Rừng chè cổ thụ trên đỉnh Pu Ta Leng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những cây chè cổ thụ nằm lọt thỏm giữa Pu Ta Leng cao chất ngất là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho Lai Châu – vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Rừng chè cổ thụ trên đỉnh Pu Ta Leng

Món quà vô giá của thiên nhiên

Pu Ta Leng là đỉnh núi thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, trên ranh giới giữa 2 tỉnh Lào Cai (huyện Bát Xát) và tỉnh Lai Châu. Đỉnh Pu Ta Leng (Phu Ta Leng) đọc theo tiếng người dân tộc Dao sinh sống ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là Pú Tả Lèng, theo đó từ “Pú” mang nghĩa là “núi”, còn Ta Leng hay Tả Lèng là tên địa danh của vùng này, có lẽ vì thế cái tên Putaleng ra đời. Nằm ở độ cao 3049m so với mực nước biển, danh xưng “Pu Ta Leng khu rừng cổ tích” quả thật xứng đáng.

Putaleng sở hữu hệ thống thảm thực vật, động vật phong phú, đa dạng, phát triển tốt tươi, tự nhiên. Sự hoang sơ đó, khi kết hợp cùng vẻ đẹp núi non trùng điệp hùng vĩ, tạo nên bức tranh Putaleng vô cùng rực rỡ.

Từ độ cao 2.500m so với mực nước biển là rừng chè cổ thụ nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Chè cổ thụ là một loại chè đặc sản, quý hiếm, thường được người dân địa phương gọi là chè Tuyết Shan Pu Ta Leng. Nhiều cây cao tới cả vài chục mét, thân cây xù xì, rêu phong, cành lá xum xuê, bảng lảng trong sương sớm giữa đại ngàn hùng vĩ.

Những cây chè cổ thụ sống trên núi cao sinh trưởng tự nhiên, tự hấp thụ chất đất, khí trời, thấm hương rừng núi, đọng lại sự tinh túy trong từng búp chè non tơ. Chè cổ thụ trên đỉnh Pu Ta Leng thân to, phân nhánh nhiều cành lá, cành vươn ngang theo mặt đất, tán rộng tới vài mét, mọc xen kẽ với nhiều loại cây trồng khác. Những thân chè to nhất bằng cả vòng tay một người ôm như những loài cây gỗ lớn.

Chè cổ thụ trên đỉnh Pu Ta Leng độ cao 2.500m.

Chè cổ thụ trên đỉnh Pu Ta Leng độ cao 2.500m.

Quan sát kĩ sẽ thấy, những búp chè non của cây chè cổ thụ trên đỉnh Pu Ta Leng xoăn lại khi dài bằng đốt ngón tay, chỉ vo nhẹ đã thấy mùi thơm của từng cánh lá. Vị thơm của thời gian, vị thơm của sương của sự hoang dại nơi đại ngàn rừng này.

Thổ nhưỡng cùng với khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ, nguồn nước tinh khiết mang đến cho những búp chè tươi nơi đây có vị rất riêng, đắng nhẹ nhưng không gắt, hậu vị ngọt sâu, hương vị lưu lâu, thêm chút vị ngậy ngậy cứ lưu giữ mãi trong khoang miệng của người thương trà.

Khi pha ấm chè, vị thơm của chè cổ thụ Pu Ta Leng khác hẳn chè bất kì nơi nào, chỉ cần ngửi hương thoang thoảng cũng khiến người thưởng thức có cảm giác như đang đứng giữa núi rừng. Vị ngọt và thơm của chè theo làn khói tỏa nghi ngút, càng nhấp chè càng thấy ngọt hơn. Chè càng lâu năm thì càng có giá trị đối với sức khỏe. Nếu kết hợp vừa bảo vệ, vừa khai thác, vừa phát huy thì giá trị sẽ rất lớn.

Tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm

Trong chuyến khảo sát thực địa tại Pu Ta Leng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề nghị chính quyền huyện Tam Đường cần có kế hoạch bảo tồn và phát huy tối đa lợi thế của rừng chè cổ thụ: Rừng chè cổ thụ sẽ là điểm du lịch rất có giá trị vì ngoài thu hoạch búp chè, người dân có thể phát triển thành điểm, khu du lịch. Người dân sẽ có thêm thu nhập từ việc bán chè và du khách đến tham quan, khám phá, chinh phục, trải nghiệm và cảm nhận.

Đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khảo sát cây chè cổ trong rừng nguyên sinh trên đường đi Pu Ta Leng. Đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khảo sát cây chè cổ trong rừng nguyên sinh trên đường đi Pu Ta Leng.

Tuy nhiên, để chinh phục đỉnh Putaleng, tận mắt ngắm nhìn những cây chè cổ thụ, tận tay cảm nhận búp chè tươi non lại không hề dễ dàng một chút nào. Những cung đường vô cùng khó khăn, dốc nối dốc, đèo nối đèo như muốn vắt kiệt sức của người leo, nhưng chính nó lại càng kích thích sự thử thách, khám phá của con người.

Với những ai muốn tìm cho mình một địa điểm leo núi để thử thách bản thân thì Putaleng chắc chắn sẽ là một gợi ý lý tưởng mà bạn không nên bỏ qua. So với những ngọn núi cao nhất Việt Nam khác như Fansipan hay Bạch Mộc Lương Tử thì núi Putaleng được đánh giá cao về độ khó cũng như nguy hiểm.

Với địa hình đồi núi đá khúc khuỷu và dốc đứng nên bạn cần lựa chọn những ngày trời khô, tạnh ráo để bắt đầu chuyến hành trình leo núi đảm bảo an toàn. Theo như kinh nghiệm leo Putaleng của nhiều người thì từ khoảng cuối tháng 4 đến tháng 5 hàng năm được xem là thời điểm lý tưởng nhất.

Từ đỉnh núi, bạn có thể nhìn bao quát toàn bộ khung cảnh xung quanh, những triền núi phủ màu xanh ngát, những bông hoa rừng điểm tô khoe sắc, bầu trời xanh như nước biển, thật tự hào khi đất nước chúng ta được trời phú những khung cảnh tươi đẹp đến vậy. Từ trên đỉnh nhìn xuống là cảm giác tự hào khi đã vượt qua hàng trăm, hàng ngàn thử thách dọc đường đi để chinh phục được đỉnh núi cao thứ hai Việt Nam.

Đọc thêm