Đảo trừng phạt 'gái không chồng mà chửa'

(PLO) - Những cô gái chưa chồng mà chửa bị xem là mang lại nỗi xấu hổ, nhục nhã cho gia đình họ, đó quan niệm tồn tại ở nhiều vùng thuộc Uganda. Vì thế, họ thường bị ép đưa tới một hòn đảo nhỏ xíu (thực ra là cồn đất) và bị bỏ mặc cho chết. May sao, một số người may mắn đã được giải cứu, và một vài trong số đó còn sống đến tận ngày nay…
 
Đây là nơi bà Mauda Kyitaragabirwe suýt bị chết đói
Đây là nơi bà Mauda Kyitaragabirwe suýt bị chết đói

Lúc lâm vào cảnh khốn khổ, bà Mauda Kyitaragabirwe - khi đó mới 12 tuổi - rùng mình nhớ lại: “Khi gia đình phát hiện ra việc con họ mang “ba lô ngược”, họ tức tốc lôi tôi ra xuồng và đẩy tôi đến đảo Akampene (đảo Trừng Phạt). Suốt 4 đêm, tôi sống cơ man nào là khổ: không thức ăn, không nước uống, đói vật vã, ruột gan cồn cào, họng khát cháy, gần như sắp chết”.

Qua ngày thứ 5, một ngư dân tình cờ đi ngang đảo, bồng tôi lên xuồng đưa về nhà ông ấy. Lúc đầu tôi ngờ ngợ, thều thào nghi hoặc: “Có thật là ông muốn cứu tôi hay lừa tôi và lại ném tôi xuống nước không?” Không chần chừ, người ngư dân thẳng thắn đáp: “Chớ lo! Chú sẽ mang cháu về nhà với bà xã chú”.

Hôm nay, ngồi với chồng ngay trên chiếc ghế tại hành lang của ngôi nhà, bà Kyitaragabirwe biết ơn nói: “Nhờ lòng tốt của ông ấy, mà giờ đây tôi mới ngồi ở đây”.

Đảo Trừng phạt

Bà Kyitaragabirwe đang sống tại làng Kashungyera, nằm cách hồ Bunyonyi nơi có đảo Trừng phạt độ 10 phút chèo xuồng. Gọi là đảo xong thực ra đó là một cồn đất với cỏ dại mọc lút đầu. Buổi đầu, bà Kyitaragabirwe không có ý gặp mặt ai, chỉ cho đến khi anh Tyson Ndamwesiga - cháu nội bà - vốn là một hướng dẫn viên du lịch, cam đoan với bà rằng khách sẽ trò chuyện bằng ngôn ngữ địa phương Rukiga thì bà mới mạnh dạn tiếp chuyện. 

Kyitaragabirwe với nụ cười hồn hậu trong miệng không còn cái răng nào, ôm lấy khuỷu tay những người khách như thể gặp lại người họ hàng lâu ngày không gặp. Thân hình mảnh khảnh, bà Kyitaragabirwe nhẹ bước lên cầu thang. Ước độ bà đang ở ngưỡng tuổi 80, xong gia đình Kyitaragabirwe tin rằng bà còn nhiều tuổi hơn.

Có 29 hòn đảo trên hồ Bunyoyi, gồm một nơi để phạt những nạn nhân bị bệnh phong hủi
Có 29 hòn đảo trên hồ Bunyoyi, gồm một nơi để phạt những nạn nhân bị bệnh phong hủi 

Cũng không thể biết đích xác tuổi thực của bà Kyitaragabirwe do lúc bà chào đời thì giấy khai sinh không phổ biến ở Uganda. Anh Tyson Ndamwesiga mào đầu: “Bà nội tôi đang sử dụng thẻ đăng ký bầu cử từ trước khi có nền độc lập của Uganda (năm 1962). Chúng tôi nghĩ rằng bà ấy khoảng 106 tuổi”. 

Trong xã hội Bakiga truyền thống, một phụ nữ chỉ có thể mang thai nếu có chồng hẳn hoi. Kết hôn với gái trinh có nghĩa cô dâu sẽ có giá, và thường là nhà trai phải chi ra nhiều tiền để mua quà cưới cho nhà gái, chủ yếu là gia súc. Nhưng gái trinh không chồng mà có chửa thì không những chuốc thêm nỗi ô nhục cho cha mẹ đẻ mà còn tước luôn nhiều của cải về cho gia đình. Để giải tỏa nỗi sỉ nhục, các gia đình có con gái chửa hoang sẽ đẩy nạn nhân lên đảo Trừng Phạt và để mặc họ chết đói ở đó.

Do làng Kashungyera nằm ở nơi xa xôi, cách trở nên tập tục trừng phạt tàn khốc này vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp sự xuất hiện của các nhà truyền giáo và các nhà thực dân đã đến Uganda vào thế kỷ 19 và cố gắng hủy bỏ hủ tục. Phần lớn các nạn nhân – thường là trẻ gái – lại không hề biết bơi, vì thế một khi nạn nhân bị đày lên đảo Trừng Phạt thì chỉ có 2 lựa chọn duy nhất: nhảy xuống hồ và chìm; hai là chờ chết do đói và lạnh. Khi được hỏi rằng có sợ không, Kyitaragabirwe nghiêng đầu, cau mày và đáp:

“Tôi cũng là một nạn nhân khi mới có 12 tuổi. Nếu quý vị bị đưa đi khỏi nhà, buộc đặt chân lên hòn đảo không có ai sống nằm ngay giữa hồ nước, liệu quý vị sợ hay bình thản?” Tại một nơi khác của Uganada như quận Rukungiri, những cô gái chửa hoang cũng sẽ bị xô xuống một vách đá tại thác nước Kissizi. Truyền thuyết kể rằng chỉ đến khi một trong những người anh trai của nạn nhân chết chung với nạn nhân thì các gia đình mới dẹp luôn ý định đẩy con gái họ chết.  

Bà Kyitaragabirwe nói: “Nếu chẳng may 3 đứa con gái tôi chửa hoang, tôi sẽ không trách lỗi hay phạt chúng”.
Bà Kyitaragabirwe nói: “Nếu chẳng may 3 đứa con gái tôi chửa hoang, tôi sẽ không trách lỗi hay phạt chúng”.

Nỗi lòng những người vợ không… của hồi môn

Chưa từng có ai sống sót khi rơi xuống thác Kisiizi, nhưng lại có vài cô gái đã sống sót khi bị đày lên đảo Trừng Phạt, nhờ những thanh niên trẻ chấp nhận lấy nạn nhân về làm vợ, đồng nghĩa với chú rể cũng không tốn khoản của hồi môn. Sau khi ông xã mang về nhà ở làng Kashungyera, bà Kyitaragabirwe lại trở thành đề tài của sự tò mò và chuyện phiếm.

Suốt nhiều thập niên, bà Kyitaragabirwe là một “tâm điểm du lịch”: Ngôi nhà của bà là nơi dừng chân thường xuyên của du khách trên đường tìm hiểu lịch sử của vùng đất này. Trong lúc du khách trò chuyện, bà Kyitaragabirwe thi thoảng thường ngưng lời, nhìn chăm chăm vào 2 tay mình. Khi được ướm hỏi vì sao Kyitaragabirwe lại mất con mắt, bà lảng tránh, giơ tay chạm vào hốc mắt. 

Nhưng chủ đề ít được những phụ nữ như Kyitaragabirwe bày tỏ là số phận đứa con mà bà chửa hoang. Nhấc đầu khỏi ghế, tay vuốt mặt, bà Kyitaragabirwe giãi bày: “Lúc mang thai, tôi còn nhỏ quá. Tôi chưa có con. Nếu mà có ý định sinh con thì khó lắm, họ sẽ dùng vũ lực với tôi”.

Dù bà Kyitaragabirwe lảng tránh câu chuyện của mình, nhưng chúng tôi hiểu rằng bà bị đánh đập và bị sẩy thai. Trừng phạt các bà mẹ vị thành niên mà theo tiếng bản địa là Okuhena, vốn là một tập tục cổ xưa trên hòn đảo Akampene. Bà Kyitaragabirwe đã biết hậu quả của việc mang bầu. Bà cười: “Tôi từng nghe có những bà mẹ trẻ bị bắt đem tới đảo Trừng Phạt, mặc dù chẳng ai gần tôi. Xem như chân tôi cũng một lần từng lọt vào ổ quỷ”.

Bà Kyitaragabirwe chưa từng thấy hay nghe về cái gã đốn mạt đã dẫn cuộc đời mình vào “đường đi của Sa-tăng”. Tuy nhiên, bà đã nghe rằng rất nhiều năm trước, hắn ta đã chết. Ông chồng đầu của bà Kyitaragabirwe tên là James Kigandeire đã qua đời vào năm 2001, bà nhớ lại: “Ồ, ổng thương tôi nhiều lắm! Ổng cũng chăm sóc tôi tận tình. Ổng nói: Anh đón em từ hoang dã, và anh không có ý định làm em tổn thương. Chúng tôi có 6 mặt con, tôi sống với chồng và các con cho tới ngày ổng qua đời”. 

Sau hàng thập kỷ sống trong đau khổ, cuối cùng bà Kyitaragabirwe cũng hòa giải vết thương với gia đình ruột thịt của mình. Nở nụ cười mãn nguyện, bà lão trăm tuổi nói: “Sau khi theo đạo Công giáo, tôi liền tha thứ cho tội lỗi mà cha mẹ đã gây ra cho tôi, tha thứ luôn việc ông anh tôi đã cột tôi xuống xuồng chở lên đảo Trừng Phạt. Tôi muốn về thăm lại mái nhà xưa, nếu tôi còn gặp ai ở đó nữa, tôi sẽ chào họ”. 

Người cháu trai của bà Kyitaragabirwe, anh Tyson, làm hướng dẫn viên du lịch
Người cháu trai của bà Kyitaragabirwe, anh Tyson, làm hướng dẫn viên du lịch

Bà Kyitaragabirwe tin rằng bà là người phụ nữ cuối cùng bị bỏ rơi trên đảo, hủ tục đã bị xóa sổ khi đạo Ki Tô và chính quyền ngày càng mạnh hơn trong vùng; tuy nhiên, gái chưa chồng mà chửa hoang vẫn bị dè bỉu suốt nhiều năm.

Về việc này, bà Kyitaragabirwe nói: “Tôi có 3 đứa con gái. Nếu tụi nó lỡ “dính bầu” trước khi có chồng, tôi sẽ không đổ lỗi hay trừng phạt các con. Tôi biết việc mang thai ngoài ý muốn thì có thể xảy ra với bất kỳ người phụ nữ nào. Ngày nay, nếu các cô gái trẻ mang thai, cô ấy sẽ ở ngay trong nhà cha đẻ và được chăm sóc cẩn thận. Chỉ có kẻ mù quáng mới làm theo những hủ tục cũ”…/.