Quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

(PLVN) - Dù Luật Việc làm đã quy định rõ về điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến bạn đọc thắc mắc về vấn đề này như: Đóng BHTN được gần 1 năm thì có được hưởng BHTN không? Tham gia khóa học nghề theo quy định có làm ảnh hưởng đến số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, người lao động nộp hồ sơ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm để được xem xét, giải quyết hưởng BHTN theo quy định
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, người lao động nộp hồ sơ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm để được xem xét, giải quyết hưởng BHTN theo quy định

Đóng BHTN gần 1 năm thì có được hưởng không?

Bạn đọc Nguyễn Văn Trưởng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hỏi: “Tôi đóng BHXH, BHTN gần một năm, nay công ty hết việc nên tôi phải nghỉ việc. Vậy trong trường hợp này, tôi có được nhận BHTN không”?

Về trường hợp này, BHXH Việt Nam – cho biết: Theo quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm số 38/2013/QH13 về đối tượng bắt buộc tham gia BHTN thì: “1. Người lao động (NLĐ) phải tham gia BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV) như sau: a) HĐLĐ hoặc HĐLV không xác định thời hạn; b) HĐLĐ hoặc HĐLV xác định thời hạn; c) HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp NLĐ giao kết và đang thực hiện nhiều HĐLĐ quy định tại khoản này thì NLĐ và người sử dụng lao động của HĐLĐ giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHTN”.

Tại Điều 49 về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: “NLĐ quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV, trừ các trường hợp sau đây:

a) NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này”.

Đối chiếu quy định nêu trên, bạn tham gia đóng BHXH, BHTN chưa đủ 12 tháng nên không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Tham gia khóa học nghề ảnh hưởng đến số tiền hưởng BHTN?

Bạn đọc Dương Hoài An (Bình Dương) hỏi: “Khi đến làm thủ tục hưởng BHTN, tôi được Trung tâm Giới thiệu việc làm giới thiệu Khoá học nghề miễn phí 3 tháng dành cho người thất nghiệp. Tôi muốn hỏi, nếu tôi tham gia khóa học nghề này thì tôi có được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp không? Cho tôi xem văn bản hướng dẫn về việc này”?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời: Tại Điều 42, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 quy định Các chế độ BHTN: 1. Trợ cấp thất nghiệp; 2. Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; 3. Hỗ trợ Học nghề; 4. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, Điều 56, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 quy định về thời gian, mức hỗ trợ học nghề, theo đó, thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng.

Về mức hỗ trợ học nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Điều 3 Quyết định 77/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ tham gia BHTN tối đa 1 triệu đồng/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế. Trường hợp NLĐ tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

Đối với NLĐ tham gia BHTN tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định tại khoản 1 điều này thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do NLĐ tự chi trả.

Vì vậy, việc bạn tham gia khóa học nghề theo quy định không ảnh hưởng đến số tiền BHTN bạn được lĩnh.

Nộp hồ sơ hưởng BHTN ở đâu?

Bạn đọc Nguyễn Hoàng Nam hỏi: “Tôi là người có hộ khẩu ở huyện Chí Linh nhưng làm việc ở huyện Kim Thành, Hải Dương. Vậy muốn làm thủ tục hưởng BHTN thì nộp hồ sơ ở đâu”?

Về nơi nộp hồ sơ hưởng BHTN, BHXH Việt Nam cho biết: Điều 17, Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN về nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định: “Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp”.

Do đó, bạn có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi bạn muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Đọc thêm