Phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh
Tại Diễn đàn Phát triển dân tộc thiểu số với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số” ngày 20/8/2018 tổ chức tại tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, cần chú trọng phát triển chuỗi giá trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ, trong đó nòng cốt là việc phát triển chiến lược sâm Ngọc Linh. Việc nghiên cứu hướng di thực và phát triển cây sâm Ngọc Linh ra vùng có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, thực hiện chiến lược phát triển sâm, xây dựng cây sâm Ngọc Linh cho xứng tầm với sản phẩm quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm.
Ðể phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh, cần đầu tư đồng bộ, từ cơ sở hạ tầng, cho đến giống sâm, di thực sâm và các sản phẩm từ sâm. Trước hết là tháo gỡ khó khăn về giống, bởi hiện chưa có nguồn giống chuẩn phục vụ trồng tạo vùng nguyên liệu hàng hóa.
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, để sâm Ngọc Linh phát triển thành sản phẩm hàng hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, cần phải tổ chức lại từ khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến các sản phẩm cuối cùng có giá trị gia tăng lớn.
Tính đến cuối năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã có 53 chốt sâm của người dân đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh trồng trong dân ước tính có hàng triệu cây với các độ tuổi khác nhau. Do chưa được tổ chức sản xuất chặt chẽ nên rất khó hướng dẫn sản xuất và quản lý, truy xuất nguồn gốc xuất xứ phục vụ cho sản xuất theo chuỗi. Vì vậy, trên cơ sở các nhóm hộ hợp tác sản xuất theo các chốt sâm hiện nay, cần hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất sâm Ngọc Linh, áp dụng rộng rãi mô hình hợp tác xã đối với các chốt sâm mới di thực mở rộng trong vùng chỉ dẫn địa lý.
Để phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh, cần có sự hợp tác giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. |
Cũng tại diễn đàn, ông Lê Trí Thanh (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) cho rằng, việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp cần phải đảm bảo quyền lợi giữa các bên để hình thành, phát triển chuỗi giá trị. Cần hỗ trợ đồng bào vùng sâm xây dựng đề án, làm sao đưa sản phẩm vùng sâm vào hội chợ quốc tế. Công tác bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên thị trường thế giới là hết sức quan trọng. Thời gian tới, ít nhất phải đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh ở 5 quốc gia.
Trong khi đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh theo chuỗi giá trị. Theo đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với các tổ chức chuyên nghiệp về công nghệ thông tin, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để từng bước xây dựng và tổ chức thực hiện việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 có 100% các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh Kon Tum và dược liệu trên thị trường có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Trong sản xuất sâm Ngọc Linh và các dược liệu, tỉnh Kon Tum chủ trương lấy doanh nghiệp làm hạt nhân để xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển gắn với chế biến sâu, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và phân phối dược liệu có sự tham gia của người dân; ưu tiên các doanh nghiệp có ứng dụng khoa học công nghệ cao và sử dụng lao động tại chỗ để thực hiện các dự án.
Việc đầu tư phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đơn thuần, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi, miền xuôi và góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, để việc xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh đạt kết quả như mong muốn, trước hết cần phát triển trồng trọt chuẩn, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, bảo đảm nguồn gen. Đồng thời, phải có sự hợp tác giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân dưới sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.
Kỳ vọng làm nên dấu ấn lịch sử mới
Ngày 20/1/2019, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai mạc triển lãm “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội). Đây là lần đầu tiên 200 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về cây sâm Ngọc Linh được ra mắt người dân Hà Nội. Triển lãm diễn ra trong thời gian 11 tháng, đến ngày 20/12/2019.
Triển lãm tái hiện hình ảnh về môi trường, cảnh quan, sự đa dạng sinh học của vùng rừng núi Ngọc Linh, không gian sinh tồn của sâm Ngọc Linh; lịch sử phát hiện, nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen gốc, nhân giống và phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng; giá trị đặc biệt và những chế phẩm của sâm Ngọc Linh; phát triển sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh, giải quyết các vấn đề về việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum…
Triển lãm là một hoạt động nhằm giới thiệu đến đông đảo nhân dân thủ đô và đông đảo du khách trong cũng như ngoài nước về những nét đặc trưng trong mạch nguồn văn hóa các dân tộc Kon Tum. Thông qua triển lãm, tỉnh Kon Tum định vị thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nhất là các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Người dân liên kết, mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tổ chức triển lãm “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đúng đắn, hợp lý. Tại đây, đã trưng bày nhiều hiện vật xuyên suốt quá trình xây dựng và đấu tranh bảo vệ đất nước. Vì vậy việc xây dựng sản phẩm mang tính quốc gia được trưng bày tại đây cũng là để tôn vinh sản phẩm thuộc vào hàng quốc bảo như cây sâm Ngọc Linh.
Triển lãm này là bước đi kịp thời của tỉnh Kon Tum nhằm phát triển, giới thiệu ra toàn quốc và thế giới. Để sâm Ngọc Linh từ quốc bảo thành quốc kế dân sinh, cần xây dựng chiến lược tổng thể; đồng thời làm tốt tất cả các khía cạnh, thông tin truyền thông, định hướng phát triển, phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, có thể đem lại giá trị độc đáo cho hình ảnh của quốc gia như sâm Hàn Quốc và yếu tố hấp dẫn du lịch.
“Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam, tinh hoa trời đất ban tặng cho chúng ta. Do đó, chúng ta có sứ mệnh lớn lao phải gìn giữ, bảo tồn và phát triển quốc bảo này trở thành quốc kế dân sinh cho người dân, cho doanh nghiệp, cho đất nước. Tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng, sâm Ngọc Linh sẽ làm nên dấu ấn lịch sử mới cho ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng, đưa Kon Tum, Quảng Nam trở thành một địa chỉ hấp dẫn về địa lý cho thương hiệu sâm Ngọc Linh Việt Nam mang tầm quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.