Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội nhận định, để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tạo cơ sở để phát triển kinh tế thì mỗi quốc gia cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để nhận diện và xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực này. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của pháp luật nói chung, pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng được hoàn thiện song thực tế áp dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên cần tích cực học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế.
Do đó, Trường ĐH Luật Hà Nội hy vọng Hội thảo sẽ là diễn đàn bổ ích để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực môi trường, từ đó đề ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật tại mỗi quốc gia.
Với nhận thức vấn đề trung tâm của việc bảo vệ môi trường bằng các biện pháp pháp lý hình sự là vấn đề tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường, Bộ luật Hình sự năm 1999 lần đầu tiên quy định các tội phạm về môi trường thành một chương độc lập gồm 11 tội. So với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985, các tội phạm về môi trường khác nhau về tính chất đã được quy định độc lập với hình phạt khá nghiêm khắc và đường lối xử lý mang tính phân hóa cao, tuy nhiên việc xử lý hình sự các hành vi xâm hại môi trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trước yêu cầu bảo vệ môi trường bằng pháp luật hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về các tội phạm về môi trường tại chương XIX với 12 tội đồng thời quy định về các tội phạm môi trường có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến cả quy định về cấu thành tội phạm và hình phạt.
Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập tới một số khó khăn như việc phát hiện tội phạm trong lĩnh vực môi trường thường không nhanh, có thể kéo dài 1-2 năm; việc thu thập dữ liệu, chứng cứ còn nhiều khó khăn bởi các mẫu phân tích có thể thay đổi vào các thời điểm khác nhau; khó khăn trong thu thập và bảo quản chứng cứ bởi có chứng cứ phải bảo quản, có chứng cứ buộc phải thả ngay như động vật hoang dã; trình tự, thủ tục giám định còn chưa đầy đủ…
Ông Lợi cũng nêu lên băn khoăn như một vụ việc nhưng gây hậu quả cho nhiều địa phương thì phân định thẩm quyền tố tụng như thế nào, quy chuẩn pháp luật môi trường tại mỗi tỉnh, thành phố khác nhau thì nên áp dụng ra sao, ai là người đứng ra thay mặt những người chịu thiệt hại để khởi kiện? Do đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về tội phạm môi trường, đảm bảo đồng bộ với các quy định pháp luật khác cũng như pháp luật quốc tế.
Còn theo TS. Lê Trung Kiên, Phó trưởng khoa Đào tạo sau đại học, Học viện Cảnh sát nhân dân, để tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Cảnh sát môi trường trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, ngoài việc hoàn thiện về tổ chức, bố trí lực lượng, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật… thì việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật là yêu cầu hết sức cần thiết và cấp bách.
Theo đó, cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, Chương 19 về các tội phạm về môi trường phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường và các văn bản có liên quan. Sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đề xuất cơ quan có thẩm quyền bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Cảnh sát Môi trường trong một số lĩnh vực như về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, khoáng sản, vệ sinh an toàn thực phẩm… Cùng với đó, cần tiếp tục thể chế hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Ngoài ra, Hội thảo đã được nghe các đại biểu đến từ Học viện Tư pháp Hình sự, ĐH Tài chính – Chính pháp Trung Nam, Vũ Hán, Trung Quốc giới thiệu các quy định pháp luật về tội ô nhiễm môi trường của Trung Quốc, nghiên cứu xác định quan hệ nhân quả của trách nhiệm pháp lý hành chính về môi trường…