Không báo cáo nên không biết?
Ngày 23/10, ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh (BQL) đã có văn bản giải trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Công an huyện, VKSND huyện Bắc Trà My và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh (HKL) về vụ tàn phá rừng quy mô lớn ở xã Trà Bui của huyện này.
Ông Chẩn cho rằng, BQL đã cố gắng phối hợp với chính quyền địa phương các xã, cùng HKL tuần tra, kiểm soát và tiến hành truy quét khai thác lâm sản trái phép trong lâm phận. Kết quả đến đầu tháng 9 đã phát hiện 28 vụ khai thác, vận chuyển và cất giữ gỗ trái phép, tạm thu 110,2m3 gỗ các loại.
“Việc khai thác gỗ trái phép trong lâm phận thường xảy ra. Đặc biệt tại khu vực xã Trà Bui đã phát hiện 19 vụ, số lượng gỗ tạm thu giữ 88m3 các loại (trong đó có 38,4m3 gỗ tròn và 49,6m3 gỗ xẻ). Nhất là trong tháng 8/2015 phát hiện, lập biên bản 6 vụ, khối lượng 19,1m3; tháng 9/2015 phát hiện, lập biên bản 6 vụ, khối lượng 43,7m3”, ông Chẩn thừa nhận.
Giám đốc BQL khẳng định, tất cả các vụ trên đơn vị đã lập hồ sơ báo cáo UBND huyện Bắc Trà My và Nam Trà My cùng HKL để biết, xử lý và chỉ đạo. “Ban lãnh đạo luôn luôn quan tâm và đặt công tác bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, đã đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp như thường xuyên luân chuyển Trạm trưởng bảo vệ rừng Trà Bui (trong 7 năm đã thay đổi 4 Trạm trưởng), thu giữ tang vật, bắt đối tượng đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự..., tuy vậy vẫn không tránh khỏi những thiếu sót đáng tiếc”, ông Chẩn cho biết.
Để xảy ra việc tàn phá rừng Trà Bui trong thời gian dài vừa qua, ông Chẩn đổ lỗi do các đối tượng rất tinh vi, thường khai thác, vận chuyển gỗ vào ban đêm nên không bắt được quả tang đối tượng. “Riêng vụ cất giữ gỗ trái phép tại thôn 5, xã Trà Bui vào ngày 24/9/2015, Đội quản lý bảo vệ rừng cơ động trong quá trình tuần tra, kiểm soát lâm phận đã phát hiện 64 hộp gỗ chò nhóm VI, khối lượng 14,12m3 nhưng Đội không báo cáo để lãnh đạo Ban biết” – lần này ông Giám đốc đổ lỗi cho cấp dưới.
“Khi phát hiện vụ cất giữ gỗ trái phép trên, ông Phan Văn Dự (Đội phó Đội Quản lý bảo vệ rừng cơ động) yêu cầu các nhân viên trong Đội không được báo cáo cho Giám đốc Ban và Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Trà Bui biết” – ông Chẩn giải thích. Đến ngày 5/10/2015, khi ông Đinh Văn Chuẩn - nhân viên bảo vệ rừng Trạm Trà Bui trình bày sự việc với Trạm bảo vệ rừng, lúc này câu chuyện mới vỡ lở.
“Lãnh đạo Ban đã làm việc với ông Dự, theo tường thuật của ông Dự thì ông không báo cáo lãnh đạo là để... tự ý giải quyết vụ việc” – Giám đốc BQL cho hay.
“Nghi án” tiếp tay “lâm tặc”
Trước đó hôm 5/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng đoàn công tác đã trực tiếp băng rừng thị sát “điểm nóng” Trà Bui. Tận mắt chứng kiến rừng bị tàn phá tàn tệ, ông Thanh cho rằng có nhiều dấu hiệu nghi vấn cán bộ quản lý, bảo vệ rừng tiếp tay cho “lâm tặc”.
“Thực ra mình chỉ nghi ngờ thôi, còn có hay không thì để cơ quan điều tra vào cuộc. Tôi đã giao cơ quan điều tra và yêu cầu xử lý nghiêm. Theo đó, sai phạm nào cần xử lý hành chính thì xử lý, sai phạm nào cần xử lý hình sự thì phải khởi tố, không kiêng nể bất kỳ ai. Qua kiểm tra thực địa, tôi đặt vấn đề nghi ngờ để chỉ đạo vừa kiểm điểm trách nhiệm nội bộ, vừa làm rõ trách nhiệm từng cá nhân. Tôi nói rồi, bây giờ ông (cán bộ - PV) nói không có mà sau này cơ quan điều tra làm mà có thì ông phải chịu trách nhiệm. Mọi sự cũng rõ ràng. Để cơ quan điều tra làm rõ xem ai sai phạm, mức độ sai phạm như thế nào”, ông Thanh cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, huyện Bắc Trà My là một trong những nơi xảy ra phá rừng nhiều nhất. “Tôi giao nhiệm vụ là trong tháng 10 này phải xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ rừng ở khu vực Trà Bui nói riêng và các khu vực “nóng” nói chung để xem gỗ thực tế còn trong đó không, hiện trạng như thế nào. Hiện chúng tôi chỉ mới phát hiện gỗ lậu kéo ra sát bìa rừng, còn gỗ lậu nằm trong rừng như thế nào nữa phải kiểm tra mới biết được. Còn công tác tuần tra, bảo vệ rừng ở đây tôi nói rất là kém, rất là kém. Việc có dấu hiệu buông lỏng, có tiếp tay hay không, có tiêu cực thế nào thì tôi có quyền đặt vấn đề nghi ngờ. Thực tế là chỉ có một con đường độc đạo đi vào rừng thôi mà tại sao cán bộ quản lý bảo vệ rừng không biết” – ông Thanh nói.