Bình minh nơi ven trời Tây Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở nơi ấy… cuối trời Tây Bắc, có một tỉnh trẻ, một thành phố trẻ đang lặng lẽ vượt lên những khó khăn, những cách trở xa xôi, của đá tai mèo, thiên tai, mưa lũ, nghèo đói và lạc hậu… để xây dựng lên một thành phố nên thơ, một tương lai rộng mở. Ấy là Lai Châu, là “trái tim Tây Bắc” như nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã khắc họa trong bài thơ “Gửi Lai Châu”.
Đường phố Lai Châu rợp cờ hoa chào đón ngày lễ lớn.
Đường phố Lai Châu rợp cờ hoa chào đón ngày lễ lớn.

Nhưng hôm nay, những từ ngữ u buồn trong bài thơ đã được bàn tay, khối óc con người Lai Châu thay bằng những gam màu tươi sáng và tràn đầy hy vọng.

Diện mạo mới của “trái tim Tây Bắc”

Lai Châu, cái tên nghe đã xa xăm vời vợi những mây cùng núi trên bản đồ Việt Nam. Với nhiều người, có lẽ cái tên ấy chỉ gợi lên trong họ những hình dung về miền quan tái nước độc, rừng thiêng, với những mái tranh lúp xúp tán rừng, những lối mòn vết chân ngựa giữa cỏ cây và bải hoải vài dáng trẻ thơ bủng beo, thiếu chất…

Và thú thật, với tôi – kẻ chưa từng đến với Lai Châu, những mảng mầu ảm đạm ấy ít nhiều cũng khiến bản thân nao núng. Nhưng một lần tình cờ, được đến với Lai Châu, điều khiến tôi nhớ nhất chẳng phải là hình ảnh một “phố núi” nên thơ, một nền kinh tế đang vươn mình, một địa danh đáng sống… mà là cái cười ngượng ngịu của chính mình về những hình dung quá lố bấy nay.

Sau hơn 4 giờ đi trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, vượt qua biển mây Sa Pa thơ mộng, đến đỉnh đèo Ô Quý Hồ điện thoại của tôi đã nhận được tin nhắn tự động chào mừng đến với Lai Châu và những thông tin du lịch đáng chú ý. Ngay đỉnh đèo, là có một bức pano rất lớn in những hình ảnh đặc sắc về mảnh đất, con người Lai Châu, không phải để “làm mầu” mà gợi lên trong lòng du khách những khát khao tìm hiểu về một vẻ đẹp tiềm ẩn “nơi ven trời Tây Bắc”.

Một góc thành phố Lai Châu.Một góc thành phố Lai Châu.

Khác hẳn hình dung ban đầu. Đường về Lai Châu tuy cũng lắm quanh co, đèo dốc nhưng đó là con đường nhựa phẳng phiu, rộng rãi, có hộ lan, phản quang, biển báo rất đầy đủ “rất có tâm”, cùng những hướng dẫn, cảnh báo nhiệt tình của những chiến sỹ cảnh sát giao thông trực bên đường nhắc lái xe những kinh nghiệm sống còn khi lần đầu đi đường đèo dốc… Tất nhiên, đường về Lai Châu vẫn qua những bản làng, vẫn là những thổ cẩm, nhà sàn nhưng tuyệt nhiên cái đói hắt hiu trong hình dung ban đầu của tôi có lẽ nó thuộc về một không gian nào đó chứ chẳng phải đất này.

Nhá nhem tối, tôi đến đỉnh đèo Giang Ma, nơi tiếp giáp giữa thành phố Lai Châu và huyện Tam Đường (Lai Châu). Dừng chân bên quán nhỏ ven đường để thưởng thức cái trong lành, bình dị vốn là thứ thiếu thốn đối với những người xuất thân từ nơi đông đúc. Nhìn xuống phía thành phố Lai Châu, một vừng sáng lung linh, huyền ảo hắt lên qua áng mây mờ bảng lảng khiến chúng tôi không khỏi trầm trồ. Chị chủ quán vẫn vận bộ thổ cẩm, bưng cho tôi ly nước chanh leo nguyên chất kèm lời giới thiệu đầy tự hào: “Chanh leo chúng tôi trồng theo tiêu chuẩn Global Gap dùng để xuất khẩu sang châu Âu đấy cán bộ ạ.”

Rồi chị nông dân kể chuyện ngày nào khó khăn, ngày nay đổi đời, chuyện bà con dân tộc làm nông nghiệp kiểu “4.0”, chuyện quả đào chín sớm, quả sơn tra vàng rộm quầy hoa quả trong siêu thị giữa thủ đô, chuyện quả chanh leo rồi búp chè cổ nơi này dắt nhau sang trời Âu đất Mỹ…

Rất tự hào, chị chốt một câu rõ “chất”: Lai Châu giờ không có hộ đói nữa đâu các anh ạ. Bán tín bán nghi về cái xứ rừng thiêng nước độc mà không có hộ đói, tôi gọi cho anh bạn làm ở tỉnh và nhận lại được tiếng cười như thể anh ấy vừa nói với người ở hành tinh nào đó: Lai Châu nghèo thì vẫn còn nghèo nhưng chuyện để dân đói thì không có đâu bạn ạ!

Khu du lịch cầu kính rồng mây thuộc huyện Tam đường tỉnh Lai Châu.

Khu du lịch cầu kính rồng mây thuộc huyện Tam đường tỉnh Lai Châu.

“Ngôi sao đang lên” của cực Bắc Tổ quốc

Và rồi cái sự nghi ngờ của tôi hoàn toàn bị đánh tan khi chúng tôi đặt chân xuống đến thành phố Lai Châu. Một thành phố nhỏ nhưng thật nên thơ. Đường rộng, đẹp và sạch. Không khí hết sức trong lành. Kiến trúc được quản lý chặt chẽ nên các công trình ở đây rất hài hòa và đặc biệt, bên con đường lớn nhất thành phố là những căn biệt thự xinh xắn và hiện đại chứ không phải những dãy nhà ống dài phá vụn kiến trúc đô thị như đâu đó…

Một phố núi trong lành, nên thơ, bình lặng và đặc biệt là an ninh rất đảm bảo. Người dân ở đây dường như không phải lo nghĩ gì đến chuyện cướp giật, trộm cắp. Nhìn phố phường bề thế, rộn sắc cờ đào chào mừng Quốc khánh, những hình dung ban đầu về Lai Châu hoàn toàn bị đánh bật khỏi nhận thức của tôi.

Ra vậy… Lai Châu giờ là “ngôi sao đang lên” của vùng Tây Bắc. Theo thống kê, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh miền núi này luôn đạt ngưỡng hai con số - một tốc độ đáng kinh ngạc đối với một tỉnh vùng cao, biên giới, mới thành lập được chưa đầy 20 năm. Và đương nhiên, điều ấy cũng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của Lai Châu xuống còn dưới 17% và mỗi năm đều giảm trung bình từ 3 – 4%. Với tốc độ này, sẽ không lâu nữa “công chúa ngủ trong rừng” này sẽ vươn lên mạnh mẽ trở thành một trụ cột vững chắc ở vùng Tây Bắc.

Nhận định ấy là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo báo cáo mới đây, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của Lai Châu liên tục tăng trong những năm gần đây. Riêng 6 tháng đầu năm nay, từ những “thung lũng lúa” ở đất này đã sản suất ra gần 4,5 vạn tấn lương thực. Con số này chắc chắn là đáng kể so với hơn 46 vạn nhân khẩu ở đây. Đáng nói là, trên những cánh đồng, triền núi, những giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, lúa đặc hữu… của Lai Châu như Khẩu Kí, Tan Co Giàng, Tan Pỏm, séng cù, tẻ râu… đã dần thay cho những giống lúa phẩm chất thấp, từ đó đem lại giá trị kinh tế rất cao cho người dân Lai Châu.

Nông sản Lai Châu dự thi OCCOP.

Nông sản Lai Châu dự thi OCCOP.

Không chỉ có lương thực đủ ăn, đồng bào ở đây đã chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa chứ không còn tư duy tự túc, tự cấp cục bộ ngày nào. Tốc độ tăng đàn gia súc từ 5 đến 6% mỗi năm là một ví dụ. Bây giờ “trâu sắt, bò máy” đã thay cho sức ngựa, sức trâu nhưng đàn gia súc vẫn tăng đều đều bởi giá trị về dinh dưỡng, thực phẩm, lợi nhuận về kinh tế của chúng đã được chứng minh. Rồi những giống cây mới như chanh leo, mắc ca, cao su, quế, hay những giống loài bản địa như sơn tra, thảo quả, sa nhân, thậm chí là cây dược liệu đã và đang trở thành những hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế nơi này để góp phần làm trù phú thêm những bản làng lưng núi.

Có một câu chuyện khiến tôi vừa ngạc nhiên, vừa nể phục người dân nơi đây đó là hành trình xây dựng nông thôn mới của họ. Có những xã, người dân phải bỏ cả vạn ngày công để quyết tâm bằng được danh hiệu nông thôn mới. Có những thời điểm cả ngàn con người cùng xuống suối đãi cát, vớt sỏi làm đường. Những ngày mưa, xe chở vật liệu lên bản bị lầy thì hàng chục con người cùng xúm xít đẩy xe… Nông thôn mới có thể chỉ là một danh hiệu, là một dấu mốc nhưng nó lại là một dấu mốc rất đáng nhớ thể hiện sự đoàn kết, thống nhất và nhất là sự quyết tâm của bà con vùng cao trong xây dựng quê hương mình. Sự quyết tâm ấy đã giúp cho 38 xã của Lai Châu đạt chuẩn nông thôn mới.

Đó là về tập thể, còn một con số khác cũng thể hiện khá rõ ý chí vươn lên của những con người Lai Châu ấy là số lượng sản phẩm OCOP. Đến nay toàn tỉnh đã có 60 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Con số này, thoạt nghe có vẻ khó tin nhưng nó là sự minh chứng rất rõ ràng cho sự vươn lên của tỉnh miền núi này.

Không chỉ trú trọng kinh tế, lâu nay, đồng bào Lai Châu đã rất quan tâm tới sự học của con trẻ. Chính miền đất này, ở “nơi con sông Đà chảy vào đất Việt” – xã Mù Cả đã tạo nên tên tuổi anh hùng, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn, để rồi tinh thần hiếu học trở thành một chuẩn mực của đồng bào nơi đây. Những con số như 100% trẻ mầm non ra lớp, 99% học sinh chuyên cần, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp kỳ thi THPT vừa qua của tỉnh Lai Châu đạt hơn 98%... cho thấy con chữ giờ đã thành một nhu cầu của người dân nơi đây.

Kinh nghiệm của người phương tây, muốn biết về “sức khỏe” một nền kinh tế hãy đến chợ. Và tôi chọn một chợ ít nhộn nhịp nhất, nhiều bản sắc nhất để khám phá, đó là chợ phiên San Thàng – chợ của đồng bào, của sản vật địa phương. Chợ vẫn ở khu đất mà bao đời vẫn vậy, vẫn những bộ thổ cẩm sặc sỡ, chiếc ô đen mầu chàm, những bó rau rừng mới hái… nhưng ở đây không còn là phiên chợ của sự nghèo đói nữa.

Bà con vẫn ôm gà đến chợ nhưng trong tay lại có chiếc smart phone. Vẫn những chiếc quần ống rộng thùng thình, nhưng hôm nay đồng bào “cưỡi” xe máy, ô tô chứ không còn đi ngựa. Những bó rau rừng, mới bày chưa ấm chỗ là các nhà hàng đã đặt lô mua về làm đặc sản. Trên giá treo, những bộ thổ cẩm có dán tem vài triệu đồng chứ không phải nét quê mùa như ai vẫn tưởng. Nét văn hóa bản địa vẫn đậm đà qua sắc mầu xanh đỏ, qua tiếng khèn dập dìu hay những đôi tay thoăn thoắt cắt bánh phở, nhưng sự phồn thịnh, ấm no la không thể dấu vào đâu…

Đưa tôi đi thưởng trà ở nơi được mệnh danh là “đệ nhất view”, ngắm thành phố đón bình minh qua hương trà phảng phất tôi cảm nhận rõ hơn về một nơi đáng sống, đáng yêu. Bình minh đang lên. Những tia nắng lọt qua sương mờ như đang đánh thức “nàng công chúa”, soi rõ những nét tươi mới của “viên ngọc trăm năm” “nơi ven trời Tây Bắc”.

Đọc thêm