Người cha lên nhận bằng thay cho con là anh Nguyễn Trung Bình, 56 tuổi, quê An Giang, phụ huynh của em Nguyễn Đức Huy, sinh viên K16, khoa Kiến trúc Xây dựng, trường Đại học Văn Lang.
Ngày 28/6 vừa qua, tại buổi Lễ trao bằng tốt nghiệp của trường Đại học này, tất cả những người đến dự đều không cầm được nước mắt khi tên của kiến trúc sư trẻ Nguyễn Đức Huy được xướng lên cùng lúc với tấm di ảnh của em xuất hiện trên màn hình lớn.
Sinh năm 1992 tại TP Long Xuyên (An Giang), sau 5 năm theo học tại trường ĐH Văn Lang, Huy đã hoàn thành đồ án tốt nghiệp. Song cách đây khoảng một tháng, Huy bất ngờ qua đời vì đột quỵ do mắc bệnh tim. Công nhận thành quả của em, Ban Giám hiệu, khoa Kiến trúc Xây dựng (Trường ĐH Văn Lang) đã chấm điểm, đặc cách miễn bảo vệ và công nhận tốt nghiệp cho em.
Anh Nguyễn Trung Bình, cha của Huy cho biết sau buổi lễ sẽ đem đốt bảng điểm để gửi xuống cho con còn tấm bằng sẽ để cùng với di ảnh trên bàn thờ của Huy. “Tôi vô cùng xúc động và vui dù niềm vui ấy không trọn vẹn vì lẽ ra người nhận bằng phải là Huy. Tôi hạnh phúc vì Huy cũng đã hoàn thành được tâm nguyện của mình”. Anh Bình nghẹn ngào nói.
Xin chia buồn cùng gia đình anh Bình và cầu chúc cho KTS Nguyễn Đức Huy an nghỉ nơi suối vàng. Suốt 5 năm qua, em đã nỗ lực hết mình vượt qua bệnh tật để hoàn thành ước nguyện. Song, tiếc thương thay…!
Người cha thứ hai là chuyện ông bố nghèo tranh thủ đánh giày cho khách trong lúc chờ con thi ở thành phố Thanh Hóa được phóng viên Nguyễn Thùy phản ánh trên báo Dân trí.
Trong cái nắng như đổ lửa, những phụ huynh khác tìm bóng mát, quán nước để tránh nóng thì người cha ấy lại đạp xe giữa trời đổ lửa để mong kiếm tiền trang trải trong những ngày thi. Đó là anh là Lê Bá Tùng (45 tuổi, thôn 14, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa). Hai ngày nay, sau khi đưa con đến địa điểm thi, anh Tùng lại đạp chiếc xe cà tàng đội nắng rong ruổi khắp các nẻo đường của thành phố Thanh Hóa để kiếm thêm thu nhập.
Năm 2013, khi anh Tùng đưa đứa con đầu đi thi đại học ở Hà Nội, người vợ ở nhà đi làm đồng bị cảm nắng giờ chỉ nằm một chỗ, ý thức cũng không còn.
Hai năm trước, sau khi con đầu đậu Đại học Văn hóa Hà Nội, hai bố con cũng “tiến về Hà Nội” với bộ đồ đánh giày và chiếc xe đạp cà tàng. Ngày ngày, anh đi đánh giày để lấy tiền nuôi con ăn học.
Thu nhập của anh ở Hà Nội cũng chỉ 3 triệu đồng/tháng, vậy mà với cuộc sống chắt chiu, tằn tiện, anh không chỉ nuôi con ăn học mà còn phải gửi thêm về phụ giúp cho vợ và con gái ở nhà.
Năm nay, đến ngày con gái út thi đại học, anh lại tất tả về quê để đưa con đi thi. Sau khi đưa con gái đến địa điểm thi, anh lại bắt tay vào việc mưu sinh. Nhiều khách đánh giày sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của bố con anh đã gửi thêm tiền nhưng người đàn ông ấy nhất quyết không nhận thêm.
Rồi anh vui vẻ khoe rằng từ lúc đưa con vào thi đến giờ mới hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng anh đã đánh được 4 đôi giày rồi, ngày hôm qua khi chờ con làm thủ tục thi anh cũng tranh thủ đánh được 3 đôi.
“Tranh thủ làm thế này để mua thức ăn cho mấy ngày cháu nó đi thi, chứ ngồi không cũng chẳng biết làm gì” - vừa nói người cha đáng kính ấy vừa giơ lên những đồng tiền lẻ vừa kiếm được trong niềm hạnh phúc.
Hai ông bố ở hai hoàn cảnh khác nhau từ hai miền đất cách xa nhau nhưng đều làm xúc động dư luận bởi tình yêu thương cháy bỏng và sự hi sinh tất thảy đối với sự nghiệp học hành của con cái.
Với những người bố như thế này, “Công cha” không chỉ “như núi Thái Sơn” mà còn “hơn núi Thái Sơn”, phải không các bạn?.
* Title do báo Pháp luật Việt Nam đặt lại