“Ra trận” giữa thời bình

(PLVN) - Tiếng súng dù đã ngưng nhưng những người lính Cụ Hồ vẫn tiếp tục hành quân để cứu hộ, cứu nạn trên mặt trận thiên tai khó lường. “Ra trận” giữa thời bình, những người lính giữ vững tinh thần dũng cảm, dám xả thân, luôn xác định “phía trước là nhân dân”, sẵn sàng hi sinh vì đồng bào, đồng đội.
Lực lượng cứu hộ hành quân lên thủy điện Rào Trăng 3.
Lực lượng cứu hộ hành quân lên thủy điện Rào Trăng 3.

Nặng lòng vì dân

Trung tá Phan Thắng (Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế) sinh năm 1976, quê ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế nhưng được sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Ông xuất thân từ Quân chủng Hải quân (hoạt động ở huyện đảo Trường Sa 3 năm), sau đó chuyển về quân khu 4. Trước khi vào Thừa Thiên - Huế công tác, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 335 thuộc Sư đoàn 324.

Vào năm 2000, chàng trai trẻ Phan Thắng cùng nhiều lính Hải quân đã oằn mình thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão lũ. Đến nay ông vẫn đau đáu xót thương khi kể lại trận lũ quét ở xã Cam Thịnh Đông, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. 

“Đợt lũ quét đó xảy ra rất nhanh, mạnh, thậm chí xe thiết giáp chạy giữa đường còn bị lật. Anh em chúng tôi dầm mình trong mưa lũ, bằng mọi giá phải đưa dân ra khỏi hiểm nguy. Trong cuộc chiến đó, nghẹn lòng nhất là việc một đồng chí quê Thanh Hóa đã phải hi sinh. Từ đó, tôi đau đáu trong lòng…”. Trung tá Phan Thắng xúc động khi kể lại mất mát này.

Nhiều lần chứng kiến cảnh người dân chới với, bất lực nhìn nước lũ cuốn trôi hết tài sản, ông rất xót xa. Dù ở bất cứ vị trí công tác nào, Trung tá Thắng vẫn luôn đau đáu chuyện phòng, chống thiên tai để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. 

Ở cương vị Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, Trung tá Phan Thắng cùng tập thể Đảng ủy Quân sự tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các phương án, lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện tham gia phòng chống bão, lũ mọi lúc, mọi nơi, mọi không gian, thời gian, xác định đây là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, với mệnh lệnh “Phía trước là Nhân dân”. Kể cả phải hy sinh cũng quyết tâm bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân.

“Cuộc chiến” chưa dừng

Sau vụ sạt lở ở công trình thủy điện Rào Trăng 3 khiến 17 công nhân mất tích; 21 đồng đội, đồng chí của Trung tá Phan Thắng gấp rút thực hiện cuộc hành quân cứu nạn, tìm kiếm. Núi lở khiến 13 đồng đội, đồng chí của anh ngã xuống trong cuộc hành quân bi hùng. Trung tá Phan Thắng cùng các lực lượng đã bất chấp gian nan để tìm kiếm, đưa 13 liệt sỹ trở về nhà. Nhưng vẫn còn đó những công nhân đang mất tích.Vì thế, các anh lại tiếp tục lên đường hành quân, toàn lực vì nhân dân.

Có thể khẳng định đây là một nhiệm vụ nguy hiểm, nếu không có sự tính toán hợp lý thì không những công tác tìm kiếm sẽ không đạt được kết quả mà cũng sẽ xảy ra những tình huống ngoài ý muốn đối với các lực lượng tham gia tìm kiếm.

Người trực tiếp chỉ huy trong cuộc chiến tìm nạn nhân mất tích là Trung tá Phan Thắng. Tại hiện trường, tiếng mưa rừng xen lẫn tiếng động cơ, máy móc di chuyển những khối đất đá, những tảng đá lớn, tiếng cuốc xẻng đào bới, khiến vị chỉ huy đôi lúc phải ráng sức đến khàn cả giọng, để nhắc nhở từng chi tiết nhỏ, chỉ đạo các lực lượng thực hiện đúng như các phương án đã đề ra. Anh căng người kiểm tra, giám sát các lực lượng tìm kiếm cứu nạn qua flycam, nắm các hoạt động cụ thể.

“Nhiều đêm thủ trưởng thao thức để tìm ra phương án tốt nhất cho sáng hôm sau. Có hôm mưa lũ lớn xảy ra ở Nghệ An, là nơi có bố mẹ, vợ con anh Thắng đang sinh sống. Tuy lo lắng nhưng vì “cuộc chiến” này nên anh chỉ kịp điện thoại động viên gia đình rồi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà Sở chỉ huy tiền phương giao phó.

Anh vất vả thậm chí không có thời gian để cắt tóc nhưng vẫn tận tình chỉ dạy cho chiến sĩ trẻ rất nhiều thứ, nhất là đức tính cẩn trọng trong mọi công việc. Bởi cẩn trọng chính là một trong những “vũ khí” của người lính, để chiến thắng trong mọi nhiệm vụ”, Trung úy Lê Quang Đạo, nhân viên làm công tác tuyên truyền của Bộ CHQS tỉnh chia sẻ.

Những cơn bão lũ liên tiếp trên vùng đất Thừa Thiên - Huế khiến rất nhiều lực lượng đi về những nơi xung yếu, vùng thấp trũng, giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào. Thế nhưng hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, các đơn vị lại tiếp tục hành quân ngược lên phía núi. Bởi đâu đó trong bùn đất ở Rào Trăng 3, còn những công nhân đang mất tích.

Cha mẹ, người thân của họ đang cháy ruột cháy gan, đỏ mắt chờ tin con, tin chồng. Nhiệm vụ trên vai các anh nặng gấp bội phần. Vì điều đó mà các anh không quản ngại gian nan, vất vả. Không chỉ những người trực tiếp ra hiện trường tìm kiếm, cả những chiến sỹ phục vụ nơi tuyến đầu cũng sẵn sàng thức dậy từ lúc 3h sáng, chuẩn bị bữa ăn sáng, tiếp sức cho các lực lượng kịp thực hiện nhiệm vụ.

Trung tá Phan Thắng nói: “Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng và cao cả, vì vậy tôi cũng như các đồng chí tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Rào Trăng 3 ai nấy đều không ngừng nỗ lực, cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân. Để hoàn thành nhiệm vụ, tôi quán triệt với anh em phương châm “Làm hết việc chứ không hết giờ”, lấy chất lượng, hiệu quả công việc là trên hết”.

Vì trách nhiệm với Nhân dân, nên anh vẫn đang tiếp tục vững bước trong “cuộc chiến”, tiếp tục tìm kiếm, với mong muốn cháy bỏng, tất cả các nạn nhân đang mất tích, rồi ai cũng sẽ được “trở về nhà”.

Theo Thượng tá Ngô Nam Cường (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế), Trung tá Phan Thắng có tố chất ứng phó nhanh nhạy, linh hoạt trước các tình huống, từ đó chủ động đi tắt đón đầu, kịp thời giải quyết có hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra, nhất là những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó. Vì thế, anh Thắng là người được giao nhiệm vụ từ khi bắt đầu hành trình tìm kiếm các công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Trung tá Phan Thắng trao đổi phương án cứu nạn với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ.
 Trung tá Phan Thắng trao đổi phương án cứu nạn với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên -  Huế Phan Ngọc Thọ.

“Trong thời gian cùng phối hợp với các lực lượng tại Rào Trăng 3, anh Thắng hoạt động không ngơi nghỉ và luôn thận trọng trong bất cứ việc gì.Với tinh thần bất khuất của chỉ huy Thắng, của những người lính và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng rằng các công nhân còn lại sẽ được tìm thấy trong thời gian sớm nhất để các anh trở về với gia đình, với quê hương thân yêu của mình”, Thượng tá Ngô Nam Cường nói. 

Đọc thêm