Quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh): Bất ngờ san bằng 50 phòng trọ mà không thông báo

(PLO) - Khu nhà trọ khang trang sạch đẹp với gần 50 phòng đã  được người dân đưa vào sử dụng ổn định, khai thác 2 năm qua. Đầu tháng 8/2017, bất ngờ chính quyền địa phương tổ chức lực lượng, huy động máy móc tới san bằng toàn bộ khu nhà mà không hề thông báo khiến chủ sở hữu và người dân vô cùng bức xúc.
Gần 50 căn phòng trọ khang trang của người dân bị san bằng.
Gần 50 căn phòng trọ khang trang của người dân bị san bằng.

Không nhận được bất cứ thông báo nào?

Phản ánh tới Báo Pháp luật Việt Nam, vợ chồng anh Trần Ngọc Việt và chị Đỗ Minh Yến (ngụ phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết, gia đình đang hết sức bất bình trước việc làm của UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cùng các cơ quan liên quan. 

Theo đó, chị Yến cùng người em gái được bố mẹ ủy quyền cho sử dụng và toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan tới thửa đất 769-16 và 769-17 thuộc tờ bản đồ số 5, đường 30, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Do chưa có nhu cầu để ở nên gia đình chị bàn tính xây dựng gần 50 phòng trọ vừa kiếm thêm thu nhập, lại vừa làm đẹp cảnh quan cho địa phương, tránh để đất trống làm nơi tụ tập của nhiều tệ nạn xã hội. 

Do khu này đã có quy hoạch chi tiết 1/500 nên khi xây dựng gia đình chị cũng không xin phép mà thuê một công ty tới xây dựng. Sau nhiều tháng miệt mài thi công, gần 50 phòng trọ đã hoàn thành. Nhờ xây dựng bài bản, khang trang và rất an ninh nên chỉ trong thời gian ngắn đã có người thuê hết.

Sau gần 2 năm khai thác ổn định thì bỗng một ngày đầu tháng 8/2017, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, máy móc tới đập phá, san bằng toàn bộ khu nhà trọ này trước sự ngỡ ngàng của người dân. 

 “Hôm đó gia đình tôi đang đi làm thì nhận được tin báo chính quyền địa phương tới phá dỡ nhà. Chúng tôi chạy lên thì họ không cho vào nên chúng tôi chỉ biết đứng nhìn họ phá tan hoang toàn bộ số nhà trọ này. Xót xa quá, bao nhiêu năm tích cóp, vay mượn mới đủ số tiền hơn 4 tỷ đồng đầu tư xây dựng lên khu nhà trọ ấy, vậy mà giờ chỉ còn lại đống đổ nát. Đau lòng quá, sao họ không hề thông báo gì cho gia đình chúng tôi? Nếu chúng tôi vi phạm gì đó thì sao họ không ngăn chặn ngay từ đầu, để đến khi chúng tôi dốc hết tài sản vào đây thì họ mới phá và đẩy chúng tôi rơi vào cảnh khốn cùng như vậy?...”- anh Việt đau xót.

Theo đó, vào sáng 7/8/2017, chính quyền địa phương đã huy động người, máy móc tới phá dỡ toàn bộ khu nhà này. Biết được thông tin, người thương binh nặng Đỗ Cao Bằng (bố chị Yến) đã gần 70 tuổi chạy lên phường xem sự tình. Tại đây, sau khi khúc mắc vì sao đập phá nhà dân mà không hề báo cho dân biết… thì được Chủ tịch phường - Trần Minh Tú cung cấp một số văn bản giấy tờ. Trong số đó có 2 giấy mời của phường Hiệp Bình Chánh đề ngày 2/8/2017 với nội dung mời ông Bằng và con gái lên phường để tham dự buổi họp về cưỡng chế. Thế nhưng trớ trêu thay, 2 giấy mời này lại không hề có nội dung về ngày, giờ, tháng, năm làm việc. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ chính quyền địa phương phá dỡ toàn bộ số phòng trọ của gia đình anh Việt là vì các cơ quan chức năng cho rằng đã có 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào cuối năm 2015 và tháng 4/2016 với số tiền 45 triệu đồng. Nội dung vi phạm được xác định là: vi phạm về khoảng lùi, kiến trúc mặt ngoài và phát sinh tầng lửng với tổng diện tích hơn 1.000m2, buộc phải tháo dỡ. Tuy nhiên do gia đình không tự nguyện tháo dỡ nên Thanh tra Sở Xây dựng cũng như UBND quận Thủ Đức đã liên tiếp ra quyết định cưỡng chế vào tháng 4 và tháng 5/2016. 

 Nói về điều này, gia đình anh Việt tỏ ra bức xúc: Suốt thời gian qua chúng tôi không hề nhận được bất cứ quyết định xử phạt hay thông báo nào. Sao chúng tôi có địa chỉ cư trú rõ ràng, mà khi có quyết định xử phạt hay thông báo liên quan lại không hề gửi cho chúng tôi? Lẽ ra chúng tôi vi phạm ở phần nào thì họ phá bỏ phần đó, sao họ lại đi cào bằng cả khu nhà trọ của gia đình tôi như vậy?  Đây là khu trọ rất an ninh, văn minh, sạch đẹp, vậy mà họ đến phá không thương tiếc. Sát với chúng tôi (cùng nằm trong khu quy hoạch như chúng tôi) cũng có nhiều nhà cấp bốn, hay nhiều dãy nhà trọ mọc lên nhếch nhác, sao họ chỉ đập bỏ của chúng tôi, phải chăng chỉ mình gia đình tôi vi phạm?...”.

Anh Việt bức xúc trình bày với Báo Pháp luật Việt Nam.
Anh Việt bức xúc trình bày với  Báo Pháp luật Việt Nam.

Cơ quan chức năng tìm cách né tránh

Trả lời Báo Pháp luật Việt nam về các vấn đề mà người dân phản ánh, UBND phường Hiệp Bình Chánh cho rằng đã làm đúng quy định, đã thông báo, vận động gia đình nhiều lần nhưng không chấp hành. UBND phường này cũng thừa nhận rằng, trong thư mời gia đình ông Bằng lên làm việc (trước lúc cưỡng chế) thì thư không đề ngày, giờ làm việc cụ thể là ngày, giờ nào. Đây là sự bỏ nhầm thư mời của… nhân viên thụ lý!

Mời người dân lên làm việc mà không có ngày, giờ nào thì dân biết ngày, giờ nào để lên phường? Phải chăng UBND phường này có chủ ý gì trong đó? Phải chăng muốn làm khó người dân để họ không có thời gian khiếu kiện các quyết định, để đến khi người dân biết thì coi như sự đã rồi? 

Về khúc mắc của người dân rằng, tại sao khu vực này có rất nhiều nhà cấp bốn, nhà trọ cũng được xây dựng nhưng tại sao không bị đập bỏ? Khu dự án này có sự điều chỉnh nào hay không? Ở đây được xây dựng loại nhà gì? Mật độ xây dựng và chiều cao tối đa… thì UBND phường Hiệp Bình Chánh không trả lời mà hướng dẫn PV lên quận và Sở để hỏi.

Mặc dù đã đặt lịch làm việc, nhưng khi PV đến, ông Lý Thanh Long - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng lại khất lần vì cho rằng chuẩn bị họp. Ông hẹn sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất vì vụ này bên Sở cũng đã nhận được đơn của người dân. Thế nhưng nhiều tuần trôi qua, chúng tôi đợi chờ, gọi điện rất nhiều lần và lần nào cũng được ông hứa sẽ trả lời hoặc chỉ đạo cấp dưới trả lời.

Thế nhưng gần một tháng trôi qua, Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM vẫn không có bất cứ động thái nào. Ngày 5/9, cán bộ Tùng- được ông Long chỉ đạo và gọi điện báo cho chúng tôi biết là nội dung đã trình cho Giám đốc Sở, muộn nhất là 1 đến 2 ngày sẽ trả lời. Tuy nhiên 4 ngày trôi qua, chúng tôi vẫn không thấy gì. Gọi điện hỏi thì được ông Tùng nói tỉnh bơ: “Tôi đã trình nội dung cho Giám đốc, còn khi nào trả lời thì không thể nào biết được, vì đó là việc của lãnh đạo. Nhiệm vụ của tôi chỉ đến đó thôi…”. Vừa nói xong ông cúp máy cái rụp.

 Vậy là Sở này sẽ vô thời hạn trong việc trả lời khiếu nại của người dân và các nội dung mà cơ quan ngôn luận quan tâm? Phải chăng trong vụ việc san bằng gần 50 phòng trọ này, còn nhiều nhà cấp bốn và dãy nhà trọ trong cùng khu vực lại được tồn tại đang có khuất tất gì đó? 

Những nội dung liên quan vụ việc này chúng tôi cũng đã làm việc, gửi cho UBND quận Thủ Đức.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh các nội dung liên quan về vấn đề trật tự xây dựng tại địa phương này trong thời gian tới.

Đọc thêm