“Sai một ly, đi một dặm”

(PLVN) - Sau 120 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19, trong bốn ngày từ 28/11 đến 1/12, TP HCM ghi nhận bốn ca mắc mới nội địa.
Ảnh minh họa.

Trong đó, hai ca nhiễm mới trong cộng đồng tại TP HCM ghi nhận dương tính nCoV chiều 1/12 là bé trai một tuổi và phụ nữ 28 tuổi, cùng lây từ “bệnh nhân 1347”. “Bệnh nhân 1347”, nam, 32 tuổi, lây từ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines là “bệnh nhân 1342” khi tiếp viên này đang… cách ly tại nhà.

Chỉ vì sự lỏng lẻo trong quy định thực hiện cách ly, để một nam tiếp viên “lang thang” trong thời gian cách ly khi bay từ nước ngoài về, Vietnam Airlines đã phải trả giá đắt.

Đô thị lớn nhất cả nước những ngày này nín thở lo sợ. Thủ tướng yêu cầu dừng hết các chuyến bay thương mại quốc tế, chỉ duy trì các chuyến bay giải cứu công dân thực sự cần thiết. Tổ bay quốc tế về nước phải tập trung ở khu cách ly quân đội, khu cách ly tại địa phương đủ tiêu chuẩn, bãi bỏ việc cách ly do doanh nghiệp đăng ký.

Cục Hàng không cho biết sẽ hủy bỏ kế hoạch xúc tiến 33 chuyến bay mỗi tuần đưa người Việt hồi hương từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Như vậy, khoảng 330 chuyến bay “giải cứu nửa thương mại” sẽ bị hủy bỏ. Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ số chuyến bay này sẽ được Vietnam Airlines khai thác. Ước tính số người Việt tại Nhật Bản muốn về nước là 30.000 người, tại Hàn Quốc là 15.000 người, tại Đài Loan là 15.000 người. Cơ hội được sớm về nước với những công dân này càng xa hơn.

Chưa hết, có khả năng việc tiếp viên Vietnam Airlines vi phạm quy định, khiến dịch lây lan sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch mở cửa đường bay thương mại quốc tế tới 7 quốc gia và vùng lãnh thổ kiểm soát dịch tốt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia và Thái Lan.

Việc chuyển tổ bay thực hiện các chuyến bay quốc tế về cách ly tại khách sạn sẽ khiến chi phí cách ly tổ bay của doanh nghiệp tăng cao. Hãng cũng mất đi tính chủ động trong việc chuẩn bị cơ sở cách ly. Với lượng nhân viên cần cách ly lên tới 11.400 lượt người trong 8 tháng, chi phí cách ly của hãng sẽ tăng cao khi chuyển sang hình thức cách ly tại khách sạn.

Việc thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân là điểm cộng lớn với thương hiệu Vietnam Airlines trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc thả lỏng kiểm soát, để một nam tiếp viên thành ca nhiễm lây lan ra cộng đồng đã ảnh hưởng lớn tới thương hiệu hãng hàng không quốc gia trong mắt hành khách.

Ảnh hưởng về thương hiệu càng nhạy cảm hơn khi hãng vừa được chấp thuận giải ngân gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách, trong khi các hãng bay tư nhân chưa tiếp cận được khoản vay ưu đãi tương tự.

“Đây là bài học với tất cả cơ quan, cá nhân trong phòng chống dịch bệnh”, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết. Quan trọng nhất, Thủ tướng đã chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp, không để “mất bò mới lo làm chuồng”. Kỳ vọng với bài học kinh nghiệm từ hai đợt dịch hồi tháng 3 và 7, cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp quyết liệt ngăn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, đảm bảo để cuộc sống tiếp tục bình yên./.