Đó là những mẩu chuyện được cóp nhặt từ những ngày lang thang ở miền rừng xa xăm của cá nhân người viết về một thứ nghề mà trần gian chưa ai soi thấu hết. Nghề thợ săn - Nghiệp săn rừng có lúc huênh hoang, ngạo nghễ nhưng cũng se sắt đến nhói lòng…
Trèo cây, thoát họng lũ rừng…
Đêm dần về khuya, ngọn lửa trong căn lán đơn lóa lem soi sáng vào từng ngọn lá cọ ướt đẫm sương rừng. Anh Thanh, năm nay 51 tuổi (người ở xã Quảng Kim) ngồi trước mặt chúng tôi bây giờ không còn là “hoa tiêu” dẫn đường nữa.
Khuôn mặt lúc nào cũng như ngậm một nỗi buồn xa xôi vọng lại từ kiếp trước nhưng lại đột nhiên hứng khởi khi kể về những kỷ niệm lúc “đói rừng”, nằm vượt lũ, thoát chết ở nơi “thâm sơn cùng cốc”.
Anh Thanh nhớ lại: “Lúc ấy, cách đây 10 năm, mình đang nằm ở vùng rừng hiểm sau Gò Mặt Nạ, giáp với dốc hố sâu nhất dãy Hoành Sơn này. Trước đó, cũng nghe vợ báo lên là có bão, nhưng do vẫn chưa có hàng (con thú-PV), với lại nằm ở rừng sâu cách xa nhà cả một ngày đường nên đành trụ lại chờ tin bão dữ.
Ngờ đâu bão vào dữ quá, đêm ấy lán tui bị gió bão quật tơi bời, nước lũ xô đá ngùn ngụt kéo về, căn lán nằm giữa khe nước bị cuốn trôi, tất cả đồ đạc lẫn thức ăn đều bị nước cuốn sạch. Lúc đó tui vịn lấy một nhánh cây rồi leo lên một cây gỗ rừng lớn cùng với cái chăn rách đã ướt phân nửa, lót ổ nằm trên nhánh cây đợi bão qua”.
Gió bão giật cơn như đất trời lúc ấy chỉ là một sợi dây mỏng manh, họng lũ có lúc như rên rỉ xót xa, có lúc thì rống lên vang rền trời đất. Những thân cây bị gió bão bẻ gãy kêu lên “rắc rắc”, rồi đánh ầm một cái mất tích theo con nước cuộn.
Dưới gầm lũ, những tảng đá lớn bị cuốn trôi “ầm ầm” như đàn hổ dữ từ đâu kéo về. Bão, lũ nổi trận lôi đình, rừng xanh lại gồng mình rên xiết. Cứ như thế, nhiều giờ đồng hồ trôi qua anh Thanh như cầu xin trời, phật rủ lòng thương mà tha thứ cho “đứa con cứng đầu” này.
…Rồi cơn bão đi qua, ngoài trời những cơn mưa cũng ngớt dần, gió lốc không còn nổi loạn, căn lán đơm của anh Thanh chỉ còn trơ lại một bãi đất trắng trơn với những tảng đá lớn từ đâu kéo về, nằm ngổn ngang gò đống. Lúc ấy khoảng 3 giờ sáng, anh Thanh mệt lả người nhưng vẫn nằm vịn thân cây ngủ thiếp đi từ lúc nào không hay.
Khi mở mắt thì trời đã sáng rõ mặt người, nhìn lại chiến trường, và sờ lại mặt mũi, thân xác mới biết rằng mình vẫn còn đang sống: “Hú ba hồn, bảy vía! Sau về kể lại mà ai tin đâu chứ, nhưng đúng là mình đã chết đi sống lại rồi đó. Lần đó vợ con nằm nhà tính kêu người lên tìm, tưởng chết rồi, chứ bão, lũ kiểu ấy mà bạo gan nằm lại trong rừng thì chỉ có những thằng điên thôi” - Kẻ gàn này chậc lưỡi.
Những “kẻ gàn” thách thức với tử thần
Câu chuyện lý thú về những “kẻ gàn” chưa dừng lại ở đó, chúng tôi tìm đến một số cao niên săn rừng gạo cội đã dã nghiệp từ lâu trong vùng để nghe họ kể lại những bi hài về cái nghiệp mưu sinh nhờ rừng này.
Người đặc biệt nhất chúng tôi được hầu chuyện là ông Đàm Cạnh, 65 tuổi. Ông Cạnh trước kia cũng là một tay bẫy có tên tuổi ở xứ này. Từ lần “đối mặt” với gấu ở rừng 27, giáp biên giới nước bạn Lào, ông đã bỏ nghề vì chấn thương. Theo như ông Cạnh thì rừng này trước kia gấu và các loại thú còn rất nhiều, đơm rất trúng, nhưng nay thì khác xưa rồi vì con thú đã gần như hết nhẵn.
Ông Cạnh nhớ lại một buổi sáng mùa mưa năm 1999, ông Cạnh đi thăm bẫy thì gặp một con gấu nặng khoảng 3 tạ đang mắc bẫy. Do mới mắc bẫy nên gấu rất dữ , cũng vì quá chủ quan nên ông Cạnh đã dùng mác (dao của dân rừng có mũi rất nhọn, và sắt – PV) đánh đòn “phủ đầu” vào con gấu đang hăng sức.
Thế nhưng vì sơ ý để trượt tay, con gấu vùng dậy vồ lấy, ông Cạnh bị đánh ngã xuống dốc khoảng 20m. Gấu dữ tợn cắn vào chân và đầu ông Cạnh gây thương tích rất nặng. Cũng may là nhờ có sự trợ lực của một người bạn đơm nên ông Cạnh mới thoát chết: “Lúc ấy, toàn thân tui tê cứng, máu ở các vết thương cứ trào ra liên tục. Khi mấy anh, em đưa tui về đến lán tui mới thấy hồi tỉnh dần dần, vết thương nhức nhối thêm phần đau rát, cũng may là cái mạng này còn giữ được...”, ông Cạnh xuýt xoa.
Phải mất hơn 1 tháng ông Cạnh mới được đưa về điều trị tại bệnh viện Ba Đồn. “Ông ấy về được đến đây, những vết thương đã bốc mùi và lên dòi. Con dòi to như đầu chiếc đũa, nó cứ rụng xuống và có lông thấy khiếp! Đến bây giờ những vết tích đó vẫn thường xuyên hành hạ ông ấy mỗi lúc trái gió trở trời”, vợ ông Cạnh ngao ngán.
Nhắc đến chuyện bị gấu tấn công, trong xã Quảng Châu còn có thêm một người, đó là ông Lê Văn Huệ, 61 tuổi. Lần đó, ông Huệ đi bẫy ở rừng Đà Lạt, trong một cuộc đối mặt “tay không” với gấu thì ông Huệ không may bị gấu tấn công từ phía sau. Nhắc đến chuyện cũ, gương mặt đầy sẹo của ông Huệ như có “âm hồn” vọng về từ kiếp trước:
“Năm đó tui bị bóc trắng phần trán và bị đứt một số đoạn ruột. Như kết quả của bệnh viện thì mất hơn 80% sức khỏe. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Đến sau này tui vẫn không sao quên được cuộc đối mặt khủng khiếp đó. Sức mình so với con thú dữ có ăn nhằm gì nhưng cái nghèo nó cứ đưa đường chỉ lối, chứ ai muốn sự ấy xảy ra…”
Ông Lê Văn Huệ, 61 tuổi người ở thôn Tùng Lý (xã Quảng Châu) bị mất hơn 80% sức khỏe vì gấu tấn công. |
Như lời kể của một người bạn đi cùng ông Huệ, con gấu đã tấn công người thợ săn từ phía sau khi ông không để ý. Con gấu rất to nằm lấp lên ông Huệ khiến người bạn đơm nghĩ rằng gấu đang cào đất nên trốn vào một bụi cây rậm để quan sát tình hình.
Sau một hồi phát hiện thấy bàn chân ông Huệ mới hốt hoảng vùng lên dùng đá ném trúng đầu con thú. Gấu giật mình tháo chạy mất tích vào rừng sâu. Ông Huệ cựa mình sau một hồi vật lộn với con thú dữ, lúc ấy bạn ông mới giật mình té ngửa khi nhìn thấy khuôn mặt và vùng trán ông Huệ đã bị lật hết da và loe loét máu.
Còn với “kẻ gàn” nay đã 90 tuổi là ông Từ Gặp thì lại góp một câu chuyện hết sức ngạo nghễ về lần cả gan dám tay đôi với gấu rừng cách đây hơn 20 năm. Thời bấy giờ, trong vùng ông Gặp đang sống rất nhiều thú. Nhiều đến mức phải dựng chòi canh thú mỗi khi vào vụ mùa. Đêm đêm rừng núi còn vang tiếng nai tác, hổ gầm. Cánh thợ săn, chỉ cần vót những dùi săn dài và nhọn bằng gỗ là đã có thể lên rừng săn nai, săn hoẵng.
Hồi đó ông Gặp còn làm bên hợp tác xã, ông gương mẫu nhận có một miếng đất nằm sát vách núi mà không ai dám nhận canh tác. Miếng đất xa vùng dân ở nên con thú rất nhiều, ông Gặp quyết định dựng chòi canh và túc trực. Một đêm, khi đang nằm ở chòi canh thì ông có nghe thấy tiếng động lạ ở ngoài cánh đồng.
Ông đoán chắc chắn là gấu đang trộm ngô nên quyết định mang theo cây gậy canh thú: “Đến nơi mình lùng khắp mà không thấy gì hết, nên ngồi rình một lát. Nghe một tiếng “cắc” nữa bên bụi chua ke (một loại cây rừng -PV) thì thấy con gì to lớn, đen thui. Lúc ấy tui sẵn dùi săn, lao lại đánh túi bụi vào đầu vào lưng con thú mà chưa biết con gì ra con gì đâu! Cứ thấy là đánh cái đã”.
Tiếp lời, ông kể: “Đánh xong, con gụ (gấu-PV) rống lên thì mới biết. Nhưng “đã ngồi lên lưng cọp” rồi thì phải tiếp tục đánh chứ không là mình chết với nó. Cứ thế đánh tới tấp đến khi con gụ hoảng lên, nó chạy thiếp vào rừng sâu không ngoái đầu lại. Từ hôm đó là nó chừa luôn, không còn dám xuống nương ngô tui mà ăn trộm nữa”.
Một con heo rừng đã bị cánh thợ săn thu phục. |
Còn câu chuyện của anh Đặng Ngọc Văn, 48 tuổi thì lại có phần ly kỳ hơn. Anh Văn được người trong làng mệnh danh là “khắc tinh của muôn thú” với tài nghệ đối đầu, thu phục thú dữ ngay trong khu rừng thiêng. Kỷ niệm đáng nhớ nhất được anh kể cho chúng tôi nghe là lần một mình bắt heo rừng nặng cả tạ.
Ngày đó, thời điểm cách đây khoảng 7 năm, trời vào đúng mùa rét đậm. Buổi sáng khoảng 3 giờ, anh Văn bắt đầu dậy, nhóm lửa nấu cơm ăn rồi đi thăm luồng bẫy cho kịp. 4 giờ 30 phút, anh Văn bắt đầu nhập luồng thăm bẫy. Luồng bẫy của anh như một cái hang sâu và dài hun hút không biết điểm chót. Anh như một “con thú” kiếm ăn trong rừng, đi được một quãng, gặp một cái bẫy bậc, anh từ từ tra bẫy lại rồi đi tiếp. Chưa kịp nhón chân thì nghe tiếng “pặp... pặp...pặp” một lát rồi “hộc... hộc...” ở phía trước, anh đã ngờ ngợ.
Cố đi một đoạn thì anh gặp ngay một con heo rừng nặng cả tạ mắc bẫy. Nó hục hặc, phóng ánh mắt dữ tợn về phía anh, con heo thủ thế chực tấn công vào người thợ săn: “Hai nanh nó to và dài, nó mới mắc được 2 ngày nên rất hăng”.
Anh Văn nhớ lại: “Lợn mà đã mắc bẫy là dữ lắm, biết bao nhiêu người bị nó măm bấy xương (heo rừng cuồng lên cắn – PV) tại hầm bẫy, phải nhập viện cấp cứu rồi. Vì thế khi trông thấy nó, tốt nhất nên phải phóng nhanh lên cây mà bày kế giật chân mới mong bắt được nó. Chứ cứ đứng tần ngần ra đó, nó đang tức lồng lộn lên vậy mà mình nhỡ giật đứt dây bẫy là mình xong đời với nó luôn”.
Con heo to như con trâu mộng, những chiếc lông ghi dựng đứng, hai hàm răng cứ “pặp... pặp” thách đố. Một chốc, anh nhanh như sóc nhảy ngay sang thân cây cao hơn và luồn vào khoảng rừng rậm: “Tui rúc vào khoảng rừng phía bên, chặt lại những nhành cây và bó hẹp không gian của con thú để bày kế giật chân. Những con thú này, sức mạnh nó kinh hoàng lắm, cần khéo léo chứ không thì nó đoạt mạng mình liền!”, Anh văn tiếp lời. Dụng trí thông minh và kinh nghiệm, người thợ săn lại tiếp tục trèo lên cây cao và phi tới tấp những nhành cây xuống nơi con heo rừng đang bị cột chân.
Con heo cứ thế hục hặc, càng di chuyển, hung hăng thì càng bị vướng chân vào các ngọn cây. Anh lại cứ đứng trên cây cao, trêu ngươi con thú đến khi con thú dần kiệt sức và mắc kẹt trong những nhánh cây thì mới quyết định tấn công “cú chót” thu phục nó.
Thu phục đã khó, đưa con thú nặng cả tạ ra khỏi khu rừng cũng chẳng dễ dàng gì: “Lúc ấy có hàng là mừng rơn người lên rồi, nó nặng như vậy mà mình cứ thế mang ra, mừng quá mà quên cả mệt nhọc. Mang ra khỏi khu rừng thì mới nhận thức được rằng mình không thể mang nổi con thú này về nhà được…”. Anh Văn dí dỏm kể lại: “Lúc ấy đành chạy đi tìm người đến trợ giúp. Con nớ sau về cân lên được 1,3 tạ, nặng kinh khủng luôn!”
Một nhóm thợ săn đang thu phục rắn độc trong khu rừng rậm. |
Ăn của rừng và những báo ứng
Cái chết của Sự Côi (xã Quảng Hợp) đã vãn 10 năm nay, nhưng còn để lại nhiều dấu hỏi trong giới thợ săn nơi đây. Bởi cái tài săn của Sự Côi, được giới săn thú mệnh danh là “chúa rừng”. Nhưng cuối cùng, Sự Côi lại bị con thú đốn ngã từ trên cây cao. Nhiều người cho rằng đó là báo ứng của rừng thiêng, nhưng số khác mến phục hơn thì nghĩ do anh ta chủ quan nên bị rắn cắn chết. Nhưng dù đứng ở lập luận nào thì “chúa rừng” cũng đã bị đốn ngã. Côi chết như thể đã ứng vào quả báo chốn rừng thiêng.
Sự Côi, cái tên tựa hồ như côi cút, u uất lắm. Nghe đâu, từ nhỏ Côi đã mồ côi cha, phải tự mình lăn lộn kiếm sống để qua ngày. Năm 10 tuổi, Sự Côi đã tập làm quen với núi rừng. Lớn lên anh xin các đoàn săn thú cùng đi bẫy với họ. Bẩm sinh vốn đã nhanh nhẹn, cộng thêm tài năng thiên phú, nên mùa đơm nào anh cũng kiếm chác được kha khá.
“Nó tài đến độ, con cá đang bơi dưới vực sâu nó còn lặn xuống bắt cho bằng được, còn về rắn là bất chấp. Không gặp thì thôi chứ hễ nhác thấy là nó nhanh như sóc nắm đầu rắn. Nó siêu đến mức rắn chưa kịp quay đầu đã nằm gọn trong bì. Biệt tài của nó là bắt rắn hổ ngay trên cây cao. Chỉ mỗi nhược điểm là sợ ma, chúa rừng mà còn sợ ma, thua nó luôn! Không lý giải nổi.
Cứ một mình, một chó đi suốt trong rừng rậm ấy, con gì ở đâu nằm đâu là nó biết hết. Giờ nó mất rồi, nghĩ lại thấy thương lắm! Lâu nay anh em không còn đi với nhau nữa nhớ cái thằng lọt rừng mà ra ấy lắm” - Anh Thanh (Quảng Kim) kể thêm về Sự Côi.
Đận ấy, Sự Côi đang đi “kiếm ăn” trong rừng sâu cùng với chó săn, khi đi được một quãng rừng thì người thợ săn phát hiện được một con rắn hổ chúa đang nằm phơi nắng trên cây cao. Sự Côi vỗ về con chó, rồi từ từ vịn thân cây trèo lên để áp sát rắn hổ. Đến nơi con rắn hổ vươn mình dựng cổ lên cao, thở phì phì. Nhanh như sóc, Côi lao về phía con rắn rồi thu phục loài “nọc rừng” ngay trên cây cao.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, khi Sự Côi đưa rắn xuống đất để nhốt rắn vào giỏ săn đã không để ý giỏ đựng bị rách một lỗ nhỏ. Con rắn khi được thả vào giỏ thì vùng lại cắn người thợ săn. Cái số đã định, từ nơi “chúa rừng” bị đốn ngã về đến nhà còn rất xa, nên việc cứu chữa không còn kịp. Sự Côi dặn vợ con đưa giấy bút ra, rồi viết lại mấy dòng “huyết tử” tiễn biệt gia đình, để trút hơi thở cuối cùng.
“Thần rắn”, rồi cuối cùng cũng chết vì rắn, một thời bôn ba khét tiếng như là “chúa rừng” đến bây giờ đã nằm sâu vào lòng đất. Nhiều người đã bị tàn phế suốt đời cũng chỉ vì dám thách thức, đối đầu với sự nổi giận của rừng già. Thế mới biết, cái nghiệp săn rừng rồi cũng có lúc khiến người mang nó sắt se đến nhói lòng.