Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công (NCC) chưa được hưởng chính sách. Các trường hợp tồn đọng trên chủ yếu do không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định) và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên)…
Khó khăn lớn nhất trong việc xác nhận NCC hiện nay là đối tượng lập hồ sơ kê khai là NCC nhưng không có giấy tờ, căn cứ chứng minh, đặc biệt là hồ sơ liệt sĩ, thương binh, người bị địch bắt tù, đày. Vì vậy, Bộ LĐTB&XH xác định công tác giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần ưu tiên tập trung thực hiện với quan điểm khẩn trương nhất.
Trong năm 2017, theo Bộ trưởng Dung, Bộ sẽ cố gắng căn bản giải quyết hơn 5.900 hồ sơ đã kê khai đề nghị công nhận là liệt sỹ, thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh. “Còn các đối tượng khác thì có thể tổng kết năm 2017 xong, rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện giải quyết” – ông Dung nói và khẳng định quyết tâm làm nhanh nhất nhưng đảm bảo chính xác, không để những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.
Ngoài ra, ông Dung cũng cho biết hiện còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sỹ; trong thời gian tới, Bộ sẽ đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy tập hài cốt liệt sỹ. Ông cũng đề xuất lập ngân hàng gen để lưu trữ lại các mẫu sinh phẩm của các liệt sỹ đã được lấy để gia đình có thể chủ động đối chiếu nhằm đẩy nhanh việc xác định danh tính liệt sỹ chưa rõ danh tính.