Rộn ràng Lễ hội Việt Bắc giữa núi rừng Tây Nguyên

(PLVN) - Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc ở Tây Nguyên không biết từ bao giờ trở thành nơi những con người tha phương xích lại gần nhau, cùng thưởng thức “hương vị” quê hương nơi đất khách. Và hạnh phúc hơn, giữa âm vang tiếng khèn, tiếng sáo, những trái tim rạo rực yêu thương tìm kiếm mảnh ghép của đời mình.
Sôi động các trò chơi dân gian mùa lễ hội ở Tây Nguyên.

“Mùi vị” quê hương nơi đất khách 

Mùa xuân vừa qua, cái rét ngọt và những cơn mưa lất phất của Tây Nguyên khiến cho những đôi chân nhẹ bẫng đi qua các cung đường càng thêm mềm mại, thanh thoát. Những đôi mắt vẫn bao năm dõi về nơi mở hội, để được trở về với “mùi” quê hương ở vùng đất mới. Và mùa Lễ hội Việt Bắc trên Tây Nguyên lại bắt đầu. 

Xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) được ví như một Tây Bắc thu nhỏ, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Mưu sinh trên vùng đất mới nhưng đồng bào Tày, Nùng vẫn luôn nhớ về quê cũ và lưu giữ bản sắc, nghi lễ của dân tộc.

Hàng năm, cứ vào Mồng 5 Tết, Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc được tổ chức đều đặn với phần Lễ và phần hội rất sôi động, nhộn nhịp. Các bà các chị sau một năm “chân lấm tay bùn” đã một lần bước lên sân khấu, thể hiện những tiết mục văn hóa đặc sắc của đồng bào mình. Họ đã “cháy” bằng tất cả trái tim vào từng tiếng đàn, từng điệu múa và ngân lên các làn điệu thể hiện khát vọng, nỗi nhớ, tình yêu với quê hương bản quán. 

Ở giữa sân cỏ là một cây nêu cao sừng sững thu hút nam thanh nữ tú ném pao. Tiếng cười dội vào vách núi, vang tận chân mây. Thanh thiếu niên các thôn, buôn tổ chức thành đội thi đấu các trò chơi dân gian như, đẩygậy, kéo co, nhảy bao bố, chạy cà kheo...

Ông Hoàng Văn Thửa, nhà tận xã Ea Kuêh (Cư M’gar) cách Cư Ewi gần 100 cây số nhưng có mặt tại Lễ hội từ rất sớm. Ông Thửa cho biết, năm vừa rồi con gái lấy chồng ở địa phương gọi điện về mách ở Cư Ewi có Lễ hội của đồng bào Việt Bắc, mong muốn bố mẹ thu xếp công việc về dự. Không cần suy nghĩ, ông gật đầu ngay. Ông rất hào hứng, phấn khởi cho chuyến đi đầu xuân này bởi vì ông sẽ được gặp rất nhiều đồng hương Bắc Kạn. 

 

Hơn 20 năm trước, hơn chục hộ gia đình của Ba Bể tha phương vào Đắk Lắk xây dựng kinh tế mới. “Ngày ra đi, chúng tôi không dám quay đầu nhìn lại. Lên xe rồi, vợ tôi vẫn khóc kéo áo tôi bảo quay về. Chúng tôi đi với một ước mong duy nhất là kiếm thật nhiều đất để trồng ngô trồng sắn, để con cái không phải đói ăn nữa. Bao nhiều năm quần thảo làm lụng, bây giờ đã no đủ rồi thì nỗi nhớ làng quê lại dội về, da diết khó diễn tả lắm. Có Lễ hội Việt Bắc này, tôi như được trở về nhà vậy”. Ông Thửa trút bầu tâm sự.     

Cách xã Cư Êwi 3 ngọn núi, tại xã Ea Tam (Krông Năng) vào ngày Rằm tháng Giêng là thời điểm ra Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc. Đây là Lễ hội được tổ chức quy mô và long trọng nhất khu vực Tây Nguyên. Trong Lễ hội có nhiều trò chơi và các tiết mục đặc sắc mà không phải người Tây Nguyên nào cũng biết đến như: Cách nấu cất rượu men lá, cách quay heo với lá mắc mật, cách làm bánh dày, bánh khảo, bánh tro bếp, nấu xôi ngũ sắc và xem điệu múa xòe của người Thái, người Nùng.

Trong phần Lễ trang nghiêm, đại diện chính quyền địa phương là người chủ tế đứng ra cúng Thổ công cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa,nhân dân no ấm và cày những luống cày đầu tiên trên cánh đồng. 

Đàn ông đến với lễ hội sẽ tụ tập trong những vò rượu ngô, rượu cần. Khi men rượu đã chếnh choáng, họ nắm tay nhau nhảy múa, hát hò rồi “lăn quay” ra ngủ ngay trên bãi cỏ. Ngày vui, chẳng ai để ý cười cợt họ, gặp nhau chỉ bắt tay và cười mà thôi. 

Bà Nông Thị Hiên (58 tuổi) đến từ Thị xã Buôn Hồ năm nào cũng tham gia Lễ hội với màn hát Then và nấu bánh tro. Khuôn mặt hiện rõ niềm vui, sự phấn khởi, bà Hiên cho biết: “Ở đây, chúng tôi được gặp nhau, trò chuyện và cùng nhau ăn những chiếc bánh được làm từ hạt gạo trên nương. Hạnh phúc nhất chính là tìm được tiếng nói của quê hương mình trên mảnh đất Tây Nguyên này”.   

Trên gian hàng ẩm thực của mỗi thôn, đều dán dòng chữ: “Dù xa cách mấy trùng dương. Đi đâu cũng có quê hương trong lòng” với trọn vẹn tình cảm của những người con xa xứ. 

Nơi giao duyên đôi lứa

Những người Tày, Nùng, Mông trên khắp Tây Nguyên về tham dự Lễ hội vui chơi và giao lưu văn hóa, nghệ thuật. Mỗi mùa Lễ hội qua đi, có không ít cặp đôi phải lòng nhau rồi trở thành vợ chồng. Nông Văn Tới (26 tuổi) hiện đang có một cuộc sống hạnh phúc với người vợ kém 5 tuổi. Tới tham gia Lễ hội từ năm 2017 của đội văn nghệ huyện Krông Bông.

Trong hàng trăm khán giả theo dõi màn trình diễn của đoàn Krông Bông, có cô gái Hoàng Thị Tươi (20 tuổi, xã Ea Kao, Tp. Buôn Ma Thuật). Tươi say đắm thưởng thức tiếng sáo cao vút, bay bổng của Tới rồi chẳng hiểu ngượng mộ thế nào mà kết thúc tiết mục, cô nhào lên sân khấu tặng một bó hoa cho Tới rồi nhìn cậu bằng một ánh mắt đầy khát khao. Hai người trao đổi số điện thoại cho nhau và bắt đầu tìm hiểu qua tin nhắn điện thoại. 

Do đường sá cách trở nên những cuộc hẹn hò cũng trở thành xa sỉ. Tươi mê mẩn tiếng sáo của Tới, “say như điếu đổ” giọng hát khỏe khoắn, đầy nội lực của chàng trai. Cô gái quyết định sẽ đi tìm nhà của Tới.

Do không biết chạy xe máy, Tươi bắt xe bus từ TP Buôn Ma Thuột về trung tâm huyện Krông Bông rồi bắt tiếp xe ôm về xã Yang Mao. Nhà Tới nằm lẻ loi dưới thung lũng nhỏ, xung quanh chỉ có núi cao và những nương sắn đang vào mùa thu hoạch. Tới e thẹn và có phần ái ngại khi Tươi xuất hiện. Buổi ra mắt đột ngột, bất đắc dĩ lại khiến gia đình Tới ngập tràn niềm vui. Bố mẹ Tới hoàn toàn “ưng cái bụng” cô gái đến từ thành phố Cao Nguyên. 

Trước sự đắm đuối, mê say của Tươi, gia đình Tới đã phải lên nhà cô bàn chuyện người lớn. Đám cưới đôi trẻ diễn ra sau 5 tháng. Tươi hạnh phúc bước theo chồng. 

Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc ở Tây Nguyên không phải là một phiên chợ tình nhưng từ lâu, giới trẻ luôn xem như một cơ hội thú vị để tìm bạn đời. Ở đó, họ gặp nhau, tìm hiểu nhau thông qua những đồng cảm về ngôn ngữ và phải lòng nhau trong tâm trạng những người con xa quê.

Những lễ hội bao giờ cũng mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, cần lưu tâm bảo tồn và phát huy trước những trước sự du nhập của văn hóa ngoại lai. Việc tổ chức các lễ hội của các dân tộc phía Bắc trên mảnh đất Tây Nguyên đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục, khuyến khích người dân biết trân trọng, tự hào và giữ gìn những nét đẹp văn hoá vốn có của dân tộc mình, đồng thời hòa vào dòng chảy văn hóa của các dân tộc trên Tây Nguyên tươi đẹp.

Đọc thêm