Lãnh đạo Mỹ - Cuba tiến hạm cuộc hội đàm lịch sử

(PLO) - Ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã tổ chức cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai nước kể từ năm 1956 cho đến nay. Cả hai đã nhất trí thúc đẩy các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ, chấm dứt sự thù hằn từ thời Chiến tranh Lạnh.
Ông Castro (trái) và ông Obama đã có cuộc hội đàm lịch sử tại Panama.
Ông Castro (trái) và ông Obama đã có cuộc hội đàm lịch sử tại Panama.
Theo AFP, cuộc gặp của ông Obama và ông Castro diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ diễn ra tại Panama mà ông Castro là nhà lãnh đạo đầu tiên của Cuba dự Hội nghị trong suốt lịch sử 21 năm của sự kiện này.
Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ và là cao trào của tuyên bố tìm cách bình thường hóa quan hệ đã được hai nhà lãnh đạo đưa ra hôm 17/12/2014. Hai nhà lãnh đạo đã bắt tay nhau hai lần trong cuộc gặp với các phóng viên trước bước vào cuộc thảo luận kín.
Phát biểu trước khi bắt đầu thảo luận, ông Obama tuyên bố: “Đây rõ ràng là một cuộc gặp lịch sử. Chúng ta hiện đang đi theo con đường hướng tới tương lai” và nói thêm rằng “hai nước cần phải thiết lập một nhóm làm việc để mở lại các đại sứ quán ở nước đối tác. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận hai bên vẫn còn những khác biệt về vấn đề nhân quyền và một số vấn đề khác. 
Nhất trí với những phát biểu của ông Obama, Chủ tịch Cuba Castro thừa nhận hai chính phủ vẫn còn tồn tại một số khác biệt nhưng hai bên “tôn trọng quan điểm của nhau”, đồng thời nhấn mạnh sự kiên nhẫn trong quá trình đàm phán. “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận tất cả mọi vấn đề nhưng chúng ta cần phải kiên nhẫn, rất kiên nhẫn” – ông Castro tuyên bố.
Nhà lãnh đạo Cuba cho biết thêm, phía Cuba trong những dịp khác cũng đã bày tỏ với những người bạn Mỹ rằng Cuba sẵn sàng thảo luận về tất cả mọi vấn đề. Ngoài ra, Chủ tịch Cuba nói rằng ông hy vọng các phái đoàn người Mỹ và Cuba sẽ lắng nghe chỉ đạo từ lãnh đạo của họ. 
Tại cuộc họp báo diễn ra sau đó, ông Obama cho biết cuộc hội đàm giữa ông và Chủ tịch Cuba đã diễn ra thẳng thắn và hiệu quả. Trước đó, cả hai ông trong quá trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tại Panama đều có những phát biểu mang tính hòa giải. Trong khi ông 
Castro tuyên bố “ông Obama là một người đàn ông chân thành” thì ông Obama đã cảm ơn ông Castro về tinh thần cởi mở và nhã nhặn của ông trong suốt quá trình thương thảo giữa hai bên.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, trong suốt cuộc thảo luận, ông Obama và ông Castro đã bàn thảo về các cuộc đàm phán nhằm mở lại các đại sứ quán cũng như các ý kiến chỉ đạo đối với các nhóm đàm phán của mỗi bên nhằm sớm giải quyết các vấn đề còn sót lại.
Cũng trong cuộc hội đàm, ông Castro đã đề nghị Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ đối với nước này. Theo vị quan chức Mỹ, ông Obama đã thông báo với ông Castro rằng ông sẽ quyết định về việc có khuyến nghị đưa Cuba khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố hay không trong vài ngày tới. Tuy nhiên, trước đó, ông Obama đã lên tiếng thúc giục Quốc hội Mỹ chấm dứt các lệnh cấm vận này.
Ông Geoff Thale - một chuyên gia về Cuba tại Văn phòng Washington Office thuộc Diễn đàn chính sách Mỹ Latinh - cho rằng, cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba là những chỉ dấu báo hiệu sự kết thúc của cuộc Chiến tranh Lạnh cuối cùng ở Mỹ Latinh. “Nhưng tôi không nghĩ rằng hai bên sẽ trở thành những người bạn thân chỉ sau một đêm”- ông Thale nhận định thêm.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 11/4, ông Obama đã lần đầu tiên có cuộc gặp với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Trong cuộc gặp, ông Maduro đã bày tỏ sự bất bình đối với các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên các quan chức Venezuela. Còn ông Obama trấn an rằng, Washington không tìm cách đe dọa Caracas. Hãng tin Sputnik của Nga đưa tin, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ 
Latinh Telesur sau cuộc gặp, Tổng thống Venezuela nói rằng cuộc gặp chỉ kéo dài trong khoảng 10 phút nhưng diễn ra nghiêm túc, chân thành và thân ái và hai nhà lãnh đạo đã “nói cho nhau nghe sự thật”. Ông Maduro cũng bày tỏ hy vọng rằng kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh sẽ mở cánh cửa cho cuộc đối thoại chính đáng với Mỹ./.