Rắc rối từ một bản kháng nghị

(PLO) - Khi bản án phúc thẩm được cơ quan thi hành án chuẩn bị cưỡng chế thi hành thì xuất hiện một kháng nghị của Tòa án cấp cao tại Hà Nội khiến cho việc thi hành án bị dở dang. Điều đáng nói, nội dung kháng nghị chỉ thiên về bảo vệ quyền lợi cho một bên đương sự
(hình minh hoạ)
(hình minh hoạ)

Rắc rối cho mượn tài sản để thế chấp

Ngày 16/5/2011, Ngân hàng TMCP phát triển TP Hồ Chí Minh, Chi nhánh Hồ Gươm và Công ty Tân Nam ký kết hợp đồng tín dụng số HM11/0012/HB với khoản tiền vay 5 tỷ đồng, thời hạn vay tối đa không quá 6 tháng. Hợp đồng tín dụng này được bảo lãnh bằng tài sản là quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Xuân Tùng. Hết thời hạn vay, Công ty Tân Nam đã trả đủ nợ gốc và lãi cho Ngân hàng.

 Ngày 23/11/2011, Công ty Tân Nam tiếp tục vay  5 tỷ đồng và hợp đồng tín dụng mới vẫn sử dụng biện pháp đảm bảo bằng tài sản của ông Nguyễn Xuân Tùng. Tuy nhiên, việc vay tiền này không được thông báo cho bên có tài sản thế chấp biết. Sau khi ký hợp đồng mới, Công ty Tân Nam đã trả được một tháng tiền lãi, sau đó không thanh toán tiếp. Vì vậy, ngày 2/7/2012, Ngân hàng HD Bank đã khởi kiện đề nghị Công ty Tân Nam, yêu cầu thanh toán các khoản nợ, gồm khoản tiền gốc và lãi phát sinh.

Tại Bản án sơ thẩm số 03/2014/KDTM-ST ngày 26/9/2014, TAND quận Tây Hồ, Hà Nội đã buộc Công ty Tân Nam phải trả nợ cho HD Bank số tiền gốc và lãi theo hai giấy nhận nợ số 03-2011-HM11/0012/HB và số 04-2011-HM11/0012/HB. Tòa cũng tuyên, nếu Công ty Tân Nam không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, HDBank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản bảo đảm của ông Nguyễn Xuân Tùng để thu hồi nợ cho Ngân hàng.

Nguyên đơn và bị đơn không có ý kiến gì đối với bản án nhưng ông Nguyễn Xuân Tùng thì không đồng ý. Theo kháng cáo của ông Nguyễn Xuân Tùng, người có quyền và nghĩa vụ trong vụ án, TAND TP Hà Nội đã xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Tại Bản án số 110/2015/KDTM-PT ngày 8/12/2015, TAND TP Hà Nội đã hủy một phần án sơ thẩm. Theo đó, Tòa xác định hợp đồng thế chấp vô hiệu và Ngân hàng HDBank có trách nhiệm trả lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Nguyễn Xuân Tùng.

Theo ủy thác của Chi cục thi hành án quận Tây Hồ, ngày 09/3/2016, Chi cục Thi hành án quận 1 ra Quyết định số 42/QĐ-CCTHA về việc cưỡng chế trả giấy tờ, buộc HDBank giao trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Nguyễn Xuân Tùng.

Tuy nhiên, trong lúc cơ quan thi hành án đang tích cực thi hành bản án thì ngày 21/6/2016, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội ra kháng nghị giám đốc thẩm số 07/2016/KN-KDTM đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 110/2015/KDTM-PT ngày 8/12/2015 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xử lại.

Quyết định kháng nghị giống… luận cứ của luật sư

Điều mà dư luận hết sức quan tâm là bản kháng nghị được ban hành vào thời điểm mà cơ quan thi hành án chuẩn bị cưỡng chế thi hành án có nhiều nội dung có lợi cho HD Bank, bên bị thi hành án.

Trong vụ kiện nay, các khoản nợ giữa Công ty Tân Nam và HDBank đều rõ ràng thông qua các hợp đồng, giấy nhận nợ giữa hai bên nên hầu như không có tranh chấp. Việc bản kháng nghị tập trung chứng minh những khoản nợ mà Tân Nam phải trả cho HDBank là một nội dung đã rõ trong vụ án, cho rằng Tòa án phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm về phần xác định nghĩa vụ trả nợ của Công ty Tân Nam là  không đúng với phạm vi xét xử phúc thẩm.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Tùng về việc thế chấp tàu sản cho Công ty Tân Nam vay tiền thì, hợp đồng thế chấp được ký kết là để bảo đảm cho khoản tiền vay của Công ty Tân Nam theo hợp đồng tín dụng số HM11/0012/HB ngày 16/5/2016. Khoản tiền này đã được Công ty Tân Nam thanh toán xong cả gốc và lãi. Đối với việc Công ty Tân Nam tiếp tục vay tiền từ Ngân hàng vào thời điểm tháng 11/2011 mà không thông báo cho bảo lãnh biết là quan hệ vay mới và bên bảo lãnh không có trách nhiệm bảo lãnh cho nghĩa vụ mới này.

Phía HDBank cho rằng đúng là việc vay nợ theo hợp đồng tín dụng số HM11/0012/HB ngày 16/5/2016 đã được Công ty Tân Nam trả nợ xong cho Ngân hàng, tuy nhiên hai bên có quyền tiếp tục thực hiện việc cho vay và bên thứ ba phải tiếp tục bảo lãnh cho khoản vay mới (vào tháng 11/2011) mà không cần thông báo cho bên bảo lãnh.

Tất nhiên, mỗi bên đương sự đều có lý lẽ, quan điểm, lập luận của mình, đó là điều bình thường. Điều mà dư luận quan tâm là bản kháng nghị không khách quan khi cố gắng chứng minh để bảo vệ quyền lợi của một bên (HDBank) bằng việc khẳng định hợp đồng thế chấp là đúng, và ông Nguyễn Xuân Tùng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Nếu không có tiêu đề “Kháng nghị giám đốc thẩm” của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, người đọc bản kháng nghị này hoàn toàn lầm tưởng đó là bản luận cứ với những lập luận đanh thép của luật sư bảo vệ quyền lợi cho HDBank.

Điều quan trọng hơn, theo Điều 287 Bộ luật tố tụng dân sự thì Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải nêu nhận xét, phân tích những vi phạm, sai lầm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị chứ không phải lập luận để chứng minh một bên đương sự là sai hay đúng. Do vậy, dư luận nghi ngờ bản kháng nghị ngày 21/6/2016 của Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã không khách quan, khiến cho việc thi hành án bị cản trở và đường đến công lý của người dân lại dài thêm.

Đọc thêm