Thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ- Sự thật dần hé lộ

(PLO) -Dưới chế độ lập dị của Pol Pot, nhiều người dân Campuchia buộc phải chọn con đường rời bỏ đất nước nếu không muốn bị giết. Một số sĩ quan cao cấp trong quân đội Khmer Đỏ cũng rời bỏ hàng ngũ, sang Việt Nam và thành lập “Mặt trận dân tộc giải phóng Campuchia”. 
Ông Hun Sen thời trẻ.
Ông Hun Sen thời trẻ.

Thế mà, dưới sự tuyên truyền có chủ đích, đến nay, nhiều nước trên thế giới vẫn cứ tin Việt Nam đứng ra xây dựng tổ chức này và lợi dụng nó để xâm lược Campuchia. Vậy đâu là sự thật?

Đối trọng

Để đánh bại chính phủ phản động như Khmer Đỏ, phải có một tổ chức với đường lối đúng đắn, đủ khả năng làm đối trọng. Tuy nhiên, thời điểm đó, Pol Pốt đã mở nhiều đợt thanh trừng những thành phần chống đối, kể cả trong quân đội rất tàn bạo.  

Nhiều đơn vị quân đội Pol Pot bị xáo trộn, mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt, tinh thần binh lính hoang mang, sa sút, nhiều người đào ngũ hoặc trốn vào rừng tìm đến các căn cứ của lực lượng cách mạng Campuchia.

Nhằm ly gián lực lượng chống đối, không cho họ liên kết với nhau, bè lũ Pol Pot dùng chính sách xáo trộn dân vùng này sang vùng khác, dồn dân vào sâu trong nội địa; mặt khác, sử dụng các thủ đoạn lừa bịp mị dân như tuyên bố chấm dứt việc phân loại xã viên, hoan nghênh những ai từ nước ngoài trở về...

Trong khi các lực lượng trong nước nổi dậy chống chế độ Pol Pot - Iêng Xari, một bộ phận khác gồm lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia đã nhanh chóng chuyển sang vùng biên giới Tây Nam Việt Nam để tránh khỏi tổn thất do các cuộc đàn áp.

Tài liệu lịch sử của Quân khu 7 viết, ban đầu, hơn 10 vạn người Campuchia, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên lần lượt trốn sang Việt Nam, ta thuyết phục một số trở về nhưng khi họ vừa qua khỏi biên giới liền bị quân Pon Pol giết hết.

Trước tình hình đó, Quân khu 7 chuyển bộ phận còn lại vào sâu trong nội địa; lựa chọn trong số họ những người có trình độ để bồi dưỡng, huấn luyện trở thành cốt cán cho cách mạng Campuchia.

Đối với lực lượng nổi dậy còn trụ lại ở trong nước, Quân khu 7 cử lực lượng tìm cách móc nối, giúp đỡ họ và từng bước phối hợp đấu tranh chống Pol Pot.

Ngày 7/9/1977, Tư lệnh Quân khu 7 ra Quyết định số 113/QĐ-77, thành lập khung tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ Campuchia, lấy phiên hiệu là Đoàn 977. Đoàn 977 đã tuyển chọn, huấn luyện lực lượng bạn từng bước tổ chức thành các khung trung đội, đại đội. 

Những nhà lãnh đạo của Campuchia sau giải phóng: Chea Sim, Heng Samrin, Hun Sen (Ảnh chụp năm 1980).
Những nhà lãnh đạo của Campuchia sau giải phóng: Chea Sim, Heng Samrin, Hun Sen (Ảnh chụp năm 1980).

Ngày 12/5/1978, tại Đoàn 977, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mang tên “Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia” được thành lập gồm 125 cán bộ, chiến sĩ, do Hun-Sen làm Chỉ huy trưởng. Đây là đơn vị tiền thân đầu tiên của Quân đội cách mạng Campuchia, đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng cách mạng Campuchia.

Tiếp đó, nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam, ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, dựa trên sự tình nguyện của những người có lương tri ở Campuchia và sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Việt Nam.

Sáng ngày 2/12/1978, 3 tiểu đoàn binh lính Campuchia thuộc Lữ đoàn 778 xếp hàng làm lễ thành lập Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia với 14 ủy viên và Heng Samrin được cử làm Chủ tịch Mặt trận, kiêm Tư lệnh Lữ đoàn 778.

Năm 2013, nhân kỷ niệm 35 ngày thành lập Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia (02/12/1978-02/12/2013), trong bài diễn văn, ông Heng Samrin - Chủ tịch Quốc hội Campuchia hiện nay - đã nêu rõ:

“Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia ra đời vào ngày 2/12/1878, với tuyên bố 11 điểm đã kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết đứng lên để đập tan chế độ tàn bạo; đồng thời kêu gọi chính phủ và nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế ủng hộ, giúp đỡ sự nghiệp đấu tranh sinh tồn của nhân dân Campuchia."

Trả lời báo chí, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã kể lại thời kỳ ông làm Tham mưu trưởng Quân đoàn 3: Tháng 10/1978, trong khi ông Hunsen được Tỉnh ủy Tây Ninh đón tiếp thì ông Heng Samrin cũng được các trinh sát Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 trực tiếp vào lãnh thổ Campuchia giải cứu.

Thủ tướng Hun-Sen đã nhớ lại thời điểm này: “Chúng tôi suy nghĩ cả đêm liệu chúng tôi nên làm gì trước khi bỏ trốn sang Việt Nam. Vào lúc 2 giờ sáng (ngày 20/6/ 1977), chúng tôi đã quyết định vượt biên giới sang Việt Nam.Chúng tôi đã không có các kế hoạch hành động như vậy”.

Sự thật

Những sự việc nêu ở trên đều xuất phát từ một sự thật trong đường lối đối nội và đối ngoại của chính quyền Khmer Đỏ được sự ủng hộ của thế lực phía sau. Hậu quả nhân dân Campuchia phải gánh chịu, nhưng Việt Nam cũng là nước bị thiệt hại rất lớn, bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao.

Trong cuốn sách “Tam giác Trung Quốc - Việt Nam – Campuchia”, tác giả U.Bớc-sét đã kể lại ngắn gọn việc Việt Nam tích cực đàm phán với Pol Pot giải quyết vấn đề biên giới, nhưng không thành công: “Lời của ông Phạm Văn Ba, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Campuchia.

“Trong quãng thời gian năm 1975 – 1977, Pol Pot thường cho “những sự cố” trên biên giới là “những sai sót đáng tiếc” do “có địch trà trộn trong hàng ngũ chúng tôi” hoặc do lính của hắn ta dốt nát trong những vấn đề như địa hình học hoặc kỹ năng xem bản đồ”.  

Cũng trong cuốn sách này, tác giả U.Bớc-sét đã bàn chi tiết về Bản tuyên bố ngày 31/12/1977, do Quốc trưởng Khiêu Xamphon công bố trên đài phát thanh Phnom Penh: Đây là lần đầu tiên Khmer Đỏ “đưa ra công khai” vấn đề liên quan đến tình hình chiến sự dọc biên giới Campuchia – Nam Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo Campuchia sau giải phóng năm 1980.
Các nhà lãnh đạo Campuchia sau giải phóng năm 1980.

Ông U.Bớc-sét viết: “Bản thân bản tuyên bố này là một lời đả kích hiểm độc nhất chống lại đất nước, Đảng và dân tộc Việt Nam. Nó hô hào nhân dân Campuchia “quét sạch kẻ thù bành trướng và thôn tính lãnh thổ” và tuyên bố sẽ giáng cho họ “những thất bại nhục nhã”.

Người Việt Nam được gọi bằng những từ có nghĩa xấu: “Duôn” và “Anamít”. Để cổ vũ cho cái nhuệ khí của đám thanh niên đại diện cho một bộ phận ngày càng tăng trong các lực lượng vũ trang Khmer Đỏ - đặc biệt là lực lượng xung kích – người ta đã đưa ra bản tổng kết dưới đây về tỉ lệ thương vong trong các cuộc xung đột biên giới”. 

Tiếp đó, U.Bớc-sét lại viết: “Bản tuyên bố này hẳn là bắn một mũi tên nhắm hai mục tiêu. Một mặt, nó thông báo với thế giới bên ngoài về “những cuộc tấn công xâm lược ăn cướp bất ngờ trên quy mô lớn” của Việt Nam, và mặt khác, ở điểm 9 đã được sửa đổi một cách đặc biệt, chứng huênh hoang khoe với dân chúng rằng Khmer Đỏ đã “bảo vệ Tổ quốc một cách trọn vẹn” và đang tiếp tục “tấn công tiêu diệt” quân xâm lược…

Sau khi bộ đội Việt Nam rút hết khỏi lãnh thổ Campuchia, Pol Pot vớ ngay lấy cơ hội này và tuyên bố đã giành được “thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử Khmer”, rằng chỉ với độ 100 quân Khmer Đỏ hy sinh, hơn 29.000 quân Việt Nam đã bị tiêu diệt”.

U.Bớc-sét đã ghi lại các sự kiện không thể bác bỏ: Tháng 5/1978, Hà Nội đề nghị LHQ chỉ định một phái đoàn làm trung gian giải quyết các vấn đề biên giới và các vấn đề lớn khác giữa Việt Nam và Campuchia.

Đề nghị này bị Trung Quốc cản phá. U.Bớc-sét đã đưa ra nhận định đắt giá, lột trần tất cả sự thật về cuộc chiến Việt Nam giúp Campuchia chống lại Khmer Đỏ.

Ông viết: Tại một cuộc họp tháng 2/1979 của Ủy ban phối hợp các nước không liên kết ở Maputô (Môdămbích) và tại Hội nghị cấp cao các nước không liên kết ở La Habana tháng 9/1979, Nam Tư luôn đi đầu trong việc ngoan cố bảo vệ chế độ Pon Pot.

Về sau, Nam Tư đã tiếp tục làm như vậy tại LHQ. Chỉ có thể lý giải việc làm này của nước phương Tây duy nhất có được “thông tin tốt nhất” về Campuchia bằng mối quan hệ thân thiết của Nam Tư với Mỹ, cũng như mối tình hữu nghị mới được xây đắp giữa họ với Trung Quốc.

Chính tại hội nghị Bengrát này, đoàn đại biểu của Pol Pot đã đề nghị khai trừ Việt Nam khỏi Phong trào không liên kết, nhưng không được một phiếu ủng hộ nào, bất chấp những hoạt động hành lang rất tích cực của các nhà ngoại giao và các nhà báo Trung Quốc...”/.