Sâm Ngọc Linh - “thần dược” đối với sức khỏe con người (Kỳ 1): Nguồn gốc và tác dụng “thần kỳ” của sâm Ngọc Linh

(PLVN) - Từ rất lâu, sâm Ngọc Linh đã được đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng trong những bài thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, mãi đến năm 1973, các nhà khoa học mới phát hiện loại sâm này và chính thức lấy tên là sâm Ngọc Linh…
Sâm Ngọc Linh -  “thần dược” đối với sức khỏe con người (Kỳ 1): Nguồn gốc và tác dụng “thần kỳ” của sâm Ngọc Linh

LTS: Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới và chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Loại sâm này đặc biệt quý hiếm và được xem là “thần dược” đối với sức khỏe con người. 

Đi tìm nguồn gốc sâm Ngọc Linh

Một trong những niềm tự hào và cũng là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với nền y học thế giới đó là sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh được đánh giá là loại sâm tốt nhất thế giới hiện nay. Đây là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, chỉ mọc ở nơi có độ cao từ 1.200m trở lên, được phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh (thuộc địa phận tỉnh Kon Tum). 

Thật ra, việc nói sâm Ngọc Linh được phát hiện vào năm 1973 chỉ là phát hiện đối với giới y học. Bởi trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, loại sâm này đã được đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng sử dụng như một loại thuốc trong những bài thuốc cổ truyền như: cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, thuốc trị sốt rét, đau bụng... Người Xê Đăng gọi loại sâm này là củ ngải rọm con, hay cây thuốc gấu.

Dựa trên những thông tin lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại 2 tỉnh Quảng Nam, Kon Tum về một loại củ quý hiếm trên núi Ngọc Linh có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người và do nhu cầu của kháng chiến, ngành dược khu Trung Trung bộ quyết phải tìm ra cây sâm chi (pháp danh khoa học là Panax) tại khu vực này, mặc dù trước đó nhiều nhà khoa học cho rằng chi Panax chỉ có ở miền Bắc.

Năm 1973, một tổ 4 cán bộ gồm dược sĩ Đào Kim Long làm Trưởng đoàn đi điều tra về loại sâm quý hiếm này theo hướng chân núi Ngọc Linh (thuộc huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum). Khi đoàn lên tỉnh Kon Tum, Ban Dân y Kon Tum cử thêm dược tá Nguyễn Thị Lê trợ giúp, dẫn đường lên núi Ngọc Linh. 

Sau nhiều ngày vượt suối băng rừng, đến ngày 19/3/1973, ở độ cao 1.800m so với mặt nước biển, đoàn đã phát hiện 2 cây sâm đầu tiên. Đến chiều cùng ngày, đoàn phát hiện được một vùng sâm rộng lớn thuộc phía Tây núi Ngọc Linh. Sau 15 ngày nghiên cứu toàn diện về hình thái, sinh thái, quần thể, phân bố, dược sĩ Đào Kim Long đã xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Núi Ngọc Linh có độ cao khoảng 800 - 2.800m, là nơi phát hiện loại sâm đặc biệt quý hiếm.
 Núi Ngọc Linh có độ cao khoảng 800 - 2.800m, là nơi phát hiện loại sâm đặc biệt quý hiếm.

Đặc điểm của sâm Ngọc Linh là một loại cây thân thảo sống lâu năm, cao 40-100cm, thân rễ có sẹo và các đốt như đốt trúc. Cây có dạng thân khí sinh thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, nhỏ, có đường kính thân độ 4-8mm. Thân rễ mọc bò ngang như củ hoàng tinh trên hoặc dưới mặt đất độ 1-3cm, mang nhiều rễ nhánh và củ. 

Các thân mang lá và tương ứng là một đốt dài khoảng 0,5 cm. Trên đỉnh của thân là lá kép hình chân vịt mọc vòng với 3-5 nhánh lá. Cuống lá kép dài 6-12mm, mang 5 lá chét. Lá chét ở chính giữa lớn hơn cả, với độ dài 12-15 cm, rộng 3-4 cm.

Sau khi sâm được phát hiện, Khu ủy Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng dược Trung Trung bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong kháng chiến; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Việt Nam nghiên cứu.

Năm 1979, Ty Y tế Quảng Nam (bây giờ là Sở Y tế Quảng Nam) tổ chức điều tra ở 5 xã của huyện Trà My (năm 2003 chia thành 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My) với sự giúp đỡ của Đại học Y Dược TP.HCM. Kết quả đợt điều tra là việc tìm thấy 1.337 cây sâm trong 211 ô tiêu chuẩn. Số thân rễ có trên 10 sẹo (ước tính trên 8 năm tuổi) là 36,9%. 

Đợt điều tra này đã thu được một thân rễ có tới 52 sẹo (ước tính cây trên 50 năm tuổi). Tuy nhiên, đây chưa phải là thân rễ sống lâu nhất, trong những đợt tìm kiếm, điều tra về sau còn phát hiện ra cây khoảng 82 năm tuổi.

Tác dụng “thần kỳ”

Theo kết quả nghiên cứu năm 1978 của Bộ Y tế, phần thân, rễ của sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác. Những kết quả nghiên cứu, phân loại thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất. 

Nói thêm rằng, saponin là một chất giúp thanh lọc mạch máu và các cơ quan trong cơ thể. Saponin được biết đến là một trong những thành phần hóa học của các loại thảo mộc rất có lợi cho sức khỏe của con người. Saponin trong nhân sâm là những loại vô cùng đặc biệt, có công dụng mạnh hơn rất nhiều so với các loại cây thông thường. Và với mỗi loại thành phần saponin riêng lại cho những công dụng đặc biệt, cụ thể.

Ngoài thành phần chính là saponin, trong sâm Ngọc Linh còn có 14 axít béo, 16 axít amin (trong đó có 8 axít amin không thay thế được) và 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng. Xét về hàm lượng thu suất toàn phần, sâm Ngọc Linh còn vượt trội hơn hẳn khi hàm lượng cao hơn 3 lần sâm Triều Tiên, gấp hơn 2 lần sâm Trung Quốc và Mỹ.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam, người đã tham gia công tác bảo tồn sâm Ngọc Linh từng cho biết, những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm cho thấy sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, bảo vệ tế bào gan.

Với bệnh nhân bị ung thư, sâm Ngọc Linh được coi là “thần dược”, giúp người bệnh tăng cường hệ miễn dịch, giảm đau, giảm các tác dụng không mong muốn của liệu pháp xạ trị, hoá trị như: ăn ngủ kém, rụng tóc, da khô, thiếu máu... nâng cao thể trạng, kéo dài sự sống.

Sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh.
 Sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh.

Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt như: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. 

Theo dược sĩ Đào Kim Long, ngoài những công dụng như trên, sâm Ngọc Linh còn có những tính năng như: tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. 

Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxi hóa và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.

Ngoài những tác dụng trên, sâm Ngọc Linh còn ẩn chứa đặc tính nổi trội là có thể sử dụng dài ngày mà không bị ảnh hưởng bởi các độc tính. Qua nhiều cuộc nghiên cứu, sâm Ngọc Linh được đánh giá là sản phẩm “thần dược”.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, loại sâm này không nên dùng cho phụ nữ mang thai vì nó làm tăng nội tiết tố sinh dục, dễ gây co bóp thành tử cung, ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Sâm có tính mát nên những người đang bị đau bụng thể hàn như: tiêu chảy, lạnh bụng… tránh sử dụng. Tránh dùng sâm ngay trước khi ngủ vì sẽ khiến cơ thể tỉnh táo, bồn chồn, phấn khích khó đi vào giấc ngủ.

Trẻ sơ sinh không nên dùng sâm Ngọc Linh vì cơ thể còn yếu ớt khó có thể hấp thụ được lượng dưỡng chất dồi dào từ sâm. Sâm Ngọc Linh rất tốt với trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, nhưng muốn sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Với những trẻ dưới 16 tuổi phát triển thể chất bình thường, khỏe mạnh thì không nên sử dụng sâm vì có thể gây xáo trộn quá trình dậy thì của trẻ.

(Còn nữa)

Đọc thêm