Quảng Trị: Dân sống chung với ô nhiễm, dự án làng nghề bỏ không

(PLO) - Mùi hôi thối nồng nặc đến khó thở, cây chết, người dân mắc bệnh về tiêu hóa đó là hiện tượng lâu nay vẫn diễn ra tại hai thôn Thượng Trạch và Linh Chiểu (xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Nguyên nhân khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng là do nước thải từ làng nghề sản xuất bún.
Các hộ dân làm bún đang cần có hệ thống xử lý nước thải

Dân làng bún sống chung với ô nhiễm

Nhiều năm qua, gần 700 hộ dân thôn Linh Chiểu, Thượng Trạch (xã Triệu Sơn, Triệu Phong, Quảng Trị) phải sống chung với ô nhiễm do nước thải từ các điểm sản xuất bún không được xử lý mà chảy thẳng ra môi trường.

Khi phóng viên đến thôn Linh Chiểu và Thượng Trạch - “thủ phủ” của làng bún gia truyền, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những mương nước đen ngòm, nổi bọt và có mùi hôi, chua rất đặc trưng của bún. Nước thải này được người dân xả thẳng ra trực tiếp ra môi trường khiến lúa chết, cây cỏ không mọc được, nhiều người dân mắc bệnh về đường tiêu hóa, bệnh mãn tính.

Bức xúc về vấn đề ô nhiễm này, ông Nguyễn Văn Minh (thôn Linh Chiểu) cho biết: “Làng tui làm bún nhiều lắm, nhưng dân tui rất bức xúc khi lâu ni vẫn cứ ngửi mùi hôi chua từ nước thải bún. Kiến nghị hoài mà có động thái chi mô, mà ô nhiễm cứ thế này thì dân chỉ còn cách chờ chết”.

Theo những người dân địa phương, các cơ sở sản xuất bún hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, ở mọi thời điểm nên lúc nào người dân cũng phải chịu đựng thứ mùi hôi kinh khủng của nước thải, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sinh hoạt. Vào những ngày nắng to kèm theo gió nam là người dân địa phương phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc.

Dẫn chúng tôi đi “thị sát” một dòng kênh đen ngòm, ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Linh Chiểu) cho biết : “Nhà tui có mấy sào lúa do bị nước thải bún gây ra nên chừ lúa kém phát triển lắm, họ làm bún có tiền nhưng dân chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi cả ngày. Người lớn chúng tôi thì còn đỡ, chứ còn trẻ con cứ như ri chắc mắc bệnh hết”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quá trình sản xuất bún từ việc vo gạo, ngâm nước, nghiền, ủ bột… đến bún thành phẩm đều phát sinh nhiều nước thải, với nguy cơ ô nhiễm rất cao, trong đó có nhiều cơ sở làm bún với số lượng lớn. Hiện toàn xã có khoảng 25 hệ thống máy chế biến bún, với công suất 6 tạ/ngày, cũng chính vì thế nước xả thải nhiều hơn.

Bà Trần Thị Kim Lan, một người dân sản xuất bún lâu đời thôn Thượng Trạch cho biết: “Nhà tui ngày làm gần 1 tấn bún, nước xả cũng nhiều lắm, cũng biết là ô nhiễm nhưng không còn cách mô cả. Nếu không làm thì mất đi làng nghề truyền thống và không có thu nhập”.

Được biết, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng này đến các cơ quan chức trách, song vấn đề ô nhiễm vẫn đang tồn tại, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật cho người dân.

Nước được xả trực tiếp ra môi trường

Khu dự án làng nghề sản xuất tập trung thì bỏ hoang

Theo thống kê của UBND xã Triệu Sơn, tại 2 làng Linh Chiểu, Thượng Trạch hiện có khoảng gần 160 hộ dân làm bún. Trong khi đó, 2 làng có khoảng gần 700 hộ dân cư đang sinh sống giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường đã khiến nhân dân bức xúc, phản ứng mạnh mẽ và còn ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới của xã.

Trước tình hình đó, địa phương đã cho triển khai Dự án khu công nghiệp làng nghề sản xuất bún Thượng Trạch nhằm ổn định việc sản xuất bún, giảm ô nhiễm môi trường, dự án đã được UBND huyện Triệu Phong phê duyệt, công bố quy hoạch vào năm 2010, với diện tích hơn 1ha. Công trình khởi công xây dựng vào năm 2014 với tổng vốn đầu tư 7,2 tỷ đồng do UBND huyện Triệu Phong làm chủ đầu tư, khi hoàn thành sẽ đưa hàng chục hộ sản xuất bún vào sản xuất tập trung.Tuy nhiên, dự án mới triển khai một số hạng mục rồi bỏ hoang hơn 2 năm nay.

Đưa phóng viên đi mục sở thị dự án, ông Trần Quốc Noãn (thôn Thượng Trạch) chia sẻ : “Nhà tui cũng làm bún, tui cũng đau đầu lắm khi nghe và thấy bà con phàn nàn về vấn đề ô nhiễm do các cơ sở làm bún gây ra. Khi thấy dự án mở ra, người làm bún cũng như người dân rất mừng vì có cơ hội hết ô nhiễm, nhưng không hiểu sao mới làm mấy bữa chừ ngưng không làm nữa”.

Quan sát tại khu quy hoạch hiện tại việc san lấp mặt bằng đã hoàn tất, xung quanh đã đổ trục đường bê tông nhưng đã ngừng thi công do không có vốn để làm tiếp.Theo quy hoạch, khi dự án hoàn thành sẽ có khoảng 24 hộ sản xuất được chuyển đến đây sản xuất tập trung. Cuối 2015, khi Chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ môi trường dừng hoạt động, tỉnh Quảng Trị cũng đã đầu tư thực hiện nhưng chưa đầy đủ để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm này. Theo quy định chung, các làng nghề phải đầu tư chương trình xử lý ô nhiễm nhưng trên thực tế, chưa làng nghề nào thực hiện được quy định này.

Trao đổi về vấn đề ô nhiễm môi trường và dự án ngưng hoạt động này, ông Phan Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhận rất nhiều phản ánh của người dân về vấn đề ô nhiễm do làng nghề sản xuất bún tạo ra và dự án ngưng thi công. Chính vì vậy, mỗi ngày vẫn có một lượng nước thải rất lớn chảy ra môi trường. Địa phương cũng đã phản ánh vấn đề này lên cấp trên nhưng chưa có vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung”.

Được biết, ngày 16/9/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Trong đó, xã Triệu Sơn nằm trong 17 xã thị trấn được đầu tư phát triển nhằm phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Trị và nếu đã nằm trong quy hoạch thì tỉnh nên có động thái mở lại dự án quy hoạch làng nghề sản xuất bún tập trung tại thôn Thượng Trạch, và hơn thế nữa giúp người dân nơi đây không còn cảnh hàng ngày phải ngửi mùi hôi thối từ làng nghề bún gây ra. 

Đọc thêm