Theo phương án đã được thống nhất trong buổi làm việc, đầu tuần tới, gần 7.000 lít dầu biến thế chứa chất độc hại PCB sẽ được di chuyển ra khỏi cảng Cái Lân và điểm đến là kho bãi của Cty Môi trường-TKV (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) ở xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), tránh xa khu vực Vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên thế giới.
7 năm tồn đọng
Vào tháng 11/2007, Cty CP đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Cty CP đầu tư Cửu Long, trụ sở tại TP.Hải Phòng) nhập khẩu một lô hàng thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc, được sản xuất trước năm 1975 để phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định). Do dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng không được triển khai, lô hàng trên nằm tồn kho tại cảng Cái Lân từ đó đến nay.
Khi lô hàng về đến cảng Cái Lân, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện một trong ba máy biến thế của lô hàng có chứa PCB trong dầu biến thế. Đây là chất thải cực nguy hiểm, chỉ xếp sau đi-ô-xin, nên lô hàng này buộc phải tái xuất về lại nơi xuất khẩu.
Ngày 17/7/2008, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Cty CP đầu tư Cửu Long Vinashin vì vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và buộc phải tái xuất về nước xuất khẩu lô hàng nhiễm PCB nói trên, song Cty CP đầu tư Cửu Long cho biết không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác xuất khẩu… không chịu nhận lại.
“Núi độc” không ai muốn “chứa”
Tháng 5/2014, số dầu trong lô biến thế trên đã được chuyển đóng vào 35 thùng phi, đặt vào hai container chuyên dụng ở cảng Cái Lân. Từ đó đến nay, do chưa có phương án xử lý dứt điểm nêm 7.000 lít chất độc này tiếp tục gây lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long dù vẫn trong trạng thái bảo quản ổn định, không có hiện tượng rò rỉ.
Sau khi có thông tin Cty CP đầu tư Cửu Long định chuyển số dầu thải này về Hải Phòng, UBND TP.Hải Phòng đã có Công văn số 6128/UBND-MT cương quyết không cho phép đưa lô dầu về Hải Phòng để lưu giữ; chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì cùng các sở, ngành: Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Công an TP, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, UBND quận Hồng Bàng và các đơn vị liên quan giám sát Cty CP đầu tư Cửu Long chấp hành chỉ đạo của UBND TP.
Chuyển khẩn cấp, chờ…xử lý
Tại cuộc làm việc ngày hôm qua, ông Nguyễn Anh Tuấn - cán bộ Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường – cho biết, Cty Môi trường-TKV có đủ năng lực để thực hiện việc bảo quản số dầu độc hại trên được an toàn, không làm ảnh hưởng tới môi trường. Cục Kiểm soát ô nhiễm sẽ có hướng dẫn trực tiếp, quy định về thời gian, phương thức vận chuyển số dầu an toàn; đặc biệt là hướng dẫn cụ thể về yêu cầu xây dựng kho bãi bảo quản chất PCB cũng như lưu trữ và giám sát môi trường.
Ông Tuấn cũng cho biết, chất PCB trong dầu biến thế đang chứa trong hai container ở cảng Cái Lân có nồng độ cao gấp hai lần so với tiêu chuẩn quy định của Bộ TN&MT. Toàn bộ số dầu được bảo quản qua hai lớp trong container, được đặt trong kho quy chuẩn của Cty Môi trường-TKV, nên khả năng gây ô nhiễm ra bên ngoài trong thời gian ngắn là không thể xảy ra. Máy biến thế chứa dầu trên đã được sấy khô sạch, cơ bản không gây nguy hại cho môi trường.
Còn ông Nguyễn Tuấn Dương - nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư Cửu Long - cho biết, Cty cam đoan chỉ để tạm thời lô hàng trên ở kho của Cty Môi trường-TKV không quá hai tháng. Hiện Cty đang chờ phía đối tác là Cty Ximăng Thành Công (Hải Dương) hoàn thành thủ tục cấp phép được xử lý chất thải nguy hại rồi sẽ tiến hành hợp đồng thuê Cty Ximăng Thành Công xử lý triệt để lô dầu trên.
Về phần mình, ông Hoàng Danh Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết, Sở TN&MT Quảng Ninh đề nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân ở xã Dương Huy hiểu việc bảo quản số dầu trên trong thời gian ngắn là an toàn, không xảy ra rò rỉ dầu ra môi trường. Cũng trong tuần tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ lập tổ công tác đặc biệt thực hiện việc giám sát công tác di chuyển, bảo quản số dầu trên.