Sâm Ngọc Linh - huyền thoại và sự thực (Kỳ 4): “Quốc bảo” của Việt Nam và những kỳ vọng hướng tới mục tiêu tỷ USD

(PLVN) - Với những vi chất và dinh dưỡng vượt trội so với nhiều loại sâm trên thế giới đã được các nhà khoa học chứng minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá sâm Ngọc Linh là “quốc bảo” của Việt Nam. Với tiềm năng sản phẩm, thị trường, sâm Ngọc Linh phải tiến tới mục tiêu tỷ USD giá trị sản xuất và xuất khẩu.
Sâm Ngọc Linh - huyền thoại và sự thực (Kỳ 4): “Quốc bảo” của Việt Nam và những kỳ vọng hướng tới mục tiêu tỷ USD

 Hy vọng mới cho ngành dược liệu

Ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, trong đó có sâm Ngọc Linh. Đây là điều kiện vô cùng cần thiết và thuận lợi để sâm Ngọc Linh bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Tại lễ khánh thành công trình xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh (ở thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) diễn ra vào chiều ngày 5/9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá sâm Ngọc Linh là “quốc bảo” của Việt Nam, một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu và cần gắn liền với quốc kế dân sinh. Sâm Ngọc Linh cần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, tạo ra các giá trị chữa bệnh và các giá trị khác, để làm sao hàng triệu người có thể sử dụng sâm Ngọc Linh.

Được biết, Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh là hạng mục đầu tiên thuộc dự án đầu tư Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh được Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Kon Tum.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu mô hình nhân giống sâm Ngọc Linh tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu mô hình nhân giống sâm Ngọc Linh tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh.

Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh là bước đi mới nhằm tập trung đẩy mạnh việc đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển cho sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu quý và đặc hữu, chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh.

Mục đích xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh nhằm đầu tư cơ sở vật chất, tập trung các nhà khoa học, phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh; phục vụ nhu cầu sản xuất hàng hóa với các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nhằm khai thác thế mạnh về sản phẩm đặc hữu của địa phương cũng như của Việt Nam, hướng đến xây dựng và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đây cũng là bước đi mới trong đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương dựa trên tác động về khoa học và công nghệ.

Ngày 6/9/2017, tại Hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác diễn ra tại TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sâm Ngọc Linh là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, hiện là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Thủ tướng lưu ý, dược phẩm, thực phẩm chức năng từ trước đến nay là sân chơi của các “ông lớn” - các cường quốc kinh tế và khoa học công nghệ như: Trung Quốc, nhóm OECD hoặc G7, G20. Do vậy, Việt Nam chỉ cạnh tranh thành công khi xác định được các lợi thế vượt trội.

“Với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của sâm Ngọc Linh, hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam. Mục tiêu không phải là một vài chục tỷ đồng sau mỗi phiên chợ mà phải tiến tới mục tiêu tỷ USD giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới. Điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào dự báo thị trường nhân sâm quốc tế với mức tăng trưởng rất cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Kỳ vọng

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để đạt được tầm nhìn và mục tiêu này, cần sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản, không để cho từng địa phương như: Kon Tum, Quảng Nam hoạt động manh mún hoặc “tự bơi” trong triển khai chiến lược. Vì vậy, cần lưu ý một số hướng đi và cách làm để phát triển ngành công nghiệp sâm Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, trước hết là tập trung vào sâm Ngọc Linh.

Đầu tiên, cách tiếp cận trong phát triển phải đúng. Yêu cầu đối với cây sâm Ngọc Linh là phải vừa bảo tồn, vừa phát triển, bảo tồn để phát triển có chiều sâu, đạt giá trị cao hơn. Ở giai đoạn đầu cần định dạng chiến lược sản phẩm theo hướng phát huy các giá trị vượt trội và tính chất khác biệt của sâm Ngọc Linh so với các loại sâm và sản phẩm tương tự. Hướng mục tiêu phát triển cây sâm Ngọc Linh đến những giá trị cao hơn, không chỉ là về mặt kinh tế mà còn đối với nền y học, góp phần cải thiện sức khỏe về thể chất và tinh thần, ưu tiên trước hết cho người Việt Nam.

Tiếp theo, khi đạt được các điều kiện về sản lượng, quy mô, về sự công nhận thương hiệu sâm Ngọc Linh đã vượt khỏi biên giới Việt Nam, cần có chiến lược đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm như cách Hàn Quốc đã làm. Phổ biến hóa nhưng không có nghĩa là hạ thấp giá trị của sâm Ngọc Linh. Thay vào đó cần định vị sâm Ngọc Linh ở phân khúc cao cấp.

Bảo vệ nguồn gen thuần chủng là tối quan trọng. Là nơi tìm ra sâm Ngọc Linh đầu tiên và cũng là nơi sinh trưởng tốt nhất cho sâm Ngọc Linh, núi Ngọc Linh được xem là “thánh địa” của sâm Ngọc Linh. Cần làm tốt chức năng chỉ dẫn địa lý cho sâm nhằm bảo hộ sản xuất và làm tăng giá trị của sâm Ngọc Linh.

Nhân viên chăm sóc cây sâm trong vườn sâm Ngọc Linh Tăk Ngo
 Nhân viên chăm sóc cây sâm trong vườn sâm Ngọc Linh Tăk Ngo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển sâm Ngọc Linh; đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chế biến nhân sâm, phát triển ngành công nghiệp sâm bằng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ có chọn lọc, đặc biệt khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh.

Đồng thời, không nên ngần ngại khi có cơ hội liên kết với các tập đoàn đa quốc gia; tận dụng các điều kiện, những nền tảng sẵn có về nghiên cứu và phát triển, về marketing, về quản trị và thị trường để đi tắt ra thị trường cao cấp. Qua đó, tạo ra sức lan tỏa nhanh chóng về thương hiệu sâm Ngọc Linh, tạo cú hích cho việc phát triển quy mô trồng, sản xuất và chế biến sâm Ngọc Linh trong nước.

Phải xây dựng bằng được những doanh nghiệp hạt nhân, có đủ tiềm lực và sức mạnh để trở thành những nhà tiên phong, đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh với các chủng loại sản phẩm phong phú có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm tương tự của các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đang hiện diện trên sân nhà; đồng thời phải từng bước vững chắc vươn ra thị trường quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, vốn và công nghệ là quan trọng, nhưng đối với sâm Ngọc Linh thì đất và rừng là hai yếu tố không thể thay thế. Người dân có đất và giữ rừng phải được hưởng lợi xứng đáng. Người dân, doanh nghiệp và chính quyền cần phối hợp chặt chẽ để giữ rừng, bởi nếu mất rừng thì không còn sâm Ngọc Linh.

(Còn nữa) 

Đọc thêm