Sân chơi công bằng giữa xe công nghệ và taxi truyền thống: Phải được tạo ra bằng pháp luật

(PLVN) - Từ ngày 1/4/2020, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô bắt đầu có hiệu lực. Những quy định mới này được cho là đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng xe công nghệ và taxi truyền thống.

Tạo cơ sở cạnh tranh công bằng

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, trên cả nước có số lượng phương tiện tham gia vận tải hành khách theo dạng hợp đồng điện tử tăng đột biến. Kéo theo đó là tình trạng loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt. Trong đó không thể không kể đến vụ kiện của Vinasun với Grab trong suốt thời gian dài.

Nhằm giải quyết những bất cập này, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, Bộ GTVT đã xây dựng hành lang pháp lý mới, được quy định trong Nghị định số 10 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cùng với đó, Bộ GTVT cũng quyết định kết thúc việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Điểm đáng chú ý của quy định mới này là tách bạch rõ giữa hai hình thức doanh nghiệp kinh doanh vận tải và doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải. Nghị định này đã tác động không nhỏ đến thị trường vận tải xe công nghệ nói riêng, ngành vận tải nói chung.

Các quy định mới này ra đời nhằm đảm bảo công bằng về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Đặc biệt tạo môi trường cạnh tranh công bằng, tăng cơ hội kinh doanh giữa các hãng xe công nghệ và taxi truyền thống.

Theo đó, các hãng xe công nghệ chỉ được chọn một trong hai mô hình: hoặc trở thành đơn vị cung ứng phần mềm (không được quyết định giá cước vận tải), hoặc là đơn vị kinh doanh vận tải (buộc tuân thủ các quy định về kinh doanh vận tải tại Việt Nam).

Do đó, các hãng xe công nghệ nếu chọn hình thức kinh doanh vận tải thì xe phải được gắn logo, phù hiệu... như quy định mới. Việc tách bạch rõ ràng này cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh quyết liệt hơn khiến các đơn vị kinh doanh không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến trong phục vụ...

Bên cạnh đó, một ưu điểm khác của Nghị định 10 là cho phép xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi. Một xe taxi có thể sử dụng đồng hồ tính tiền và phần mềm tính tiền, nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và kết thúc chuyến đi phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nói chung mà còn giúp các doanh nghiệp giám sát chặt chẽ hơn tài xế của mình.

Sau khi các quy định được phổ biến, các hãng xe công nghệ cho biết vẫn hoạt động bình thường sau ngày 1/4. Đại diện đơn vị Grab cho biết đang nghiên cứu Nghị định 10 để lựa chọn mô hình hoạt động tốt nhất cho mình, đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động mới. 

Lãnh đạo FastGo cũng cho biết sẽ nghiêm túc thực hiện Nghị định 10, trong đó ưu tiên lựa chọn theo mô hình ứng dụng kết nối vận tải. Bởi theo đại diện FastGo, đơn vị này sẽ cung cấp ứng dụng giúp doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải quản lý đối tác, tài xế.

Còn các chủ xe tự mình quyết định chọn chạy taxi hay chạy xe hợp đồng. Nếu chạy taxi thì tài xế tham gia vào các hãng taxi, còn chạy hợp đồng thì họ tham gia vào các hợp tác xã vận tải. Đại diện đơn vị cũng hy vọng sớm có Thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về một số quy định và ràng buộc cụ thể để các doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng các quy định trong quá trình hoạt động.

Nhiều ý kiến băn khoăn

Khi Nghị định 10 chính thức đi vào hoạt động từ 1/4/2020, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau được phản hồi lại. Trả lời phóng viên, một tài xế taxi công nghệ cho biết: “Trong thời gian giãn cách xã hội này, chúng tôi làm ăn rất khó khăn. Tôi vẫn rất hoang mang về quy định mới này, hi vọng rằng các cơ quan chức năng và phía công ty sẽ có những văn bản cụ thể hơn và những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho chúng tôi”.

“Sau khi các ứng dụng đặt xe công nghệ ra đời, không thể phủ nhận được những tiện ích mà loại hình này đem lại cho khách hàng. Tuy nhiên, dịch vụ này cũng còn rất nhiều bất cập nhất là tình trạng tăng giá đột ngột vào những thời điểm như giờ cao điểm, ngày lễ… Thế nên, tôi hy vọng khi có quy định mới này Nhà nước có thể quản lý sát sao hơn hoạt động của các công ty này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi sử dụng”, một người dân cũng cho biết.

Trao đổi với truyền thông, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đã từng góp ý với Bộ GTVT trước khi trình luật rằng nên tham khảo ý kiến người tiêu dùng, vì chính họ lựa chọn sử dụng và chi trả cho dịch vụ vận chuyển. Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết, hầu hết các trường hợp ý kiến của người tiêu dùng không được chú ý lắng nghe, hoặc có tham khảo nhưng ít được cân nhắc để điều chỉnh các quy định cho phù hợp.

Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: “Nói chung, với những yêu cầu của một nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Nghị định 10 đã cơ bản đáp ứng được dù vẫn còn nhiều điểm chưa thật sự hài lòng. Tuy nhiên, việc ban hành nghị định vào lúc này là cần thiết bởi công tác soạn thảo cũng đã kéo dài tới hơn 2 năm nay rồi, trong khi bối cảnh hiện nay rất cần có một nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 đã không còn phù hợp”.

Xe công nghệ, taxi phải dán phù hiệu

Các đơn vị cung cấp phần mềm đặt xe buộc phải lựa chọn là doanh nghiệp cung cấp phần mềm hoặc kinh doanh vận tải. Loại hình xe hợp đồng điện tử như GrabCar... ngoài việc dán phù hiệu xe hợp đồng cố định ở mặt trong kính trước của xe còn phải dán cố định cụm từ “xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu là 6cm x 20cm để nhận diện và quản lý.

Đối với taxi, ngoài phù hiệu xe taxi dán cố định trên kính trước thì được quyền lựa chọn giữa việc gắn hộp đèn có chữ taxi cố định trên nóc xe hoặc dán cố định cụm từ “xe taxi” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu 6cm x 20cm. Xe taxi được lựa chọn sử dụng đồng hồ tính tiền như hiện nay hoặc phần mềm tính tiền như xe hợp đồng điện tử.

Bộ GTVT sẽ ban hành Thông tư, trong đó có quy định và hướng dẫn thống nhất việc niêm yết cho tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải, bao gồm cả việc thống nhất về màu sắc, chất liệu phản quang của cụm từ “xe taxi” và cụm từ “xe hợp đồng”.