Xuân về trên làng mai lớn nhất Sài Gòn
Nói về làng mai nổi tiếng và xưa nhất Sài Gòn, có lẽ chính là làng mai Thủ Đức. Làng mai Thủ Đức không chỉ nổi tiếng trong nội bộ người dân TP, mà cả dân chơi mai khu vực Đông Nam bộ đều biết đến từ hơn 50 năm nay.
Thời thịnh vượng nhất của làng mai phải kể đến cách đây tầm chục năm, khi ấy, con đường Phạm Văn Đồng chưa chạy xuyên suốt qua 3 phường Linh Đông, Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước. Khi ấy, Thủ Đức chưa còn là một vùng ngoại ô đất rộng, cây xanh mát mắt. Những vườn mai nằm trải dài ngút ngàn chính là một trong những thương hiệu của vùng đất Thủ Đức cổ xưa.
Năm tháng trôi qua, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, đất biến thành “tấc đất tấc vàng”, nhiều vườn mai đã phải phá bỏ, nhường chỗ cho những con đường, công trình thương mại, nhà ở… Nhiều người nông dân trồng mai cũng đã giải nghệ.
Ông Lê Văn Bền, nông dân trồng mai trước kia có mảnh vườn ở khu vực đường Phạm Văn Đồng ngày nay chia sẻ: “Hồi đó tui cũng có một vườn mai hơn 1ha thừa kế từ cha tui, cũng là một nông dân trồng mai. Mỗi năm lo vun tưới, chăm bón, đến Tết thu được tầm 400 triệu đồng sau khi trừ các chi phí, cũng đủ để mưu sinh, cho gia đình sống ổn định, nuôi con cái ăn học.
Giờ đường lớn chạy qua, đất đai có giá, tui cũng già đi rồi mà con cái không ai theo nghiệp nên vườn mai đành dẹp bỏ. Đất tui bán đi để chia cho các con lấy vốn mà làm ăn. Quanh đây nhiều người như tui lắm, thế hệ trước trồng mai giờ không còn mấy ai. Giờ làng mai chỉ còn vài người cũ và những người trẻ kế nghiệp cha ông hoặc người từ nơi khác đến trồng mai mưu sinh”.
Giờ đây, thay cho những vườn mai chạy dài trên mặt tiền đường Kha Vạn Cân khi xưa, nay làng mai Thủ Đức đã khiêm tốn rút vào sâu bên trong những con đường. Tuy đã mất đi nhiều diện tích, nhưng những ngày này, làng mai Thủ Đức rầm rộn ràng lắm. Những người nông dân trồng mai đang tất bật cho mai đón Tết. Lá mai bắt đầu được lặt nhịp nhàng.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, nông dân trồng mai ở đường Kha Vạn Cân, Thủ Đức, lặt lá mai là hoạt động thường niên của làng mai, và cũng là kiến thức cơ bản của những người trồng mai. Khi mai được lặt lá đúng thời điểm, cây mai không còn lá sẽ tập trung dinh dưỡng để nuôi những nụ hoa. Việc lặt lá mai thường được thực hiện theo phương pháp sau: Đầu tiên là dùng tay giữ chặt cành mai, giật lá mai dứt khoát bằng lực vừa đủ ngược hướng lá để đảm bảo lá mai lìa cuống khỏi cành nhanh gọn. Sau khi lặt hết lá trên thân cây mai, phải để vài ngày thì mới được tưới cây.
Việc lặt lá cũng không cùng thời điểm cho mỗi năm. Tùy vào năm có nhuần hay không, thời tiết, khí hậu, độ ẩm và tình trạng thực tế của cây mai thế nào thì người nông dân mới tiến hành lặt lá cho phù hợp.
|
Ươm mai ở làng mai Bình Lợi. |
Thời điểm này, nhiều nhà vườn lớn ở làng mai Thủ Đức thuê lượng nhân công lên đến vai chục người, trước hết là để lặt lá mai, sau là chăm tưới. Hiện các vườn mai cũng bắt đầu giao rải rác các cây mai đã hoàn tất công đoạn chăm chỉ còn chờ ra hoa cho những người đặt mai ở xa.
Theo các chủ vườn mai, người đặt sớm chủ yếu là cách doanh nghiệp cần chưng cho có không khí Tết. Qua 20 tháng Chạp, lúc ấy vườn mai mới thực sự tất bật vì phải liên tục chuyển mai đi các nơi, đồng thời tiếp khách đến chọn mua mai tại chỗ.
Làng mai “mới nổi” hút khách
Mấy năm gần đây, làng mai Bình Lợi nổi lên như một điểm đến mới cho dân chơi mai khu vực Đông Nam bộ. Làng mai này nằm ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, một huyện ngoại thành Sài Gòn, hướng về phía miền Tây. Thực tế, làng mai Bình Lợi chỉ mới hình thành tầm 5-6 năm nay. Trước đó, Bình Lợi là một xã nông thôn, chủ yếu trồng các loại cây ăn trái như thơm, mía…
Khi ấy, đường xá còn khó khăn, vận chuyển nông sản chủ yếu bằng xuồng để đến đường lớn. Sau khi xã thực hiện nông thôn mới, đường được xây dựng xong, Bình Lợi chuyển đổi sang trồng mai. HTX mai Bình Lợi cũng ra đời. Từ đó, Bình Lợi trở thành một làng mai “mới nổi” không chỉ trong khu vực mà ra tận nhiều tỉnh thành miền Trung, phía Bắc.
Đời sống nông dân Bình Lợi từ khi chuyển đổi thành làng mai trở nên sung túc hơn nhiều. Đặc biệt, vào những dịp cận Tết, làng mai trở nên náo nhiệt với mai đơm chồi nảy lộc, thương lái từ khắp nơi đổ về, xe tải vào vườn mai ùn ùn và từng chậu, từng chậu mai được chuyển đi khắp nơi trên cả nước.
Năm 2019, Bình Chánh còn tổ chức Đường mai, thu hút đông đảo người dân và thương lái đến đây mua bán, tham quan, góp phần quảng bá thương hiệu làng mai Bình Lợi.
Tết năm ngoái, có những vườn mai thu hoạch được đến 5000 cây mai. Trước lợi ích thu được từ cây mai, ngày càng nhiều nông dân ở Bình Chánh chuyển đổi từ các nông sản khác sang trồng cây mai, đồng thời nhiều nhà đầu tư cũng từ nơi khác đến, mua lại vườn mai nơi đây để kinh doanh.
Ông Trần Hữu Trung, chủ vườn mai 1ha chia sẻ: “Vườn tôi nhỏ, mấy cha còn làm túc tắc, cũng đủ sống và dư chút đỉnh chứ không ham làm lớn. Trồng mai không chỉ là cái nghề mưu sinh mà còn là đam mê nữa. Trồng mai vui lắm. Quanh năm cũng phải bỏ công chăm bón, vun tưới, ươm giống chứ không phải chỉ tất bật dịp gần Tết như người ta thường nghĩ.
Cũng có năm có rủi ro vì sâu bệnh, thời tiết thất thường. Năm nào tới tháng chạp mà mai bắt đầu đơn nụ nhiều là mừng. Rồi đến gần Tết, mai đơn bông là lòng người trồng mai cũng rộn ràng theo. Nhiều khi khách người ta mua mai về, cây mai nở rộ ngày Tết, người ta mừng chụp hình gửi cho mình, mấy cha con cũng mừng lây, mừng lắm”.
|
Mai nở rực rỡ trong môt nhà vườn ở làng mai Thủ Đức. |
Ngoài 2 vườn mai lớn là Thủ Đức và Bình Lợi, còn 1 số khu vực trồng mai nhiều ở Sài Gòn là Củ Chi, Hóc Môn… Thu hoạch của nhà vườn trồng mai không chỉ đến từ việc bán mai mà còn từ dịch vụ cho thuê mai. Đây là dịch vụ rộ lên hàng chục năm nay, từ việc người dân muốn chưng mai nhưng không muốn bỏ một số tiền lớn để mua mai về, đồng thời sợ các rủi ro như không biết chăm khiến cây chết, cây không thể ra hoa vào dịp Tết sang năm… Thuê mai chưng vào mỗi một mùa Tết là giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề ấy.
Theo Trung tâm Khuyến nông TP HCM, hiện diện tích mai trồng chậu tại TP HCM có 71ha, mai trồng đất 453ha, sản xuất chủ yếu ở huyện Bình Chánh, Củ Chi và quận 9, Thủ Đức. Tết 2020, ước tính các vườn mai TP cung ứng hơn 700.000 cây mai thành phẩm cho người dân cả nước.
Người dân miền Nam thường chưng mai trong nhà vào dịp Tết bởi quan niệm rằng cây mai với sắc vàng rực rỡ vừa đẹp, vừa đem lại may mắn cho gia chủ. Khi chưng một cây mai trong nhà để đón Tết, người ta thường hồi hộp chờ mong xem mai có đơm nhiều nụ hay không, đúng đêm giao thừa có nở những bông mai đầu tiên hay không và ngày đầu của năm hoa mai trên cành có bung xòe rực rỡ hay không.
Từ tay chủ vườn mai, người mua đem về cũng chăm chút, nâng niu cây mai lắm. Đẹp nhất là cây mai có nhiều lộc non mơn mởn, nở rực rỡ trên cành ngày mùng 1 Tết và suốt 3 ngày Tết đều đơm bông, không chóng tàn. Theo quan niệm của người dân miền Nam, như thế báo hiệu cho họ một năm tươi tắn và may mắn.
Trồng mai không chỉ là cái nghề kiếm cơm. Người nông dân trồng mai còn phải yêu nghề của mình, yêu thương cây mai. Họ còn được gọi là những nghệ nhân trồng mai. Bởi, không đơn giản là tạo ra những thành phẩm cây cảnh để chưng trong nhà.
Họ còn là những người khéo léo dùng kĩ thuật và tình yêu để chăm bón cây mai sao cho nở hoa rực rỡ vào ngày Tết. Nói cách khác, họ là những “nghệ nhân” của mùa xuân. Sắc xuân theo về trên bàn tay những người nông dân vườn mai ấy.