Không có động cơ vĩnh cửu
Có một huyền thoại xuất hiện khá sớm, đó là chuyển động vĩnh cửu. Người ta tìm thấy những văn bản đầu tiên về vấn đề này ở thế kỷ thứ 5 trong 1 bản thảo bằng tiếng Phạn.
Những máy chuyển động vĩnh cửu theo sát các tiến bộ của cơ học. Những đề án, những bản vẽ, những luận chứng về các công trình động cơ vĩnh cửu không chỉ om sòm trong thế kỷ 18 – 19, mà ngay trong những năm cuối của thế kỷ 20, Viện hàn lâm Khoa học của Pháp vẫn còn tiếp tục nhận và xử lý những đề án phát minh kiểu như vậy.
Tuy nhiên, trong định nghĩa về động cơ vĩnh cửu, bách khoa toàn thư (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã nêu đây chỉ là một “loại động cơ tưởng tượng”. Do vi phạm định luật bảo toàn và biến đổi năng lượng và định luật II nhiệt động học nên động cơ vĩnh cửu không thể tồn tại.
Và không phải ai cũng biết rằng, ngôi nhà chung của chúng ta – hành tinh mà chúng ta gọi là mẹ cũng đang quay chậm lại. Khi trái đất mới hình thành, một ngày chỉ dài 6 tiếng. Khoảng 200 triệu năm trước, dưới thời khủng long, ngày dài 23 tiếng. Sau 200 triệu năm nữa, các nhà khoa học ước tính ngày sẽ dài 25 tiếng.
Và thậm chí ngay cả mặt trời cũng sẽ biến mất. Các nhà thiên văn học từ lâu đã biết mặt trời một ngày nào đó sẽ tắt khi nó đốt cháy hết nhiên liệu. Dự báo, khoảng 5 tỉ năm nữa mặt trời sẽ tắt.
Dẫn chứng ra như vậy để thấy rằng, không có gì trên đời này là vĩnh cửu, bất biến. Vậy tại sao chúng ta cứ quay cuồng, cứ mải mê chạy và chạy? Mỗi tích tắc qua đi, ta cứ sống cho những điều ta muốn, ta cứ làm vì những thứ ta mong. Nếu có phấn đấu, phải chăng ta chỉ cố gắng để được tiền lương cao hơn, vị trí tốt hơn, cuộc sống giàu sang hơn mà ta quên mất giá trị của bình yên, của khoảng lặng.
Thời gian vô hạn nhưng ta thì có hạn, vì vậy đừng để thời gian điều khiển bước chân ta. Hãy cứ đi, hãy lao về phía trước nhưng cũng hãy biết dừng lại, lắng lòng, lặng nghỉ khi ta mệt, để nghỉ ngơi và để cảm thụ cuộc đời.
Đừng mang công việc vào buồng ngủ
Dấu lặng là ký hiệu thuộc hệ thống ký hiệu nhạc phương Tây được sử dụng nhằm thể hiện một khoảng dừng (nghỉ) trong tác phẩm. Dấu lặng có hai chức năng: Ngăn cách các tiết nhạc (câu nhạc) và tạo thời gian nghỉ (và thở, chẳng hạn đối với ca sĩ và người chơi nhạc cụ hơi) cho người biểu diễn nhạc. Cơ thể con người cũng vậy, nó cũng những “dấu lặng”, cần có thời gian nghỉ ngơi.
12 năm trước, khi mới là sinh viên năm nhất đại học, tôi được người bạn gái tặng cuốn sách “Phút nhìn lại mình” của tác giả Spencer Johnson (bản dịch của First News – Trí Việt) vào dịp sinh nhật.
Câu chuyện trong cuốn sách kể về hành trình nhìn lại mình của một chàng trai. Giữa dòng đời hối hả, chàng trai – nhân vật chính của câu chuyện – rời mái trường bước vào cuộc sống. Sau những khó khăn, thử thách, anh dần trưởng thành với những mục đích đạt được. Công việc thật sự có một sức hút với anh. Cũng nhờ thế, anh đã đạt được không ít thành quả khiến cho những người xung quanh rất thán phục.
Nhưng đến một ngày, anh cảm thấy quá căng thẳng, bởi hầu như công việc cứ liên tục tiếp diễn, không có điểm dừng. Bất kỳ vấn đề nào anh cũng muốn quan tâm đến bằng tất cả nhiệt huyết, song có những điều xảy ra không theo ý muốn của anh. Công việc như một vòng xoáy vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ cuốn anh đi. Nhiều lúc, anh thấy đầu óc lơ lửng như giữa không trung, không thể tập trung vào bất cứ việc gì.
“Mình đang thật sự cần điều điều gì đây?” – Chàng trai trăn trở. “Liệu mình có đòi hỏi quá nhiều không, khi vừa muốn được thành công, muốn kiếm được thật nhiều tiền để có cuộc sống sung túc, lo cho gia đình người thân, vừa muốn có được danh vọng, lại cũng vừa muốn tìm kiếm sự bình yên và hạnh phúc trong tâm hồn? Cái gì mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời này. Liệu có thể đạt được cả hai mà không phải đánh mất điều gì không?
Và cuối cùng, chàng trai đã khám phá ra con đường dẫn đến hạnh phúc, thành công – không ở đâu xa hay khó nắm bắt được như trước đây anh từng nghĩ – mà đơn giản là chỉ với một khoảng thời gian rất ngắn – một phút nhìn lại mình, dành riêng cho mình. Để kiểm soát được cuộc đời, trước hết, phải học cách kiểm soát bản thân, kiểm soát tốt con người bên trong. “Đó là điều quan trọng của cuộc sống mà đôi khi bạn đã quên đi hay vô tình không nhận ra”.
Chỉ khi nào biết cách quan tâm đúng mức đến bản thân và cảm thấy hài lòng với chính mình thì khi đó chúng ta mới có thể cảm nhận được những niềm vui đến từ bên ngoài. Thật khó để trở thành chỗ dựa cho người khác một khi chính mình không tìm thấy điểm tựa cho bản thân. Cần phải biết tự chăm sóc chính mình, lắng nghe bản thân mình. Chẳng hạn bỏ chút thời gian để đứng ngắm mình trước gương hoặc ăn mặc chỉnh tề hơn khi ra ngoài.
Hãy ngủ như chết và luôn giữ một nguyên tắc: đừng bao giờ mang công việc vào buồng ngủ. Khi bạn chưa yêu thương bản thân, sẽ có rất nhiều chuyện không thoải mái xảy đến với bạn. Khi bạn không cho bản thân những điều tốt nhất, bạn chưa trân trọng những điều tốt đẹp của mình, không tự tin là mình tuyệt vời, bạn sẽ thu hút những người không tốt đến cuộc đời mình hoặc mối quan hệ ấy sẽ thường xuyên không ổn định.
Mỗi chúng ta là một món quá của Tạo hóa. Vì thế hãy biết yêu mến bản thân mình. Dù không vĩnh cửu nhưng cơ thể là một bộ máy vận hành kỳ diệu và hoàn hảo. Nó luôn biết cách để tự chữa lành những vết thương. Chỉ có điều chúng ta có cho nó thời gian để chữa lành không mà thôi? Không phải ánh nhìn, nhận xét của mọi người làm nên chúng ta mà chính chúng ta phải dựng xây cuộc đời của mình.