Sâm Ngọc Linh huyền thoại và sự thực (Kỳ 9): Liên kết, mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh

(PLVN) - Giá bán sâm củ Ngọc Linh ngày càng tăng cao, nhờ thế đời sống người trồng sâm được cải thiện, nhiều hộ thu được hàng tỷ đồng từ sâm Ngọc Linh. Cũng vì vậy mà người dân đã biết liên kết, mở rộng diện tích trồng sâm. Dù vậy, lâu nay sâm Ngọc Linh vẫn chưa được khai thác hết giá trị vốn có của nó. 
Người dân liên kết, mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh.
Người dân liên kết, mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh.

Do đó, để quốc bảo này thật sự trở thành quốc kế dân sinh cho người dân, cho doanh nghiệp, cho đất nước thì cần phát triển chuỗi giá trị đối với cây dược liệu quý hiếm này.

Mở rộng diện tích trồng sâm

Năm 2013, UBND tỉnh Kon Tum đã công bố quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2025, với diện tích quy hoạch là 31.742 hecta. Trong đó, vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500m trở lên gần 17.000 hecta; vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm có 14.754 hecta, độ cao từ 1.200-1.500m.

Đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 1.000 hecta, với sản lượng ước tính 190 tấn/năm. Đến năm 2025, tỉnh Kon Tum sẽ trồng hơn 9.343 hecta với quy mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800 hecta và từng bước trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác.

Hiện tại, tỉnh Kon Tum đã phát triển trên 550 hecta sâm Ngọc Linh, trong đó Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum có gần 500 hecta, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô khoảng 17 hecta, còn lại là diện tích của người dân trồng.

Theo Quyết định 2465/QĐ-SHTT ngày 30/7/2018 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại tỉnh Kon Tum vùng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh từ các xã ban đầu được công nhận năm 2016 là Ngọc Lây và Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), nay được mở rộng thêm các xã: Ngọc Linh, Mường Hoong, Xốp (huyện Đăk Glei), Đăk Na, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông). 

Khi biết được thông tin trên, UBND xã Ngọc Linh đã yêu cầu các thôn  tổng hợp số liệu báo cáo. Đến nay, 17 thôn của xã có khoảng 200 hộ dân liên kết tạo thành nhóm, hoặc tổ hợp hộ tự tìm, chia sẻ kinh nghiệm gầy giống và trồng được khoảng 1ha sâm củ Ngọc Linh tự nhiên dưới tán rừng nguyên sinh.

Triển lãm “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Triển lãm “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 

Anh A Túc (Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh, kiêm Tổ trưởng Tổ hợp hộ quản lý vườn sâm Ngọc Linh thôn Tu Răng) rất vui mừng, vì hơn 30 năm kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh của anh đã có đất dùng đến.

Anh kể, năm 1978, khi học lớp 5 đã đi rừng cùng cha, thấy củ cây sâm quý đào để dành trong nhà, không ai biết đó là củ gì. Những lúc giáp hạt, nhà thiếu lương thực, củ sâm Ngọc Linh tự nhiên được cha mẹ lấy ra nấu nước uống cầm hơi, người khỏe trở lại. 

Sau này, tư thương vào tận xã tìm mua, anh cũng đi rừng nhổ củ sâm quý, bán được 80.000 - 200.000 đồng/kg tùy củ lớn hoặc nhỏ. Số tiền này, anh đưa cha mẹ mua gạo muối, cá mắm cho cả nhà. Mãi đến tận năm 1992, gia đình anh mới biết cây sâm Ngọc Linh là cây thuốc quý. Cũng năm đó, cả nhà đi rừng chịu đói rét gần 10 ngày, gùi về 3,2kg củ sâm, bán được 680.000 đồng. Số tiền này mua được chiếc máy khâu cho mẹ để may vá quần áo cho anh chị em trong nhà.

Nhờ sâm mà A Túc có điều kiện theo học hết phổ thông, trở thành cán bộ nhà nước. Năm 2010, về UBND xã Ngọc Linh công tác, nhiều doanh nghiệp có dự án trồng và bảo tồn sâm Ngọc Linh đã đến làm việc, đề nghị xã tuyên truyền, vận động bà con tìm nguồn sâm quý bán lại họ.

Từ những chuyến đi cùng các doanh nghiệp, anh đã có thêm thông tin, quyết định trở lại những cánh rừng nguyên sinh ngày nhỏ đi cùng cha tìm củ sâm, gầy lại vườn giống cho gia đình. Việc làm của anh dần dà được anh chị em ruột, bà con trong họ biết, đăng ký tham gia đi tìm, liên kết lập vườn chung. Đến nay, các hộ di thực, gộp sâm củ có tuổi đời 4-7 năm, thành vườn trồng diện tích khoảng 500m2.

Theo Chủ tịch UBND xã Mường Hoong Lê Bá Thế, địa phương này có gần 0,5 hecta cây sâm Ngọc Linh đang được khoảng 120 hộ tham gia mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, thông qua hình thức quản lý liên kết của 8 nhóm hộ và tổ hợp hộ.

Tổng diện tích vườn sâm trên, người dân tự tìm hạt giống tự nhiên ở rừng nguyên sinh để ươm thành những cây giống mới, tự di lý tập hợp cây trồng tại một diện tích nhất định, nhằm thuận tiện chăm sóc, tạo thành vườn sâm củ Ngọc Linh tự nhiên. 

Đơn cử như vườn sâm 50 cây của tổ hợp thôn Mô Po có 30 hộ chia thành 5 nhóm luân phiên bảo vệ, chăm sóc cây hàng tháng, dưới hình thức đổi công làm rẫy. Theo đó, mỗi nhóm 6 hộ trực thì mỗi nhà cử 1 người tự túc đưa lương thực thực phẩm đem sử dụng 2-5 ngày. Cách làm này vừa bảo vệ vườn cây chung, vừa chống trộm, vừa chống sự phá hoại của các con vật, côn trùng.

Liên kết để phát triển

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 7/2018, HĐND huyện Đăk Glei đã phê duyệt Nghị quyết 05/NQ-HĐND, về ban hành Đề án bảo tồn và hỗ trợ phát triển cây sâm Ngọc Linh tại các xã: Ngọc Linh, Mường Hoong, Xốp đạt 5 hecta đến năm 2020, định hướng đến 2030 nâng cao chuỗi giá trị bảo tồn và phát triển đạt 400 hecta, đảm bảo cung ứng giống sâm cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về giống, gắn với chuỗi sản xuất kinh doanh.

“Địa phương đã và đang phối hợp với các sở, ngành tham mưu chính sách kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư liên kết, phát triển dược liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó ưu tiên hàng đầu là sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Đây là các bước đi cần thiết, quan trọng để Nghị quyết 05 của huyện Đăk Glei từng bước cụ thể hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện Đăk Glei, tiến đến cùng các địa phương khác trong tỉnh xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh theo định hướng chỉ đạo của tỉnh”, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei Hoàng Trung Thông cho biết.

Cũng theo Quyết định 2465/QĐ-SHTT, tại tỉnh Quảng Nam vùng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh từ xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) được công nhận năm 2016, nay mở rộng thêm các xã: Trà Nam, Trà Cang, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng, Trà Lập (huyện Nam Trà My). 

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết, năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030, với tổng diện tích quy hoạch lên đến 15.568 hecta.

Trong đó, quy hoạch bảo tồn 2.238 hecta, quy hoạch phát triển 10.256 hecta; diện tích trồng và bảo tồn giai đoạn 2016-2020 đạt 665 hecta, giai đoạn 2020-2030 trồng khoảng từ 400-500 hecta /năm, diện tích khai thác ổn định hàng năm từ 200-300 hecta, sản lượng khai thác khoảng từ 150-200 tấn/năm. Hiện tại, diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My lên đến gần 1.300 hecta. 

“Hiện nay, người dân địa phương đã biết giữ rừng để trồng sâm Ngọc Linh, từng hộ dân biết tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, biết cách sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư trồng sâm, có hộ vay đến hàng tỷ đồng để trồng cây dược liệu này. Ðến nay, số hộ trồng sâm tại 7 xã lên đến hơn 1.500 hộ, với diện tích đăng ký trồng sâm hơn 2.500ha. Có 7 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm Ngọc Linh, với tổng diện tích đăng ký gần 300 hecta”, ông Bửu cho biết.

(Kỳ cuối: Phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh)

Đọc thêm