Quán trà “không chụp ảnh, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”

(PLVN) - Tên cha sinh mẹ đẻ là Khuyên, con chim vành khuyên chui vào tay áo hoàng tử trong câu chuyện cổ tích ấu thơ. Nhưng cô chọn cho mình cái tên Sen. Bởi sen là loại hoa lạ lắm. Hương sen trong đầm thật ngát hương, nhưng mùi hương như không chịu khuất mình khi cảnh quan thay đổi. Sen cắm trong nhà cũng thơm, nhưng mùi hương đã khác. Chẳng thế mà đã có bao người ấp ủ làm nước hoa từ sen mà thất bại. Người thích sen là người tự do trong tâm tưởng, như mùi hương của sen, không thể rời xa mẹ thiên nhiên...
Quán trà đặc biệt nằm ở tầng 5 một khu tập thể trên phố Ngô Quyền, Hà Nội
Quán trà đặc biệt nằm ở tầng 5 một khu tập thể trên phố Ngô Quyền, Hà Nội

Đó là câu chuyện của cô gái chủ quán trà Ngọa Vân Am, quán trà có cái tên độc đáo, địa thế, cách bài trí, quan điểm kinh doanh cũng rất khác… nằm ở một khu tập thể trên phố Ngô Quyền, Hà Nội.

Hà Nội, những ngày giáp Tết. Đường phố bớt ồn ào, con người như trầm lắng hơn. Tự làm bạn với mình, đối diện với người thân có khi cả năm mới nhìn thấy mặt, lấy chén trà làm đầu câu chuyện với nhau và với Sen.

***

“Nhà Phật có câu: “Ở đời vạn sự tùy duyên”. Ngọa Vân Am đến với em như một cái duyên. Từ nhỏ, chẳng hiểu vì đâu em đã thích lịch sử và văn hóa. Thế hệ 8X đi học có mấy học sinh nào thích học lịch sử đâu và vì thế một số thầy cô cũng chẳng buồn “nhen nhóm” lên ngọn lửa của quá khứ. 

Nhưng em khác, đi đâu cũng kè kè quyển sách lịch sử, truyện lịch sử, cắm cúi đọc. Em tìm thấy nhiều giá trị xưa cũ trong lịch sử nhưng chẳng biết chia sẻ cùng ai, cứ ôm giữ cho mình. Chọn trường để thi đại học, em chọn du lịch vì cứ ngỡ công việc này sẽ là cầu nối giúp mình đến với văn hóa, lịch sử. Nhưng rồi vỡ mộng vì hướng dẫn viên du lịch say nghề mấy cũng bị cơm áo gạo tiền cuốn đi, với bao nhiêu lo toan trong một chuyến hành trình. 

Rời nghề, để mưu sinh, em chọn đồng hành với gốm. Nếu ai còn nhớ đến quán bán gốm Nhật ngày ấy hẳn sẽ nhớ đến cô bán hàng là em rất chịu khó trò chuyện cùng khách về gốm, về văn hóa gốm và về những dấu ấn lịch sử ẩn mình trong gốm.

Quán đông khách dần và cô bán hàng cũng phải chọn giữa hai con đường: Chuyên tâm kinh doanh hay lãng du cùng lịch sử. Và thế là để không ảnh hưởng đến người bạn cùng chung vốn làm, em quyết định chia tay với gốm để mở quán trà này.

Lịch sử kể rằng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn đỉnh Ngọa Vân trên ngọn núi Bảo Đài, dãy Yên Tử thuộc vòng cung Đông Triều, Quảng Ninh. Giữa núi rừng hoang vu cô tịch, một am lá đơn sơ, khiêm nhường, ẩn khuất, nhẹ nhàng như đám mây trên đỉnh núi lúc hợp, lúc tan. Hình ảnh người tăng sĩ đội áo vải, chân trần sống trên am Ngọa Vân đã truyền cảm hứng cho thiền sư Thích Nhất Hạnh viết nên cuốn tiểu thuyết ngoại sử “Am Mây Ngủ”.

Câu chuyện như một bài kinh Phật nhẹ nhàng, sâu lắng, tưới mát tâm hồn người đọc. Cuốn sách đã đến với em từ tay một người bạn giữa lúc em hoang mang nhất trong quán gốm và nó đã mở cho em một cánh cửa. Cánh cửa của “Ngọa Vân Am”...”.

Sen kể đến đây thì dừng lại vì khách đến. Dáng mảnh mai lúi húi châm nước, pha trà trong không gian thơm ngát mùi hương gợi ký ức khiến không ít vị khách rưng rưng...

Với Sen, trà không đơn giản chỉ là một thức uống
Với Sen, trà không đơn giản chỉ là một thức uống

“Tôi đến quán này ban đầu do có một người quen dẫn tới. Thoạt nghe đi uống trà, lạ lắm vì trà thì cứ ra vỉa hè nào đó kêu cốc trà đá là có ngay, cớ gì mà tới quán cho cực. Thôi thì cứ đi và trải nghiệm xem thế nào. Đẩy cửa bước vào, ôi không phải quán, đây là nhà, tôi đang về nhà!

Có lẽ bởi quán nằm trên tầng 5 nằm một khu tập thể được xây lâu lắm rồi, cảm tưởng như được quay lại cái thời thập niên 80, 90 gì đó với các nhịp cầu thang đã bị thời gian bào mòn, và không gian trong quán quá đặc biệt. Sau tuần trà đầu tiên, tôi đã hiểu người xưa thưởng thức trà thi vị thế nào. Uống trà không vội vàng, hấp tấp, từ từ nhẹ nhàng mà cảm nhận…”.

***

Trà là thức uống của nhiều dân tộc. Nhưng văn hóa của mỗi vùng đất, mỗi tộc người đã làm nên những nền văn hóa trà khác biệt. Người Nhật Bản uống trà mà không chỉ đơn thuần là uống trà. Trà đạo của Nhật Bản với bốn nguyên tắc cơ bản: Hòa - Kính - Thanh - Tịch là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ.

Người Trung Hoa uống trà như một sự kế thừa và tiếp truyền từ lịch sử. Cầm, kỳ (cờ), thư (thư pháp), họa, thi, tửu (rượu), trà được văn nhân Trung Quốc coi là bảy thứ không thể thiếu được trong cuộc sống thường ngày. Người Trung Hoa quan niệm “khách đến kính trà”, chén trà chính là tượng trưng cho lễ nghĩa, sự hiếu khách, trọng tình của con người, dù đó là ở nông thôn hay chốn đô thành sang trọng.... 

Trà của người Việt chịu sự ảnh hưởng của nước ngoài. Tuy nhiên, với nền văn minh lúa nước, trà là đồ uống của cư dân nông nghiệp thích cuộc sống ổn định, bình thản. Vì thế nghệ thuật pha trà và thưởng thức trà của người Việt không quá cầu kỳ nhưng cũng không quá đơn giản, không quá nghi lễ nhưng cũng không quá bình dân. 

Nghệ thuật uống trà của người Việt được gói lại trong câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”. Muốn có một chén trà ngon, điều trước tiên phải tìm cho được nguồn nước tự nhiên thanh khiết. Nước pha trà ngon nhất là những giọt sương sớm đọng trên lá sen, hay nước mưa hứng từ tàu cau xanh mướt trên cao.

Người cầu kỳ pha nước giếng với nước mưa, gọi là nước âm dương. Nước phải đun bằng ấm đất trên bếp lò đốt bằng than. Than dùng để đun nước vì nó không bốc mùi như củi khô, hay các loại dầu. Đun vừa đủ sôi, không đun sôi quá hoặc không đủ sôi. Sau đó bỏ một lượng trà vừa phải, đổ nước sôi vào để tráng trà, chế nước vào tiếp và dùng....

Bên cạnh “nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình” thì “ngũ quần anh” cũng rất quan trọng bởi đó là bạn trà. Quanh một ấm trà chỉ nhiều nhất ba người là đủ, hơn số đó không gian sẽ mất cô đọng, trà sẽ mất ngon...

Một góc Ngọa Vân Am
Một góc Ngọa Vân Am

Giờ thì tôi đã hiểu tại sao Ngọa Vân Am lại chỉ kê có vỏn vẹn bốn bàn, không gian còn lại nhường chỗ cho những chén trà gốm, tượng Phật và hoa mùa nào thức ấy. Và cũng hiểu tại sao mỗi khi khách đến, Sen lại khe khẽ đặt lên bàn quyển số trong đó ghi những loại trà cùng dòng lưu ý: “Không chụp ảnh, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” (tuy nhiên, với nhà báo thì có thể có ngoại lệ - PV).

“Nhấp một lần thôi nhớ cả đời/Uống trà như uống giọt trăng rơi/Chạm môi nhẹ chút thành thương nhớ/ Thoáng chút hương đưa đến bồi hồi”, cách phục vụ của Sen khiến người ta nhớ đến câu thơ này của một văn nhân... 

***

Trên tường Ngọa Vân Am có treo một cây cổ cầm. Khách đến không phải ai cũng biết, vì cổ cầm không phải là đàn của người Việt. Đây là một loại nhạc cụ Trung Quốc thuộc bộ dây dạng gảy gồm có bảy dây nên còn gọi là thất huyền cầm. Cổ cẩm được chơi từ thời cổ đại, được các học giả và sĩ phu xem là loại nhạc cụ thanh nhã, tinh tế.

Có câu: “Quân tử không thể rời cầm hay sắt (tên một loại nhạc cụ) của mình mà không có lí do chính đáng”. Với Sen, cổ cầm không cao siêu đến vậy, mà chỉ bởi đơn giản Sen yêu âm thanh trầm và sâu lắng của nó. Tiếng đàn ngân lên thả vào đời những giọt nhạc, lặn sâu trong tâm trí mỗi người.

Chuyện Sen yêu cổ cầm cũng giống như chuyện Sen rất thích đi chợ buổi sáng. Trong phố cổ, sáng sớm nào cũng có một phiên chợ quê nho nhỏ, chỉ 6h là tan. Sớm tinh mơ, đèn đường còn chưa tắt, mới lác đác bóng người, Sen cứ thả bước thong dong trong không gian tĩnh lặng, cho đến khi nghe thấy âm thanh của kẻ mua người bán là đã tới chợ.

Chợ cóc, lấy đâu ra của ngon vật lạ, chỉ là mớ rau cái tép củ khoai củ sắn bà con mình lọ mọ 2-3h sáng từ quê mang lên. Tuổi thơ ai may mắn lớn lên cùng những khuôn mặt lam lũ chất phác như vậy, khi vô tình bắt gặp lại chắc hẳn sẽ thấy như đang được về nhà, về quê. Và với Sen, cứ hít cho đầy lồng ngực cái không khí ấy tự khắc lòng sẽ bình an trở lại.... Sen lạ. Và Ngọa Vân Am vì thế mà cũng lạ... 

Đọc thêm