Quy hoạch và liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương

(PLO) - Đại học Quốc gia TPHCM vừa phối hợp với Chương trình Định cư Con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat) và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo “Quy hoạch và liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. 
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng: Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển đô thị như: cung cấp nhà ở, dịch vụ đô thị cơ bản, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, suy  thoái  môi trường, mất đất nông nghiệp..

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có quá trình đô thị hóa nhanh chóng, do đó, việc quy hoạch và liên kết vùng hiệu quả đảm bảo sự phân bổ không gian tối ưu cho các hoạt động kinh tế - xã hội trong vùng. Liên kết vùng sẽ giúp giảm áp lực về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị và năng lực cạnh tranh của toàn vùng.

Tại hội thảo, Bà Madhu Raghunath, đại diện Ngân hàng Thế giới, cho rằng chìa khóa của sự phát triển là quy hoạch đô thị và liên kết vùng. Công tác này đảm bảo sử dụng các nguồn lực của vùng một cách hiệu quả. Nhà nước  cần có cơ chế để thu hút tất cả các nguồn lực tham gia vào quá trình quy hoạch và liên kết vùng để thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Lê Vĩnh Tân, cho biết: vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao đóng góp khoảng 60% ngân sách quốc gia, đi đầu cả nước trong phát triển sản xuất và dịch vụ tiên tiến với hạt nhân là TPHCM. 

Khu vực này có vai trò là cầu nối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, mở rộng giao thương và hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, tốc độ phát triển ở khu vực này thời gian qua chưa xứng với tiềm năng của vùng. Việc đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương sẽ tạo thêm động mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

Còn GS.TS  Kim Do Nyun, Cố vấn cao cấp Tổng thống Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển vùng đô thị Seoul, ông cho rằng quá trình phát triển đô thị không chỉ có gia tăng về kinh tế và dân số mà còn có vấn đề môi trường, xử lý rác thải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu phát triển  các đô thi hiện nay là ứng phó với biến đổi khí hậu một hiệu quả, phát triển gắn với bảo vệ môi trường. Khi chuyển đổi kinh tế, phải chú trọng phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ sáng tạo. Trong quá trình phát triển, vùng đô thị Seoul đã thành công trong việc thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các chương trình phát triển.

Nhiều đại biểu đã đề xuất, để liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi quy hoạch phải có sự đồng bộ giữa từng địa phương với quy hoạch chung của vùng. Nhà nước cần kiểm soát sự phát triển và liên kết không gian toàn vùng. Chiến lược phát triển vùng đòi hỏi quá trình thực hiện dài hạn nhưng cần huy động đầu tư ngắn hạn…

Đọc thêm