Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử: Kỳ vọng là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên

(PLVN) - Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) với Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương).
Yên Tử được kỳ vọng là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam
Yên Tử được kỳ vọng là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam

Những giá trị vượt trội

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là địa điểm có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia, bao gồm: Chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, vườn tháp Hòn Ngọc, khu tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng.

Đây cũng mang giá trị lịch sử to lớn, vì là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá, những sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối, tu hành thập thiện như: Thiền tâm thiết chuỷ ngữ lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già Toái sự, Thạch thất Mỹ Ngữ, Truyền Đăng Lục, Thượng Sĩ hành trang… Đây là những di sản văn hoá phi vật thể quý giá đang đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc.

Bên cạnh đó, Yên Tử còn là một trong những linh sơn của đất nước, nơi bảo tồn được rất nhiều loài động thực vật quý hiếm mà không một vùng núi nào có được, đặc biệt là các loài cây quý như tùng, trúc, mai và các loại cây thuốc nam quý hiếm.

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính, trầm mặc của chùa tháp, là sự thơ mộng của suối nước, trời mây chen trong cây cỏ hoa lá và chim muông, là sự phong phú của thảm thực vật đa dạng và những loại cây dược liệu có giá trị. Chính vì vậy mà từ xa xưa Yên Tử được xếp là một trong 72 phúc địa của nước ta….

Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá
 Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá

Với những giá trị đặc biệt quan trọng của Yên Tử, sau khi khảo sát khoanh vùng di tích, Nhà nước đã có Quyết định số 15/VH-QĐ ngày 13/3/1974 công nhận Khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử là di tích quốc gia. Sau đó, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt. Ở góc độ Phật giáo, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 11/1992 công nhận Yên Tử là Trung tâm Phật giáo của Việt Nam. 

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO

Lâu nay, việc lập hồ sơ quần thể danh thắng Yên Tử trở thành di sản thế giới được nhiều người quan tâm. Từ năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có thông báo giao Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh chủ trì lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học uy tín để thảo luận vấn đề này. Đến năm 2014, website của Trung tâm Di sản thế giới đã chính thức đăng tải hồ sơ Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới.

Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã giao cho Công ty CP Phát triển Tùng Lâm - đơn vị vận hành tại Yên Tử tổ chức các cuộc khảo sát thực địa với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Cùng với đó, Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh cũng đã xây dựng báo cáo tóm tắt và kế hoạch tổng thể lập hồ sơ đề cử quần thể di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tại Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Đặc biệt, năm 2015, chuyên gia của ICOMOS và Việt Nam đã thực hiện khảo sát các địa điểm thuộc khu di sản trên địa bàn 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương.

Đầu tháng 6/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức cuộc họp nghe báo cáo triển khai tái lập hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử là di sản thế giới. Tại cuộc họp, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh làm việc với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; xây dựng lộ trình thực hiện; tổ chức các cuộc họp kết nối, trao đổi với các địa phương liên quan để thống nhất nội dung thực hiện. 

Dự kiến đến cuối tháng 9/2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thiện hồ sơ tóm tắt, hết năm 2020 hoàn thiện hồ sơ chính để trình UNESCO. Với quần thể di tích và danh thắng có tầm quan trọng đặc biệt, đã được Chính phủ nhận diện, xếp hạng ở các cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, hy vọng tới đây quần thể di tích và danh thắng Yên Tử sẽ là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.

Đọc thêm