Lấn chiếm đất của người khác bị xử lý như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Anh Hoàng Anh (quận Nam Từ Liêm - Hà Nội): Hàng xóm ngang nhiên xây nhà lấn sang phần diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà tôi. Tôi đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Vậy hành vi của hàng xóm này có bị xử phạt không?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật gia Chu Văn Quân - Hội Luật gia Việt Nam: Trước tiên, cần làm rõ định nghĩa về hành vi “lấn chiếm đất”. Cụ thể, pháp luật nước ta quy định về khái niệm “Lấn chiếm đất” gồm 2 hành vi là lấn đất và chiếm đất.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai” thì “lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép”.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định, chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;

b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;

c) Sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);

d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, hành vi lấn chiếm đất của người khác được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và được xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật hiện hành. Tùy theo từng loại đất, diện tích đất bị lấn chiếm và hành vi vi phạm thì người có hành vi lấn chiếm đất sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP. Trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện bởi tổ chức thì sẽ có mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân nhưng không được quá 1 tỷ đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm phải chấp hành các hình thức xử phạt bổ sung (nếu có) theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP.

Ngoài hình thức xử phạt vi phạm hành chính thì người, tổ chức thực hiện việc lấn chiếm đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” với khung hình phạt lên đến 7 năm tù và số tiền có thể phải nộp phạt cao nhất là 500 triệu đồng.

Như vậy, tùy theo hành vi vi phạm, loại đất và diện tích đất bị lấn chiếm thì hàng xóm của anh Hoàng Anh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đọc thêm