“Cướp” tài khoản mạng xã hội - hành vi phạm pháp vẫn “lọt lưới”?

(PLVN) - Chuyện “hack nick” không còn xa lạ đối với người dùng mạng xã hội, cụ thể là Facebook toàn cầu. Nhưng tại Việt Nam, hiện tượng này đang diễn ra nhan nhản, đến mức “bát nháo”.
Cầu thủ Quang Hải bị hack nick facebook gây nhiều thiệt hại về mặt tinh thần và thương hiệu.
Cầu thủ Quang Hải bị hack nick facebook gây nhiều thiệt hại về mặt tinh thần và thương hiệu.

“Rộn ràng” mua bán nick ăn cắp

Trên mạng có không ít trang quảng cáo dịch vụ “mua bán nick”, mua bán trang cá nhân. Tùy vào lượt theo dõi của mỗi nick hoặc mỗi trang sẽ có mức giá khác nhau. Có nick chỉ được bán với giá vài trăm ngàn, nhưng có những nick hoặc trang cá nhân bán với giá hàng chục triệu đồng. Trong số đó, có một số không nhỏ là nick ăn cắp. 

Cuối tháng 7 vừa qua, cộng đồng mạng tại Việt Nam xôn xao khi trang Facebook chính thức (có dấu tích xanh) của hậu vệ nổi tiếng người Bosnia Branislav Ivanovic đã bị hacker Việt Nam chiếm đoạt sử dụng để phát livestream bán hàng trực tuyến áo quần và các phụ kiện thời trang.

Gần đây, người dùng Facebook càng ghi nhận tình trạng xuất hiện nhiều nick bán hàng onine, chuyên livestream nhưng nguồn gốc... từ nước ngoài. Hàng loạt nick có tick xanh, là thành viên nhóm nhạc, chuyên gia trang điểm, stylist... từ các nước Âu Mỹ, bỗng dưng trở thành các tài khoản chuyên livestream bán quần áo, mỹ phẩm, thậm chí kem trộn Việt Nam. 

Thủ đoạn của hacker là nhắm đến các trang có tick xanh nước ngoài, tấn công, chiếm quyền sở hữu sau đó bán lại hoặc cho các nhà bán hàng online có livestream tại Việt Nam thuê. Số tiền bán tùy thuộc vào độ nổi tiếng của trang còn số tiền thuê cho mỗi lần livestream có thể từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy thuộc vào mức độ tương tác cũng như số lượng đơn hàng được chốt. 

Được biết, các nội dung livestream trên trang Facebook này được thiết lập chỉ để hiển thị với người dùng Facebook tại Việt Nam nhằm mục đích làm tăng tương tác với các khách hàng Việt Nam và có thể qua mặt được người dùng tại nước ngoài, tránh việc trang có thể bị gửi báo cáo dẫn đến khả năng bị thu hồi.

Không chỉ hack nick bán, nhiều đối tượng chuyên hack nick còn rao bán dịch vụ “hack nick” thuê. Dịch vụ này nhắm vào những đối tượng muốn đánh ghen, có mâu thuẫn nhau hoặc tranh đoạt lợi ích. Trong kinh doanh, có cả những trường hợp thuê hack trang bán hàng của đối thủ nhằm thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh. 

“Dịch vụ hack nick mặt nạ” do một người tự xưng là “chuyên gia mặt nạ” cung cấp. Khi được hỏi giá cho dịch vụ hack nick, người này trả lời “còn tùy vào độ bảo mật của nick”. Theo người này cho biết, với những nick cá nhân thông thường, tiền hack nick thuê trên dưới 1 triệu đồng.

Còn với trang bán hàng, nick người nổi tiếng có thể có giá hàng chục triệu, vài chục triệu đồng. “Kể cả nick có tick xanh chính chủ cũng hack được”, người này tuyên bố. Nhiều trường hợp, kẻ hack nick phát hiện những bí mật của nạn nhân liền “bỏ” người thuê, quay sang tống tiền chính nạn nhân.

Khi kẻ hack nick được tung hô

Nhiều người bỏ số tiền không nhỏ mua dấu tick xanh của các nhà cung cấp vì hiểu lầm có thể tăng bảo mật. Thực tế, cách làm này chỉ có tác dụng đánh dấu “chính chủ”, tránh bị báo cáo nick, còn lại không có hiệu quả ngăn chặn hacker. Thậm chí, tick xanh còn thu hút sự chú ý của hacker hơn bình thường. 

Như cách đây ít lâu, dư luận dậy sóng vì vụ việc cầu thủ Quang Hải bị hack nick tick xanh. Từ vụ hack nick này, lộ ra những thông tin riêng tư với những đoạn nói chuyện hết sức “nhạy cảm” được coi là của Quang Hải. Từ sự việc này, nam cầu thủ bị chỉ trích khá nhiều, uy tín bị ảnh hưởng đáng kể.

Quang Hải không phải là người nổi tiếng duy nhất bị hack nick, bị động phơi bày đời sống cá nhân lên mạng xã hội và truyền thông. Đã có không ít trường hợp các hot girl bị hack Facebook dẫn đến lộ clip nóng, hình ảnh riêng tư. Trước Quang Hải, nhiều sao Việt cũng từng khốn đốn vì bị hack Facebook như Khởi My, Đặng Thu Thảo, Khả Ngân, Đức Phúc, Nam Thư, Quế Vân, Lương Thế Thành…  

Nghệ sĩ Cát Tường còn bị hacker đòi tiền chuộc 20 triệu đồng để chuộc lại nick, nhưng chị cương quyết không đồng ý. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng đã phải chấp nhận thỏa hiệp với hacker bởi nhiều lý do: Sợ mất đi trang cá nhân, trang bán hàng hàng chục đến hàng trăm ngàn lượt theo dõi, hoặc sợ lộ những thông tin thầm kín, có nguy cơ ảnh hưởng đến danh dự và sự nghiệp. 

Có một điều oái oăm là không ít trường hợp người nổi tiếng bị đánh cắp nick, kẻ cắp tự ý phơi bày riêng tư lên mạng xã hội, nhưng thủ phạm không chỉ không bị lên án, còn được tung hô như người hùng. Như trường hợp của cầu thủ Quang Hải, không ít người cho rằng những gì Quang Hải phải gánh chịu là “đáng đời”, “tự làm tự chịu”.

Nhiều trường hợp người bị hack nick lộ ra những thông tin không hay, một bộ phận dư luận còn phong kẻ ăn cắp nick, tung thông tin là “anh hùng vô danh”, “thay trời hành đạo”… Một số hot girl bị hack nick, tung clip nóng, thủ phạm không hề bị lên án, ngược lại nạn nhân bị sự công kích mạnh mẽ của cộng đồng mạng…

Sự quản lý còn lỏng lẻo của cơ quan quản lý cùng với sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận người dùng mạng đã khiến những kẻ trộm cắp trên mạng cơ hội lộng hành, dùng nick, thông tin cá nhân - tức tài sản riêng của người khác để mua bán, lừa đảo, trục lợi. Hành vi này cần sự xử lý thật nghiêm.

Luật sư Bùi Thị Hiệp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: “Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo Điều 80 của Nghị định này, người có hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10-20 triệu đồng.
Mức phạt này sẽ dao động từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác…”.