Sự lo lắng của người dân không thừa khi Quảng Nam là tỉnh có dự án thủy điện nhiều nhất cả nước.
“Đừng bàn về quy trình, lo khắc phục cho dân trước”
Trước bão số 9 đổ bộ, các địa phương sống dọc 2 bên sông Vu Gia được cho đi sơ tán. Chiều tối 28/10, bão vừa qua, Công ty cổ phần thủy điện Đăk Mi (Quảng Nam) lại đột ngột xả lũ khiến khu vực Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP. Hội An bị ngập lụt sâu, rất may không có thiệt hại về người.
Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, việc thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ gây hậu quả rất nhiều nhà cửa người dân bị ngập nước và sụp đổ; tài sản hư hại, vật nuôi bị cuốn trôi, có người dân suýt mất mạng, đặc biệt dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ.
“Ngàn đời nay, bà con nơi miền rừng này hiểu và chứng kiến những cơn lũ đổ về sông Rô, nhưng không hung hãn như trận lũ vào chiều 28/10. Nước cuồn cuộn đổ xuống, nhấn chìm các thôn Ngói, Pà Căng, Pà Ong, Hà Ra, Bến Giằng hay Xóm Mía.... Mọi tài sản trôi theo dòng nước hung dữ. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai cây cầu cao nhất gồm Cầu Xơi và Bến Giằng cũng bị nước dâng ngập. Đây là điều chưa từng có. 320 hộ dân mất nhà mất tài sản lâm vào cảnh màn trời chiếu đất”, ông Sơn nêu
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đại Lộc cho biết, sau quyết định xả lũ của thủy điện Đắk Mi 4, mực nước sông Vu Gia đêm 28/10 lên mức 9,03 mét, trên mức báo động 3, 0,03m. Nhiều tuyến đường và khu dân cư ở khu vực xã Đại Cường, thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) chìm trong nước. Để đi lại, người dân phải dùng thuyền. Nhiều đồ đạc tài sản, vật dụng, hoa màu cũng vì thế bị chìm trong nước, hư hại…
Chiều 4/11, Đoàn công tác UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu dẫn đầu đã làm việc với huyện Nam Giang, lúc này ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi khẳng định một câu được nhiều người cho rằng rất vô cảm: Xả lũ đúng quy trình và hợp lý!
Thủy điện Đăk Mi 4. |
Chưa hết, ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng nêu, năm nay 4 hồ thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh như Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, Sông Bung 4 và A Vương đều được vận hành đưa về mực nước đón lũ thấp nhất nhằm tạo dung tích phòng lũ tối đa theo quy định, thậm chí Đắk Mi 4 còn đưa mực nước về thấp hơn quy định đón lũ. Tuy nhiên, vì đợt lũ vừa qua vô cùng đột biến nên khó ứng xử về mặt kỹ thuật. Do đó, việc điều hành đưa nước về hạ du dù đột ngột nhưng rất kịp thời nên đã cắt được đỉnh. Cũng theo ông Tý, việc xả lũ không vi phạm quy định và rất kịp thời nhằm giảm lũ cho hạ du.
Lập tức, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang, A Viết Sơn chất vấn lại lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Công ty Cổ phần thủy điện Đắk Mi: “Quy trình xả lũ đúng, vậy huyện và bà con ở đây sai hết hay sao?”. Câu hỏi không có lời giải đáp.
Cũng theo ông Sơn, bây giờ không bàn về quy trình xả lũ, mà phải tập trung khắc phục thiệt hại cho người dân. “Chúng ta nói quy trình đúng, chẳng lẽ dân bị thiệt hại sẽ không lo sao? Cuộc sống của người dân sắp tới ra sao. Thủy điện đền bù và phải chịu trách nhiệm với những gì mình gây ra. Thiệt hại bao nhiêu, giá trị như thế nào... phải có mức tương xứng. Còn hỗ trợ, nghĩa là cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu”, ông Sơn bức xúc.
Những thiệt hại của người dân phải gánh chịu sau mỗi đợt xả lũ chưa được đền bù xứng đáng. |
Không chỉ chính quyền Nam Giang, những ý kiến về “quy trình xả lũ” được nêu trên cũng gây bức xúc trong dư luận. Nhiều nạn nhân ngập lụt đã tha thiết lên tiếng: “Không hiểu cái quy trình xả lũ của Đắk Mi 4 đúng sai như thế nào. Người dân chúng tôi chỉ biết chỉ sau 30 phút kể từ lúc thông báo, lũ thủy điện ập đến khiến địa phương huyện Nam Giang không kịp trở tay. Nhà cửa, tài sản trôi theo dòng nước là có thật. Xin hãy bỏ cái qui trình chết người. Hãy nhìn cảnh người dân đi nhặt từng miếng ván, nhà bị trôi đang khốn khó. Cầu mong Chính quyền Quảng Nam hãy nhớ lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm làm việc với 4 tỉnh thành khu vực bị thiệt hại, là hãy tập trung lo cho người dân trước đã, không được để người dân đói đau trong cảnh màn trời chiếu đất”
Hệ lụy nhãn tiền, vẫn “phủ sóng” thủy điện nhiều nhất nước!
Điều không thể phủ nhận, thủy điện ở các tỉnh Quảng Nam đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giúp phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng những hồ chứa hàng chục triệu m3 như những “quả bom” nước “chực chờ” kích hoạt, nguy cơ gây thảm nạn mỗi khi mưa bão là có thật. Các thủy điện Sông Tranh 2, Đăk Mi 4… xả lũ những ngày qua trở thành minh chứng sống động nhất.
Đặc biệt, hàng chục nhà máy thủy điện mọc lên, đồng nghĩa với hàng ngàn hecta rừng bị đốn hạ hoặc bị dòng nước lòng hồ nhấn chìm. Và cho đến nay, Quảng Nam vẫn được xem là địa phương có số thủy điện nhiều nhất nước với 43 công trình lớn nhỏ. Trong dó 10 dự án thủy điện bậc thang với công suất 1.156Mw; điện lượng bình quân 4.444,52 triệu kWh/năm được Bộ Công thương phê duyệt. Số còn lại là những thủy điện vừa và nhỏ được chính quyền Quảng Nam cấp phép xây dựng.
Dù sở hữu thủy điện nhiều nhất nước như vậy, nhưng dường như Quảng Nam chưa muốn dừng lại. Năm 2017, các huyện ở Quảng Nam lại đề nghị bổ sung tới 18 dự án thủy điện với tổng công suất 231,1 MW vào quy hoạch. Qua xem xét, UBND tỉnh Quảng Nam quết định bổ sung 4 dự án gồm Trà Linh 1, Tăt Lê, Nước Lah và Trà Leng để làm trước. Đề nghị này sau đó đã được HĐND thông qua và hiện các thủy điện nêu trên đang được triển khai xây dựng. Theo tính toán, tổng diện tích đất rừng của 4 thủy điện này sẽ phải “xóa sổ” khoảng 144,27 ha, trong đó đất lâm nghiệp 60,1 ha. Mới đây, ngày 30/7/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc quyết định chủ trương đầu tư thêm đối với thủy điện A Vương 4.
Thiệt hại về tài sản của người dân sau mỗi trận xả lũ đúng quy trình. |
Theo ghi nhận được, chỉ tính riêng huyện Bắc Trà My, trên hệ thống Sông Tranh đã và đang đầu tư 5 dự án nhà máy thủy điện bậc thang. Chưa kể các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Đối với Nhà máy Thủy điện Sông Tranh II đã tận diệt hơn 2.500 ha rừng. Còn dự án Nhà máy Thủy điện Sông Tranh III tiếp tục phá đi 400 ha rừng nguyên sinh đầu nguồn còn lại của vùng đất này. Dự án thủy điện Sông Tranh II đã buộc hơn 1.196 hộ dân phải di chuyển vào sâu trong rừng để nhường đất xây dựng nhà máy.
Còn tại Dự án Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4, ngay từ thời điểm xây dựng đã có rất nhiều ý kiến phản đối, trong đó nêu lên việc chặn dòng chảy trong lưu vực hệ thống Sông Cái - Sông Vu Gia - Sông Yên khiến hạ du khô hạn. Cũng đã có rất nhiều cuộc hội thảo diễn ra, các chuyên gia đầu ngành, chính quyền Đà Nẵng đều khẳng định, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất nguồn nước cung cấp phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhiều huyện thuộc Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.
Không ít lần trong các cuộc họp, cử tri đã hỏi chính quyền, có phản đối khi quá nhiều dự án thủy điện, nhưng không ai trả lời vì thực tế, đây là chủ trương nhà nước cần phải đầu tư để đảm bảo nguồn năng lượng. Thế nhưng, tất cả lãnh đạo địa phương đều thừa nhận, thủy điện chiếm quá nhiều đất rừng và đất canh tác, chưa kể di dân quá lớn làm xáo trộn đời sống bà con.