Sâm Ngọc Linh huyền thoại và sự thực (Kỳ 6): Nóc tỷ phú dưới chân núi Ngọc Linh

(PLVN) - “Với người trồng sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, chuyện xây nhà tiêu tốn hàng tỷ đồng giờ là chuyện quá bình thường. Riêng nóc Tắk Lang 100% người dân đều trồng sâm Ngọc Linh, giờ họ không tỷ phú mới là chuyện lạ. Ở nóc này, từ những ngôi nhà chênh vênh bên sườn núi giờ đã có hơn 20 đại gia xây nhà to, hơn 10 gia đình mua ô tô tiền tỷ phục vụ việc đi lại”, Chủ tịch UBND xã Trà Linh Hồ Văn Thể cho biết.
Sâm Ngọc Linh huyền thoại và sự thực (Kỳ 6): Nóc tỷ phú dưới chân núi Ngọc Linh
LTS: Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới và chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Loại sâm này đặc biệt quý hiếm, nó hơn cả sâm Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ và được xem là “thần dược” đối với sức khỏe con người. Hiện tại, sâm Ngọc Linh có giá từ 70 - 150 triệu đồng/kg, nhiều củ sâm lớn có giá lên đến vài trăm triệu đồng/kg.

Giàu lên từ sâm

Sâm Ngọc Linh đã và đang giúp người dân huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) thực hiện khát vọng đổi đời. Hiện nay, toàn huyện có rất nhiều tỷ phú từ sâm. Trên 50 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có tài sản từ 20 tỷ đồng cho đến trên 500 tỷ đồng nhờ trồng sâm Ngọc Linh. Từ tỷ lệ hơn 82% hộ nghèo thì nay huyện Nam Trà My giảm còn chưa tới 65%; hàng trăm hộ thoát nghèo, hàng chục người thành tỷ phú.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, sâm Ngọc Linh đã và đang được đưa vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn huyện để người dân nơi đây hiểu về sâm từ tấm bé. Từ khi sâm Ngọc Linh được giới thiệu rộng rãi, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số giàu lên từ sâm. Nổi bật hơn hết là ở xã Trà Linh.

Thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Trà My cho thấy, tính đến cuối năm 2018, người dân ở xã Trà Linh đã gửi tiết kiệm gần 200 tỷ đồng, có nhà người gửi hàng chục tỷ đồng. Nguồn tiền đó có được đa số là tiền bán sâm Ngọc Linh. Nhưng đối với họ, đó chỉ là con số nhỏ, tài sản “khủng” hơn của các gia đình nằm trên những rẫy sâm bạt ngàn trên đỉnh Ngọc Linh.

Gần chục năm trước, về xã Trà Linh tìm cả buổi mới thấy một căn nhà đúng nghĩa, bởi hầu hết đều nghèo xơ xác. Nhưng nay, nhà cao tầng đã mọc san sát, đường ô tô cũng vào tận 4 thôn, 23 nóc của xã.

“Bao đời nay bà con đã chịu quá nhiều cực khổ, giờ được thần rừng ưu đãi, muốn cho con cái được hưởng những gì mà cha chú nó chỉ biết ao ước. Cũng là cách để cho con cháu thấy nguồn lợi lớn từ sâm Ngọc Linh, rồi tiếp tục gìn giữ và phát triển nó đời này sang đời khác. Như là của để dành mà mẹ rừng đã tặng cho người dân chúng tôi dưới dãy Ngọc Linh này”, ông Hồ Văn Du (ngụ nóc Măng Lùng, thôn 2, xã Trà Linh) cho biết. 

Cách đây hơn 4 năm, người dân được một phen trầm trồ khi ông Du bỏ ra 200 triệu đồng chỉ để xây nhà vệ sinh khép kín. “Ban đầu họ thấy lạ và không tin đó là sự thật. Ai cũng nghĩ ở xứ núi này nhà ở còn chưa kiên cố, nói gì đến xây cái nhà vệ sinh hàng trăm triệu đồng. Nhưng với tôi, cái giá đó cũng hợp lý”, ông Du nói.

Theo ông Du, chuyện bỏ ra tiền tỷ chỉ để xây dựng những ngôi nhà cấp 4 không bất ngờ và cũng chẳng hoang phí. Chi phí gia tăng chủ yếu do công vận chuyển vật liệu. Thời điểm đó, cõng một bao xi măng từ trung tâm xã lên tới nơi cũng mất 3 tiếng đồng hồ.

Ông Du là một trong những người có thâm niên trồng sâm Ngọc Linh ở nóc Măng Lùng. Hiện tại, vườn sâm Ngọc Linh của ông Du có gần 130.000 gốc, trong đó trên 10.000 cây hơn 10 năm tuổi. Ước tính cả vườn của ông có khoảng 6,5 tấn sâm củ, tương đương 300 tỷ đồng.

Ông Du tâm sự, núi Ngọc Linh đã thành quê hương thứ hai và ông quyết không hạ sơn, ăn ngủ cùng sâm cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Trong ký ức những ngày khốn khó, với ông Du, con đường mòn lội bộ cắt rừng vượt dốc hơn 3 ngày từ xã Trà Mai (huyện Nam Trà My có 10 xã, chưa có thị trấn và xã Trà Mai là huyện lỵ của huyện Nam Trà My) biết bao kinh hoàng. Còn bây giờ, đường ô tô đã về đến thôn làng của xã. 

“Nếu được hỗ trợ của dự án sâm Việt Nam, bà con sẽ cùng chung tay góp sức mở con đường về vùng sâm. Có con đường không chỉ phát triển sâm mà còn phát triển du lịch. Cảnh đẹp hoang sơ cùng với khí hậu mát lạnh quanh năm sẽ là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng”, ông Du nói.

Từ hộ nghèo...đến xây nhà tiền tỷ

Căn nhà xây khang trang có trị giá gần 1 tỷ đồng nằm ngay xã Trà Mai là căn nhà mới của gia đình ông Hồ Văn Bông (ngụ nóc Con Pin, thôn 3, xã Trà Linh). Có tiền từ sâm, gia đình ông Bông mua nhà ngay trung tâm huyện Nam Trà My cho con có nơi ở lại theo học. Ít ai biết rằng, trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo.

Vài chục năm trước khi ông bà cưới nhau, tài sản chỉ có mấy cái bát và một cái nồi. Thế nhưng hiện nay, với hàng trăm ngàn cây sâm Ngọc Linh hàng chục năm tuổi, ông đã có trong tay trên 50 tỷ đồng. 

“Niềm vui lớn nhất của tôi chính là 4 đứa con đều đã và đang có điều kiện tốt nhất để theo đuổi giấc mơ đến trường học chữ. Có được cuộc sống ngày hôm nay, tôi rất vui và cảm ơn chính quyền địa phương đã đánh thức thương hiệu cây sâm Ngọc Linh để người dân chúng tôi có cơ hội đổi đời”, ông Bông cho biết.

Ở xã Trà Linh, nhắc đến sự đổi đời của người dân nhờ sâm Ngọc Linh thì không thể thiếu người dân ở nóc Tắk Lang (thuộc thôn 3). Nóc Tắk Lang được người dân gọi là nóc tỷ phú, bởi các đại gia sở hữu những vườn sâm “khủng” đều đang an cư, lạc nghiệp ngay chính ngôi làng này.

Nóc Tắk Lang nằm cheo leo trên đỉnh núi, nơi 100% người dân trồng sâm Ngọc Linh. Nơi đây, nhà cao tầng đang mọc san sát. Trong ngôi làng này phải kể đến gia đình ông Hồ Văn Hình xây dựng cơ ngơi hoành tráng nhất vùng. Một dãy nhà kéo dài gần 100m được xây dựng liền kề. Đầu tiên là một nhà xe dành riêng chỉ để ô tô, tiếp đến nhà để xe máy, khu vực kế bên dùng chứa máy xay xát gạo, đến nhà kho, bếp nấu ăn và cạnh bên là ngôi nhà hai tầng rộng hơn 100m2, bên trong các phòng của ngôi nhà đều được lắp máy điều hòa.

Ông Hồ Văn Hinh - một đại gia sâm Ngọc Linh.
 Ông Hồ Văn Hinh - một đại gia sâm Ngọc Linh.

Phía dưới dãy nhà này là một bờ kè chống sạt lở cao hơn 5m xây bằng đá hết 2,4 tỷ đồng. Đó cũng là mức giá chung cho những hộ dân đang tiến hành xây nhà ở nóc Tắk Lang như gia đình ông Nguyễn Cao Bằng, ông Hồ Văn Long, ông Hồ Văn Thành... Những ngôi nhà chênh vênh trên sườn núi nay đã được gia cố bằng những bờ kè đá chắc chắn, nguy cơ sạt lở hầu như đã được khắc phục.

“Tổng số tiền đầu tư xây dựng dãy nhà này hơn 10 tỷ đồng. Việc xây dựng nhà cửa trên này đắt đỏ gấp 5 đến 10 lần so với đồng bằng, do quá trình vận chuyển vật liệu lên khó khăn. Việc tiền bạc hết bao nhiêu không quan trọng, miễn là mỗi khi trời mưa gió được ở trong ngôi nhà xây chắc chắn là được rồi. Đắt mấy tôi cũng chấp nhận”, ông Hình cho biết.

Để có được cơ ngơi này, ông Hình đã đổi hơn một tạ sâm loại 1 (loại 10 củ/kg); còn chiếc ô tô, ông mua trước Tết Nguyên đán vừa rồi, giá hơn 10kg sâm. Vườn sâm gia đình ông Hình trồng trên núi, khi cần mua sắm gì thì lên nhổ mang xuống bán hoặc đổi.

Theo ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh, từ khi giá sâm Ngọc Linh được đẩy lên cao, đời sống bà con đã thay đổi hẳn. Người ta nói, tiền đối với người dân trồng sâm là tiền núi, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Là tiền của họ nằm ở những luống sâm đang được chăm sóc ở núi, đem lại thu nhập vô cùng lớn cho bà con. Cũng từ đây, cuộc sống người dân trở nên khấm khá hơn, thụ hưởng được những tiện nghi mà trước giờ chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Nhiều hộ dân đã dùng tiền có từ sâm để xây dựng lại ngôi nhà của mình kiên cố hơn. 

“Với người trồng sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, chuyện xây nhà tiêu tốn hàng tỷ đồng giờ là chuyện quá bình thường. Riêng nóc Tắk Lang 100% người dân đều trồng sâm Ngọc Linh, giờ họ không tỷ phú mới là chuyện lạ. Ở nóc này, từ những ngôi nhà chênh vênh bên sườn núi giờ đã có hơn 20 đại gia xây nhà to, hơn 10 gia đình mua ô tô tiền tỷ phục vụ việc đi lại”, ông Thể cho biết.

(Còn nữa)

Đọc thêm