Quảng Ninh: Giải tỏa khu nghỉ dưỡng chưa minh bạch, hàng chục hộ dân kêu cứu?

(PLO) - Hàng chục hộ dân kinh doanh cơ sở nghỉ dưỡng bình dân - mô hình homestay đang đứng trước nguy cơ phá sản do chính quyền huyện Cô Tô ban hành lệnh cưỡng chế vì cho rằng “ vi phạm lấn chiếm đất quốc phòng”.

Cho tới bây giờ chưa có bất kỳ văn bản, tài liệu nào của phía quốc phòng khẳng định là đất quốc phòng, còn người dân thì cho rằng đó là đất lưu không và mô hình du lịch này đã được Hội đồng nhân dân huyện thông qua trong nhiệm kỳ 2011-2015.

Dự án đã được HĐND thông qua sao lại cưỡng chế?

Theo phản ánh của các hộ dân ở bãi biển Hồng Vàn thuộc xã Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô cho biết, họ là những người dân đến đảo Cô Tô lập nghiệp theo tiếng gọi của Đảng, Chính phủ với nhiệm vụ xây dựng kinh tế mới và gìn giữ tuyến đảo đầu tiên Đông Bắc tổ quốc vào những năm 1978-1979.

Năm 2012, UBND huyện  Cô Tô có tờ trình HĐND huyện về chủ trương “Ban hành cơ chế huy động nguồn lực, xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hoạt động dịch vụ du lịch” (tờ trình số 78/TTr- UBND ngày 14/12/2012) với nội dung: “Huy động nguồn lực, xã hội hóa xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tạm thời tại các bãi biển trên địa bàn huyện. 

Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Cô Tô khiến cho người dân hoang mang, cầu cứu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Đối tượng tham gia: Các hộ dân có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống  trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Cô Tô.

Các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân là người Việt Nam ngoài địa bàn huyện. Thời gian hoạt động từ 01/4 đến 30/9 hằng năm tại các bãi biển Nam Hải, Hồng Vàn, Bắc Vàn của đảo Cô Tô”.

Tờ trình cũng nêu rõ: “Dựng công trình tạm bằng hình thức lắp ghép theo đúng quy cách, có thể di dời, tháo lắp thuận tiện, cam kết bảo vệ môi trường. không gây ô nhiễm môi trường. Tạm thời cho mượn diện tích đất nhất định, phù hợp với tính chất, quy mô hoạt động kinh doanh dich vụ trên bãi biển”.

Theo đó, HĐND khóa IV, kỳ họp thứ 7 thông qua Nghị quyết 40/2012/NQ-HĐND sau đó UBND huyện ban hành Quyết định 46/QĐ-UBND ngày 26/3/ 2013 về việc ban hành cơ chế huy động nguồn lực, xã hội hóa xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tạm thời tại các bãi biển trên địa bàn huyện.

Trên cơ sở đó, các hộ dân đã dốc hết vốn, vay mượn ngân hàng, người thân đầu tư vào hoạt động kinh doanh với mong muốn thoát nghèo.

Ngoài ra được sự hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành địa phương hoàn tất hồ sơ và được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh; Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được cấp sổ theo dõi đăng ký cư trú, được học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và nấu ăn,…).

Từ năm 2013 đến 2015, khi đảo Cô Tô có điện lưới thì dịch vụ du lịch homestay phát triển mạnh. Theo báo cáo của Phòng tài chính- kê hoạch &Công thương cho biết, trên khu vực bãi biển Hồng Vàn có 31 hộ kinh doanh nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, tour, vui chơi thể thao, vận tải đường thủy…

Theo báo cáo của UBND huyện, từ năm 2015 đến 2016, trung bình huyện đón 300 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu hằng năm đạt gần 500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 2,370 USD/năm.

Khi việc kinh doanh của các hộ dân đang phát triển đều đặn, mang nguồn lợi đến cho địa phương, bước đầu xóa nghèo cho các hộ dân biển đảo, thì trong năm 2016, 2017 UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về môi trường kinh doanh du lịch tại bãi biển Hồng Vàn và xác định “các hộ gia đình và cá nhân được cấp giấy phép kinh doanh không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú”.

Tiếp đó nhiều đợt kiểm tra, lập biên bản về xây dựng, niêm yết giá, lắp đặt phòng nghỉ…UBND Huyện đã có đối thoại với dân yêu cầu dân dỡ bỏ công trình kinh doanh dịch vụ du lịch vì cho rằng “lấn chiếm vào đất quốc phòng”,….

Nhiều hộ dân bất ngờ, hoang mang, kêu cứu và xin chính quyền kéo dài thời gian tháo dỡ  để các hộ dân có điều kiện thu hồi lại vốn đã đầu tư.

Các hộ dân kinh doanh dịch vụ trên đảo Cô Tô có nguy cơ phá sản nếu chính quyền huyện Cô Tô tổ chức cưỡng chế.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một chính sách được huyện khuyến khích lại đẩy dân tới đường cùng và diện tích đất đang được các hộ dân sử dụng có phải “lấn chiếm vào đất quốc phòng” hay không?

Có thực sự các hộ dân “lấn chiếm đất quốc phòng”?

Theo kết luân của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh về công tác quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng công trình, kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu vực bãi biển Hồng Vân, xã Đồng Tiền, huyện Cô Tô vào ngày 27/9/2017 cho biết:  Tổng diện tích đất các hộ đang sử dụng là 42.469,1m2 mà UBND huyện cho rằng “lấn chiếm đất quốc phòng” thì “không có bản đồ hay căn cứ pháp lý làm cơ sở”.

Và tại thời điểm thanh tra vẫn chưa có sự thống nhất. Hồ sơ cắm mốc vào năm 2014, không có sự chứng kiến của chính quyền huyện, xã, đến nay hồ sơ cắm mốc đơn vị chưa được nhận bàn giao nên không có lưu trữ tại Tiểu đoàn đảo Cô Tô.

Kết luận thanh tra cũng cho rằng việc quản lý đất đai ở đây nhiều bất cập như: “các cơ quan quản lý nhà nước như Phòng TN&MT huyện, UBND xã Đồng Tiến cũng không có cơ sở để cập nhật ranh giới giữa đất quốc phòng.

Bản đồ sử dụng đất xây dựng và phân khu chức năng của huyện,xã, bản thân Tiểu đoàn Đảo Cô Tô và Lữ đoàn 242 cũng không xác định được chính xác. Có hiện tượng chồng lấn với diện tích các hộ dân vẫn chưa được làm rõ”

Năm 2017, UBND huyện đã thuê đơn vị Trung tâm công nghệ thông tin thuộc Sở TN&MT sử dụng công nghệ định vị, đưa mốc giới trong diện tích được UBND tỉnh cấp Giấy CNQSD đất cắm mốc trên thực địa theo bản đồ hiện trạng cấp giấy. Hồ sơ cắm mốc hiện trong quá trình hoàn thiện, chưa được bàn giao.

Theo thông tin kết luận của Thanh tra tỉnh cho thấy “ranh giới để xác định rõ ràng giữa đất quốc phòng và diện tích đất bà con đang sử dụng là chưa thống nhất”.

Tuy nhiên, UBND Huyện Cô Tô lại khẳng định là bà con lấn chiếm đất quốc phòng và lên kế hoạch cưỡng chế gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ dân.

UBND tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét kiến nghị của người dân.

Ông Lê Bá Thắng, một hộ dân cho biết: Hàng chục hộ dân của chúng tôi luôn đồng ý với chính sách nếu đất của quốc phòng thì trả cho quốc phòng vì đất ở đây là cho mượn tạm. 

Nhưng dải đất chúng tôi kinh doanh có chiều rộng dài 5m đến 7m, không nằm trong phương án tác chiến. Tôi còn nhớ vào năm 2016, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh quân khu 3 phát biểu với ý “ đất không dùng đến, để hoang hóa thì tạo điều kiện cho bà con làm dịch vụ, cải thiện đời sống.

Thực sự thì đơn vị bộ đội có tuyên truyền, nhắc nhở nhưng không gây sức ép, hay đòi hỏi lợi ích nào. Bây giờ hầu hết các hộ dân đều vay tiền tỷ ở ngoài để đầu tư, giờ thu hồi thì bà con sống sao?”.

Nguyện vọng hiện tại của các hộ dân thì họ chỉ kinh doanh đến hết năm 2019 để thu hồi vốn, không mở rộng quy mô, không chiếm dụng đất và xin tạo điều kiện để ký hợp đồng thuê đất từng năm  một, không gây rối hay tạo điểm nóng về đất đai.

Ngày 01/12/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 8996/UBND- QL ĐĐ1 gửi UBND huyện Cô Tô về việc xem xét giải quyết đối với các hộ dân kinh doanh tại bãi biển Hồng Vàn, xã Đồng Tiến. 

UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Cô Tô, kiểm tra giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết về UBND tỉnh trước ngày 15/12/2017.

Tại sao một nguyện vọng chính đáng, tạo điều kiện tốt cho nhân dân có thêm thu nhập, ổn định an ninh trật tự địa phương lại không được chính quyền ghi nhận.

Liệu có sức ép nào từ nhà đầu tư lớn đang tham vọng biến nơi đây thành khu nghĩ dưỡng của riêng họ?.

Đọc thêm