Quá nhiều nhà xuất bản được in sách pháp luật dẫn đến người đọc băn khoăn, khó khăn trong lựa chọn. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Đó là kỷ niệm buồn của Tiến sĩ - Luật sư Phan Thị Hương Thủy, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Long trong lần bà mang Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) Việt Nam ra tranh tụng tại tòa án Mỹ.
Năm 2003, trong một vụ án ly hôn, Luật sư Thủy được Tòa Thượng thẩm California (Mỹ) chọn làm chuyên gia làm chứng (WE - witness expert) để thực hiện bản tư vấn bằng cách trả lời các câu hỏi mà luật sư phía Mỹ đưa ra, đồng thời nhận xét tài liệu chứng cứ do bên nguyên xuất trình trên cơ sở đối chiếu với Luật HN-GĐ Việt Nam.
Vì yêu cầu công việc, Luật sư Thủy phải tham dự phiên tòa tại Mỹ. Và, tất nhiên vì vụ việc liên quan đến Luật HN-GĐ Việt Nam nên hành trang của Luật sư không thể thiếu cuốn sách luật này. Tuy nhiên, khi ra tòa án Mỹ, cuốn sách đó lại không được chấp nhận.
“Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt những người có mặt ở phiên tòa hôm đó khi dẫn nguồn từ cuốn sách luật mình mang theo. Hóa ra ở đây, sách luật chỉ được xuất bản thông qua một vài đơn vị do Chính phủ cấp phép, để đảm bảo nguồn gốc và tính chính xác, trong khi ở mình nhà nhà xuất bản sách luật. Có sách luật mà không được dùng vì không chứng minh được nguồn tin cậy, nên ngay trên đất Hoa Kỳ tôi phải lọ mọ vào trang điện tử của Quốc hội Việt Nam để tìm văn bản” – Luật sư Phan Thị Hương Thủy kể lại.
Luật sư Thủy còn cho biết thêm trong thời gian ở Mỹ, vào năm 2003, bà có nhu cầu muốn mua cuốn sách pháp luật về hôn nhân gia đình của Mỹ, tuy nhiên, tìm khắp nơi không có hiệu sách nào bán. Khi hỏi người đồng nghiệp luật sư Mỹ, bà Thủy mới biết ở đây không thể tự mua được sách luật mà phải thông qua luật sư.
Nghe lời giải thích của bạn đồng nghiệp, bà Thủy thấy thật chạnh lòng và lo lắng cho tình trạng nhà nhà xuất bản sách luật ở nước mình. “Lúc đó tôi thấy buồn ghê gớm vì đối với luật sư, dù hoạt động ở trong nước hay nước ngoài thì cuốn sách luật luôn như một thứ vũ khí để đấu tranh. Thế mà chỉ vì vướng ở vấn đề nguồn gốc mà “vũ khí” bị bác bỏ thì còn nói làm gì” – Luật sư Hương Thủy trầm ngâm.
“Bực mình vì phát hiện quá nhiều sai sót”
Đã từng có nhiều năm gắn bó với công tác xuất bản sách pháp luật ở Nhà xuất bản Tư pháp, Bộ Tư pháp, nay là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, TS.Trương Quang Vinh mở đầu câu chuyện với PV bằng câu cảm thán: “Nhiều nơi xuất bản sách pháp luật quá, lắm khi cầm cuốn sách luật rồi đọc tên nhà xuất bản mà giật mình!”.
Theo TS. Trương Quang Vinh, xuất bản sách pháp luật không hề đơn giản như mọi người nghĩ, vì nó đòi hỏi nhiều là cả bộ máy nhà xuất bản phải am hiểu về pháp luật, nếu không ít ra cũng phải là đội ngũ biên tập viên có kiến thức, có bằng cấp về pháp luật. Bởi “làm sách pháp luật mà chỉ cần đặt không chính xác vị trí một liên từ “và” hay một dấu phảy là đã sai nội dung một cách nghiêm trọng rồi” – ông Vinh nhấn mạnh.
Lo ngại này của ông Vinh không phải là không có cơ sở, bởi hiện nay đã và đang xảy ra tình trạng có khi trong ngày Quốc hội vừa thông qua luật thì ngay buổi tối nhà xuất bản đã mang đi in hòng chiếm lĩnh thị trường sớm nhất. Làm vội, in vội cộng với đội ngũ biên tập viên không có trình độ pháp luật thì không sai mới là lạ.
Đáng lo ngại hơn nữa là tình trạng “trăm hoa đua nở, đua liên kết” không chỉ tồn tại ở việc xuất bản sách pháp luật thuần túy (như các đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật) mà còn ở cả các sách pháp luật chuyên khảo với yêu cầu về chuyên môn biên tập cao hơn rất nhiều.
“Trong thời gian công tác tại Nhà xuất bản Tư pháp, tôi đã đọc rất nhiều sách luật chuyên khảo và rất bực mình khi phát hiện ra quá nhiều sai sót nội dung mà biên tập viên đã bỏ sót. Trong thị trường sách luật, sách luật chuyên khảo đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu nên nếu như biên tập viên không có kiến thức, không được đào tạo về pháp luật sẽ không thể tìm ra chỗ sai để phản biện với tác giả. Một ấn bản phẩm không đạt chất lượng như vậy rất nguy hiểm với người sử dụng” – ông Vinh cho biết.