(PLO) - Quyết tâm nói ra sự thật đau đớn về người cha để các em không bị lạm dụng tình dục như mình nhưng cô gái 18 tuổi đó bị chính người mẹ bảo dựng chuyện. V. không biết phải đi đâu về đâu.
Bằng chất giọng miền Trung dễ thương nhưng run rẩy, Nguyễn Hải V. (nhân vật đã được đổi tên) kể lại câu chuyện mình bị chính cha đẻ quấy rối tình dục với tư vấn viên của mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam. Lời nói của cô gái lúc rõ, lúc chìm trong những tiếng khóc nấc nghẹn uất ức.
“Ngay từ khi em 14 tuổi, một buổi cả nhà đi vắng, em đang ngồi học bài, cha đã vào phòng và yêu cầu em cởi hết quần áo ra để ông nhìn. Em sợ quá khóc, cha dọa sẽ đánh em chết nếu mách với người khác”.
Cứ thế, V. phải chịu đựng người cha mất nhân tính trong một thời gian khá dài và khi 18 tuổi, cô thấy rằng mình không thể chịu đựng được hơn nữa. Cô quyết định bỏ nhà ra đi, nhưng trước khi đi, cô thấy phải nói ra sự thật để các em (V. là chị thứ hai trong gia đình 9 người con) không bị rơi vào cảnh khổ như mình.
Nào ngờ, mẹ cô không những không tin mà còn rủa xả rằng cô dựng chuyện nói xấu cha mẹ để có cớ bỏ nhà đi bụi theo trai, còn cha cô thì trước mặt cả nhà thản nhiên tuyên bố: V. không phải là con đẻ của ông nên ông có quyền làm gì mình thích.
Rời khỏi nhà, V. lang thang không biết đi đâu, về đâu, cô tìm về nhà người cậu của mình, nhưng cậu cô cũng không tin chuyện cháu gái nói và còn khuyên hãy về xin lỗi cha mẹ vì đã dựng chuyện nói xấu họ.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Nguyễn Hải V. là một trong những nạn nhân của bạo lực giới hàng ngày đang diễn ra ở nhiều nơi. Theo định nghĩa của Công ước của Liên Hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), bạo lực giới bao gồm các hình thức như: Bạo lực gia đình, bạo lực thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý, tâm thần, bạo lực kinh tế…
Nghiên cứu quốc gia tại Việt Nam về bạo lực gia đình cho thấy 58% phụ nữ trong độ tuổi từ 18-60 đã từng kết hôn cho biết họ từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần. Trong 5 năm từ 2008-2012 có 5.960 vụ lạm dụng tình dục trẻ em gái và cưỡng hiếp phụ nữ được phát hiện.
Báo cáo nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy phần lớn nạn nhân bị quấy rối là nữ giới chiếm 78,2%...
Những con số đáng báo động là vậy nhưng trong đời sống xã hội và đặc biệt trong mối quan hệ gia đình, bạo lực trên cơ sở giới rất hiếm khi được nhận biết do bị “che phủ” bởi những quan niệm truyền thống, những quy tắc chuẩn mực và tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến giới cũng như hệ tư tưởng gia trưởng: nam giới là trụ cột, được ăn to nói lớn, phụ nữ lo việc nhà và là người phải chịu nhịn.
Làm gì để lấp đầy “khoảng trống” của luật?
Trong pháp luật và thực thi chính sách về phòng chống bạo lực giới hiện nay còn quá nhiều khoảng trống là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình, tuy nhiên lại thiếu vắng quy định chính thức về cơ quan chịu trách nhiệm giải trình về bạo lực trên cơ sở giới.
Theo Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, góp phần lấp đầy các “khoảng trống” của pháp luật và chính sách, Đề án quốc gia về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 đang gấp rút được xây dựng và dự kiến trình Chính phủ vào tháng 10 năm nay. Trao đổi với báo chí tại hội thảo “Xây dựng mô hình dịch vụ cho người bị bạo lực giới ở Việt Nam” ngày 30/6, ông Nguyễn Ngọc Tiến cho biết Đề án sẽ có 8 dự án chi tiết để hướng tới mục tiêu có 100% cán bộ các cấp và ít nhất 50% người dân ở cộng đồng được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, tiến tới thay đổi hành vi về vấn đề này.
Bên cạnh đó là việc thể chế hóa các quy định về phòng chống bạo lực giới cho phù hợp với tình hình mới.