Với mong muốn “không để ai bị bỏ lại phía sau”, giúp người nghèo, người khó khăn về nhà ở sớm an cư, lạc nghiệp, đầu năm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã phát động triển khai Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 hay còn gọi là “Chương trình 1838”.
Trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm bợ, nhà ở dột nát, gồm xây mới 9.200 nhà và sửa chữa 6.100 nhà. Đây là một thách thức rất lớn và một nhiệm vụ rất nặng nề đặt ra đối với tỉnh.
Trước ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình vận động, Bộ Công An là một trong những đơn vị đã tiên phong đồng hành, ủng hộ tỉnh thực hiện chương trình từ những ngày đầu tiên triển khai.
|
Những căn nhà được hỗ trợ xây dựng tại huyện Con Cuông được khánh thành bàn giao đưa vào sử dụng ổn định. |
“Đây là món quà rất lớn đối với tỉnh và đặc biệt ý nghĩa đối với người nghèo. Chúng tôi đã lấy đó làm niềm tin, lấy đó làm động lực để nỗ lực phấn đấu thực hiện cho được quyết tâm chính trị; lấy đó để làm “nền” “làm cơ sở” để thuyết phục, vận động các đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh đồng hành, ủng hộ cho chương trình”, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh chia sẻ tại buổi bàn giao những ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng đầu tiên tại huyện Con Cuông.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương biên giới đã vận động hỗ trợ được hơn 10 tỷ đồng để làm nền móng; cùng với nhân dân đã tình nguyện đóng góp hàng chục ngàn ngày công để thi công xây dựng nhà. Tất cả tạo nên “Ngày hội toàn quân, toàn dân xây dựng nhà cho người nghèo” ở khu vực miền núi biên giới.
Được biết, Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An sẽ triển khai hỗ trợ cho 6 huyện biên giới của tỉnh Nghệ An xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương.
Nghệ An đã thành lập Ban Chỉ đạo do bí thư cấp ủy làm trưởng ban từ cấp tỉnh đến xóm bản. Theo đó, đến nay ngoài Ban Chỉ đạo tỉnh đã có 21 ban chỉ đạo cấp huyện, 460 ban chỉ đạo cấp xã, 3.796 tổ công tác xóm, khối, bản được thành lập, ngoài ra còn tổ giúp việc… với hơn 34.800 thành viên tham gia.
|
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang và Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý bàn giao nhà, thăm hỏi hộ nghèo xã Châu Khê, huyện Con Cuông được nhận nhà. |
Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được kịp thời ban hành bài bản, chi tiết, cụ thể từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản, đảm bảo đồng bộ, thống nhất; phần mềm cập nhật dữ liệu về nhu cầu nhà ở khoa học, hiện đại, tiện ích được theo dõi, cập nhật hàng ngày, hàng giờ.
Được biết, toàn tỉnh Nghệ An có 14.914 hộ có nhu cầu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở giai đoạn 2023 – 2025. Trong đó, 3.955 hộ đề nghị xây dựng nhà lắp ghép; 6.907 hộ đề nghị hỗ trợ xây dựng mới (tự xây) và 4.052 hộ đề nghị sửa chữa.
Toàn tỉnh có 148 tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ Chương trình với tổng số nhà đăng ký hỗ trợ là 12.196 căn, tương ứng 618,449 tỷ đồng, trong đó, đăng ký thực hiện trong năm 2023 là 6.709 căn (gồm cấp tỉnh 5.404 căn và cấp huyện 1.305 căn). Đến nay, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực để ủng hộ triển khai thực hiện Chương trình bằng nhiều hình thức với tổng số tiền quy đổi trên 476 tỷ đồng (chưa tính từ nguồn hỗ trợ từ 2 chương trình mục tiêu Quốc gia)…
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh và cả nước cùng hướng đến đến hết năm 2025 Nghệ An sẽ cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm bợ, nhà ở dột nát.
Để những ngày Tết đến xuân về cận kề, để những ngày đông giá rét người dân nghèo tại các huyện miền núi phía Tây Nghệ An sẽ được an cư trong những ngôi nhà kiên cố, vững chãi, vui đón mừng Xuân, yên tâm lạc nghiệp.