Lập chốt giữ sâm
Sâm Ngọc Linh đã và đang là sản phẩm giúp thay đổi cuộc sống người dân 2 huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) và huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) hiệu quả, đặc biệt khi mà giá trị sâm củ không ngừng tăng cao. Giữa đại ngàn núi cao rừng rậm, những cư dân sau hàng chục năm âm thầm với việc nhân trồng cây sâm Ngọc Linh nay đã tạo nên nhiều mô hình làm ăn vững chắc với loại cây dược liệu này. Và, những chốt sâm của họ giờ đây có thể gọi là những trại sâm với quy mô nhân trồng, những tiến bộ kỹ thuật, những cách bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.
Theo ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh (huyện Nam Trà My), chốt sâm nay trở thành một tên gọi quen thuộc, phổ biến. Nó chỉ định một cơ sở làm ăn, một nơi ở mới của dân làng trồng sâm Ngọc Linh ở Trà Linh. Hiện nay có 2 mô hình chốt sâm là chốt sâm gia đình và chốt sâm tập thể.
Chốt sâm tập thể là do một nhóm hộ trong làng lập nên để cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ươm trồng, chăm sóc cũng như hợp lực để xây dựng hệ thống rào chắn, cùng canh giữ ngày đêm để giữ gìn, bảo vệ phần sâm trồng trong chốt của nhau.
Chốt sâm gia đình quy tụ nhiều thành viên, thường là những con cái đã trưởng thành, đã có gia đình cùng với cha mẹ hợp tác trồng sâm. Cũng có những chốt sâm gia đình chỉ có một hộ, đó là những hộ có đủ năng lực cả về vốn xây dựng và nhân lực bảo vệ. Chốt sâm gia đình đang là mô hình được người trồng sâm ở Trà Linh phát triển mạnh.
Hầu hết những người trồng sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh giờ ai cũng coi mái nhà ở trại sâm như là chỗ ở thứ hai, nhưng lại sống ở đó nhiều hơn là sống ở mái nhà ở làng của họ. “Tôi làm cái nhà lầu lớn lắm nhưng không ai ở, cả nhà đều vô chốt sâm trong núi để trông coi. Tết vừa rồi nhà tôi cũng ăn tết ở đây, thỉnh thoảng mới đưa người về nhà và mua sắm thức ăn mang lên trên này”, ông Hồ Văn Hình (ngụ thôn 3, xã Trà Linh) cho biết.
Người trồng sâm đặt máy cảnh báo tự động chống trộm. |
Theo ông Hình, bảo vệ sâm là phần việc quan trọng với người trồng sâm hiện nay. Ngoài rào chông, bẫy, người trồng sâm còn phải giăng lưới kẽm B40, giăng dây kẽm gai dựa vô trụ sắt, trụ xi măng, cây rừng, dùng tôn bao vòng quanh chốt, đặt các loại chuông báo động. Rào một cái chốt sâm tốn 200 - 300 triệu đồng, còn cái chốt lớn hơn thì tốn cả tỷ đồng.
Ở xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), sâm Ngọc Linh chủ yếu được trồng dưới những cánh rừng cổ thụ trên đỉnh núi. Toàn xã có khoảng 200 hộ dân tự trồng sâm, người ít vài chục gốc, người nhiều hàng trăm gốc. Họ trồng theo tổ nhóm để cùng chăm sóc, bảo vệ.
Trên diện tích đất tương đối bằng phẳng, chúng tôi cảm nhận được cái mát lạnh của không khí trong lành dưới tán rừng. Những luống sâm cong hình mu rùa, rộng 0,8 - 1,0m, cao 0,2 - 0,3m, dài không quá 10m theo hướng đường đồng mức để hạn chế xói mòn.
Một trong những hộ dân trồng sâm Ngọc Linh và đã thu được “quả ngọt” là hộ ông A Sinh - Trưởng thôn Pú Tá. Mới đây, gia đình ông bán 1kg sâm Ngọc Linh 6 năm tuổi, với giá 65 triệu đồng. Hiện ông Sinh còn khoảng 200 cây và 400 hạt sâm đang ươm chuẩn bị nảy mầm.
“Tôi trồng sâm Ngọc Linh được hơn 6 năm. Để có sâm giống trồng, gia đình bán 2 con trâu giá 34 triệu đồng, rồi xuống tỉnh Quảng Nam mua 300 gốc sâm, ngoài ra hàng tháng còn lội rừng kiếm cây con về ươm. Không chỉ tôi, thôn có gần 60 hộ thì hộ nào cũng có trồng sâm Ngọc Linh. Hộ nhiều nhất hơn 950 cây. Chúng tôi hiểu được giá trị của sâm nên lập chốt canh gác rất nghiêm ngặt, không phải ai muốn vào cũng được. Có như vậy mới bảo vệ được vườn sâm của chúng tôi”, ông Sinh cho biết.
Theo ông Sinh, diện tích rừng trên địa bàn có thể trồng sâm dưới tán rừng còn rất nhiều. Người dân cũng muốn mở rộng diện tích nhưng ngặt nỗi không có cây giống nên trồng cầm chừng. Cây nào cho quả thì dân chờ chín hái, sau đó tự ươm rồi lấy cây giống để trồng.
Bây giờ, người trồng sâm Ngọc Linh đã tiến bộ nhiều về kỹ thuật. Khó kể ra hết những gì họ đã tìm tòi học hỏi hay tự thân mò mẫm trong quá trình ươm trồng, chăm sóc loại cây dược quý nhưng cũng hết sức “khó tính” này. Thu hoạch được những củ sâm lớn tưởng chừng khó có được, cho thấy người trồng sâm đã những kỹ thuật trồng trọt hợp với tự nhiên nhất.
Đáng nói là nay bà con đã giảm rất nhiều tình trạng bán sâm non vốn rất phổ biến trước đây. Nhờ vậy củ sâm đến tuổi khai thác (6 - 7 năm) và cả đến vượt tuổi khai thác, đã cho người trồng có được nhiều hạt sâm để ươm cây con và bán. Đến khi khai thác, người trồng lại có được củ sâm lớn, có chất lượng hơn nên giá cả cũng cao hơn.
Giữ rừng để trồng sâm
Nhiều năm nay, do thấy sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng có giá trị lớn, người trồng sâm trên đỉnh Ngọc xem rừng là báu vật ra sức gìn giữ, bảo vệ. Nhờ thế, những cánh rừng được khoanh nuôi để trồng sâm đều xanh tươi.
Theo ông Sinh, mỗi hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng là một người bảo vệ rừng thực thụ. Vậy nên dù trên núi có nhiều loại gỗ quý, có cây to bằng 2 - 3 người ôm nhưng chẳng ai đụng vào. “Có câu rừng vàng, biển bạc, nhưng ở đây rừng quý hơn cả vàng vì trồng được sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Dân đang kỳ vọng rừng giúp cuộc sống đổi đời, chả ai phá rừng”, ông Sinh cho biết.
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông A Hơn cho biết, trên địa bàn huyện có 6 xã có thể trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Hiện 3 xã trồng nhiều sâm Ngọc Linh là Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây, với khoảng hơn 500 hộ trồng. Dân bán trâu, bò để mua hoặc tự ươm giống sâm…
Huyện Tu Mơ Rông đã có đề án phát triển sâm Ngọc Linh và đang xây dựng phương án cho thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để bảo vệ, phát triển rừng, kết hợp phát triển sâm Ngọc Linh. UBND huyện cũng đã giao cho các xã phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng đề án cho thuê rừng cũng như rà soát các hộ dân có nhu cầu thuê đất rừng trồng sâm Ngọc Linh.
Nếu việc cho thuê rừng được triển khai, người dân được trồng sâm dưới tán rừng và tận thu mật ong. Đổi lại, người dân phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Tùy theo tình hình, nếu các hộ khó khăn quá thì có thể miễn hoặc giảm tiền thuê rừng.
“Diện tích rừng trên địa bàn có thể trồng sâm hiện còn rất lớn, nằm trải dài ở 6 xã. Trong những diện tích đó, cũng có diện tích thuộc xã quản lý. Tuy nhiên ở các xã, nhân lực còn hạn chế nên việc giữ rừng rất khó. Nếu sau này đề án cho thuê rừng được triển khai, những cánh rừng này khi cho người dân thuê trồng sâm, không chỉ nâng cao đời sống người dân mà chắc chắn rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn”, ông Hơn cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam có hơn 6.711ha rừng vùng đệm và hơn 8.856ha rừng vùng lõi. Vùng đệm tương ứng độ cao từ 1.200 - 1.500m, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu, tạo điều kiện thích nghi để giúp phát triển cây sâm trong vùng lõi, đồng thời hình thành môi trường phù hợp để mở rộng vùng di thực cây sâm Ngọc Linh. Vùng lõi có độ cao từ 1.500m trở lên, bao gồm toàn bộ diện tích rừng tự nhiên nhằm bảo tồn và phát triển cây sâm.
Trên cơ sở tình trạng đất rừng, tỉnh Quảng Nam đề ra các giải pháp nâng cao độ che phủ của rừng ở vùng đệm như: giao khoán quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi, làm giàu rừng, xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, không khai thác gỗ trong vùng đệm.
Ðối với vùng lõi, yêu cầu bảo đảm đủ điều kiện thích nghi phát triển cho cây sâm về trạng thái rừng, độ che phủ, điều kiện đất đai, khí hậu và nhất là phải được bảo toàn nguyên vẹn, quản lý nghiêm ngặt. Trong vùng lõi chỉ được trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại các vị trí phù hợp đã được xác định, thực hiện các giải pháp nâng cao độ che phủ của rừng.
Nhiều chuyên gia dược liệu cho rằng, quy hoạch nêu trên sẽ tạo cú huých cho huyện Nam Trà My bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và nâng cao đời sống của gần 6.000 hộ dân trong vùng quy hoạch.
Thời gian qua, UBND huyện Nam Trà My đã tập trung tái tạo và trồng mới rừng tại vùng đệm. Ðể phát triển rừng một cách tự nguyện, chính quyền đã cấp sổ đất rừng đến từng hộ dân, người dân tự nguyện liên kết thành nhóm bảo vệ và phát triển rừng, được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước.
UBND huyện Nam Trà My còn xây dựng nhiều vườn ươm trong nhân dân để trồng mới hàng triệu cây rừng có giá trị như: cây dổi, cây sơn tra, sao đen… trên nương rẫy, trong các khu rừng nghèo để dần hình thành khu rừng vòng ngoài che chắn cho vùng lõi quy hoạch sâm.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết, không ai giữ rừng tốt bằng người dân bản địa. Khi được giao rừng, người dân tích cực chăm sóc và phát triển rừng một cách tự nguyện. Nếu như trước đây, còn có tình trạng đốt rừng làm rẫy thì hiện nay, người dân biết giữ rừng, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng sâm Ngọc Linh.
4 năm nay, sau khi được cấp sổ đỏ, người dân ở các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam đã tự giác thành lập các nhóm gia đình trồng cây phát triển rừng, thành lập các chốt trong rừng để trồng sâm và ngăn người lạ vào khai thác trái phép gỗ, cây dược liệu. Chủ trương giao rừng đã nhận được sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân. Dự kiến, đến năm 2020, độ che phủ rừng trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt 65%, năm 2025 đạt 80%.
Tại vùng lõi, một phần diện tích được giao cho người dân bản địa đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, một phần chính quyền cho doanh nghiệp thuê môi trường rừng để trồng sâm. Dịch vụ môi trường rừng cung cấp các dịch vụ bảo vệ đất, duy trì nguồn nước, bảo vệ cảnh quan thiên thiên... Doanh nghiệp thuê môi trường rừng phải trả tiền thuê và cam kết trả lại môi trường rừng như lúc đầu sau khi hết thời hạn thuê.
(Kỳ tới: Chuột sâm Ngọc Linh - món "đặc sản" quý hiếm, bổ dưỡng)