Hàng loạt nhãn hiệu được người tiêu dùng đón nhận và yêu mến
Tiền thân của SABECO là một xưởng bia nhỏ do ông Victor Larue, một tư bản người Pháp lập ra tại Sài Gòn vào năm 1875. Đến nay, xưởng bia này vẫn là một biểu tượng kiến trúc độc đáo, tồn tại giữa lòng thành phố phát triển năng động bậc nhất Việt Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất - ngày1/6/1977, Công ty Rượu Bia Miền Nam chính thức tiếp nhận và quản lý Nhà máy Bia Chợ Lớn từ hãng BGI và hình thành nên Nhà máy Bia Sài Gòn. Năm 1988, Nhà máy Bia Sài Gòn trở thành đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Rượu Bia Nước giải khát II
Giai đoạn 1989 – 1993, bia Sài Gòn xây dựng được hệ thống tiêu thụ với 20 chi nhánh trên cả nước. Từ năm 1992, với uy tín trong nước, sản phẩm bia Sài Gòn đã vươn ra thị trường quốc tế với trên 15 quốc gia, trong đó chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Mỹ, EU, Singapore, HongKong…
Năm 1993, Nhà máy Bia Sài Gòn đổi tên thành Công ty Bia Sài Gòn. Vào năm 2000, Công ty Bia Sài Gòn là doanh nghiệp sản xuất bia đầu tiên của Việt Nam đạt và vượt mốc sản lượng 200 triệu lít/năm và trở thành doanh nghiệp sản xuất bia có quy mô lớn nhất cả nước.
Ảnh tư liệu Nhà máy Bia Sài Gòn qua các thời kỳ 1965 - 1975 - 2015. |
Đến năm 2008, Công ty được chuyển đổi mô hình hoạt động và chính thức thành lập Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Sau đó, Công ty chính thức khánh thành Nhà máy Bia Sài Gòn - Củ Chi và được đánh giá là nhà máy hiện đại bậc nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Quá trình không ngừng phát triển, Công ty đã có 44 công ty con, công ty liên kết, trong đó có 26 nhà máy, 10 công ty thương mại khu vực. Đồng thời, toàn hệ thống tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động trực tiếp và 4 - 6 lần lao động gián tiếp.Tổng công suất của hệ thống đạt 2 tỷ lít bia/năm cùng với hệ thống phân phối có trên 145.000 kênh tiêu thụ trên toàn quốc.
Vượt qua nhiều khó khăn, Công ty liên tục cho ra đời hàng loạt nhãn hiệu được người tiêu dùng đón nhận và yêu mến. Có thể kể đến những cột mốc đáng nhớ như năm 1985, Nhà máy Bia Sài Gòn chính thức lắp đặt dây chuyền chiết lon đầu tiên tại Việt Nam và ra mắt bia lon với thương hiệu Saigon Premium Export. Từ đó cho đến năm 2017, Công ty liên tiếp cho ra đời các sản phẩm chủ lực như Bia Saigon Export, Bia 333, Bia Saigon Lager, Bia Saigon Special, Bia Saigon Gold…
Đến nay, các sản phẩm của SABECO đã có mặt trên tất cả tỉnh thành Việt Nam và xuất khẩu đến 38 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Bằng hương vị độc đáo và chất lượng tuyệt hảo, các sản phẩm của SABECO luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng cũng như nhận được nhiều giải thưởng danh tiếng trong nước và quốc tế.
Nhà nước cương quyết thoái vốn tại SABECO
SABECO chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2016 với giá khởi điểm 110.000 đồng.Mặc dù là công ty cổ phần nhưng Nhà nước vẫn nắm gần 90% vốn điều lệ doanh nghiệp này và Bộ Công Thương đóng vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước tại SABECO.
Tháng 12/2017, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá cạnh tranh 343,66 triệu cổ phiếu SABECO, tương đương 53,59% vốn điều lệ. Công ty con của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi là Công ty TNHH Vietnam Beverage mua trọn 53,59% cổ phần nhà nước chào bán tại SABECO với giá tiền là 4,8 tỷ USD.
Công ty TNHH Vietnam Beverage – một công ty thành lập tháng 10/2017 tại Hà Nội với vốn điều lệ 681 tỷ đồng. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán), lập trình máy tính, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy tính. Công ty này được Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100%. Công ty Beerco Limited lại sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam. Beerco Limited lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage – tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có trụ sở tại Hồng Kông – Trung Quốc.
Việc Vietnam Beverage mua thành công toàn bộ 53,59% cổ phần tại SABECO do Nhà nước Việt Nam bán ra, đồng nghĩa là doanh nghiệp Thái Lan đã gián tiếp sở hữu và có quyền chi phối hoạt động của SABECO và thâu tóm thành công một thương hiệu có mạng lưới phân phối và hoạt động hiệu quả nhất trong ngành bia rượu tại Việt Nam. Khi ấy, nhiều ý kiến, trong đó có cả một số chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại về chuyện mất thương hiệu quốc gia SABECO với hơn 140 năm lịch sử.
Có lẽ, tâm lý lo mất thương hiệu, tâm lý “nuối tiếc”, “níu giữ” vẫn còn trong tư duy của một số ít người sau thương vụ này. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh việc “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa”. Thay vào đó “cái gì mà tư nhân làm được thì để tư nhân làm” bởi “chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân”.
Tại nhiều diễn đàn, cuộc họp, Thủ tướng đều quyết liệt chỉ đạo thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần phải nắm giữ hoặc không nắm cổ phần chi phối, kể cả doanh nghiệp làm ăn có lãi. Hay tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017, nhấn mạnh đến thành công của thương vụ thoái vốn Nhà nước tại SABECO, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là thương vụ lớn được cả châu Á và thế giới quan tâm và khẳng định, thành công này là bởi nhà đầu tư có niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ và kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam.
Thực tế cho thấy đây cũng là một bước để Công ty không chỉ phát triển mạnh mẽ và củng cố vị thế hàng đầu tại Việt Nam mà còn vươn tầm thế giới, xây dựng phát triển hình ảnh và vị thế của bia Việt tại thị trường quốc tế. Trong năm 2019, Công ty đã tái ra mắt thành công thương hiệu Bia Saigon và Bia 333 với hình ảnh hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống.
Trọng tâm của sự thay đổi chính là ở biểu tượng rồng và Bia Saigon. Với tính liên kết được tối ưu hóa giữa hình ảnh trỗi dậy mạnh mẽ của rồng và biểu trưng Bia Saigon, diện mạo mới mang đậm tinh thần và khí chất tự hào Việt Nam. Cùng với việc làm mới hình ảnh, danh mục các sản phẩm của Bia Saigon gồm có Bia Saigon Special, Bia Saigon Export và Bia Saigon Lager cũng khoác lên mình vẻ ngoài mới, đại diện cho tinh thần đang lên của một Việt Nam trẻ trung và tiến bộ.
Nhờ các bước đi đầy quyết định này, doanh nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu xứng đáng, ghi tên mình vào các bảng xếp hạng danh tiếng trong nước và quốc tế. Đó là nằm trong Top 3 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn năm 2019; là 1 trong 7 đại diện Việt Nam được xướng danh trong bảng xếp hạng Top 200 doanh nghiệp tỷ đô tốt nhất châu Á do Forbes Asia bình chọn…
Là một doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành nước giải khát tại Việt Nam, SABECO đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế. Cụ thể, tổng số tiền nộp vào ngân sách trong 10 năm của SABECO theo báo cáo tài chính hợp nhất từ năm 2010 - 2019 hơn 81.732 tỷ đồng. Sau 10 năm, số tiền nộp ngân sách của Công ty vào năm 2019 đã tăng 200% so với năm 2010.