cấp thông tin, tài liệu cho công chức làm công tác pháp chế. 

Đọc thêm