“Cái nôi” đào tạo hát bội của cả nước
Chức năng của tuồng (hát bội, hát bộ) là để người xem phân biệt được phải trái, tốt xấu. Chẳng hạn, kiểu cách đi đứng trong tuồng dùng để biểu lộ cái “tâm” của nhân vật thiện, ác. Như lên ngựa xuống ngựa đều phân biệt kiểu cách trung tướng khác kiểu cách dạng nịnh thần. Ngoài ra, các diễn viên tuồng phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ ai là trung nịnh, sang hèn như về màu sắc thì sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là người chân thật...
Về tên gọi, ở miền Trung nước ta trở ra gọi tuồng. Cách gọi này là vì loại hình nghệ thuật xướng ca này có cách hát kéo dài liên tiếp, có khởi đầu, có hồi kết, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn. Do đó, nó được giới nho sinh Hán học gọi là “liên trường” (kéo dài liên tiếp) nhưng do ngôn ngữ bình dân của người địa phương mà thành “luông tuồng”, “luôn tuồng” và gọi tắt là “tuồng”.
Còn ở miền Nam gọi là “hát bội” bởi trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướn, lông công, lông trĩ... lên người. Đó là do chữ bội (chữ Hán) có nghĩa là mang, đeo, giắt các đồ trang sức trên người. Còn cách gọi khác là “hát bộ” vì diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn. Tác giả Vũ Đức Sao Biển, trong bài “Hát bội Quảng Nam” in trong cuốn “Quảng Nam hay cãi” (Nxb. Trẻ, 2010) đã dẫn lời nhà nghiên cứu Vũ Khắc Khoan, cho rằng cả hai tên gọi “hát bội”, “hát bộ” đều đúng.
Sử sách ghi chép tuồng hình thành từ Bình Định rồi lan đến Phú Xuân (Huế) ở Đàng Trong, ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống cung đình Huế. Dưới thời Nguyễn Phúc Chu đã có đoàn vũ nữ ngoài hát múa, còn diễn tuồng. Dưới thời Nguyễn Phúc Khoát, chúa cho xây dựng nhiều cung điện nguy nga, trong đó có hiên Đồng Lạc là nơi để trình diễn tuồng, lại sai người tập trung nghệ sĩ tuồng ở triều đình, chú tâm xây dựng đội tuồng ở hoàng cung.
|
Một trích đoạn tuồng cổ biểu diễn tại Huế. |
Nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình trong cuốn sách “Tuồng Huế”, có nhắc đến một tài liệu tranh của J.Barrow in tại Luân Đôn năm 1806, cho biết cảnh diễn tuồng cuối thế kỷ XVIII ở Đàng Trong, mô tả cảnh hát tuồng thiết triều, rất đông khán giả đứng xem.
Đến đời vua Gia Long, triều đình đã tổ chức Việt Tường Đội đào tạo diễn viên tuồng. Đến triều Minh Mạng thì tuồng được hết sức quan tâm. Thanh Bình Thự, trường dạy diễn viên tuồng quy mô đầu tiên cả nước được thành lập năm 1825 và Duyệt Thị Đường, sân khấu tuồng hoàng cung được xây dựng năm 1826.
Dưới triều Tự Đức tuồng phát triển rực rỡ, vua cho xây thêm nhà hát Minh Khiêm đường (tại Khiêm cung) năm 1864, lại thành lập Ban Hiệu thư, chuyên sáng tác, chỉnh lý, hiệu đính các vở tuồng với sự điều khiển của chính vua Tự Đức. Đào Tấn được vua tín nhiệm, sung vào Ban Hiệu thư lúc còn trẻ, đã sáng tác nhiều vở tuồng trong giai đoạn này. Vua Tự Đức còn tập hợp những nghệ nhân xuất sắc ở các làng, các tỉnh về Kinh có đến 300 người.
Thời kỳ này sân khấu tuồng đạt tới đỉnh cao. Không chỉ vua, các thân vương, quan lại cũng rất mê tuồng. Nhiều phủ có những đoàn hát bội riêng như các đoàn của Hải Ninh quận công, bà chúa Nhất, ông Hoàng Chín, bà chúa Tám, bà Từ Cung… Các rạp tuồng cũng được dựng lên như rạp của phủ Định Viễn Quận công con vua Gia Long, và các rạp của Diên Khánh Vương, Tuyên Hóa Công, Đào Tấn…
Ông Trần Ngọc Lợi, 94 tuổi, người hơn 60 năm giữ hương khói ngôi Thanh Bình Từ Đường, cho biết: Xóm Thanh Bình là tên gọi dân gian của kiệt 281 đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nơi đây vốn là Thanh Bình Thự, là nơi ở và nơi tập luyện của các nghệ nhân tuồng dưới thời nhà Nguyễn.
Bởi vậy, nơi đây còn có tên dân gian khác là “Xóm hát bội”. Thanh Bình Thự được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 5 (1825), dùng làm nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc đội tuồng Việt Tường trong cung cấm. Các sân dài và rộng trước Thanh Bình Từ Đường trước đây là sân khấu Thanh Bình. Sân khấu này lúc đầu chỉ để diễn tập tuồng (hát bội). Dần dần về sau theo yêu cầu của quần chúng, sân khấu là nơi biểu diễn phục vụ rộng rãi người xem của kinh thành Huế. Khi nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, các nghệ sĩ tuồng từ Huế tỏa đi khắp nước để tìm kế mưu sinh và để giữ nghề.
Hiện nay, Thanh Bình Thự chính là Thanh Bình Từ Đường cùng khuôn viên xung quanh. Chính giữa ngôi từ đường là bàn thờ các vị Tổ ngành xướng ca của cả nước. Tại đây có bài vị Càn Cương Hầu, được tôn xưng là ông Tổ ngành tuồng và hậu tổ tuồng là cụ Đào Tấn. Bên ngoài còn có 2 án thờ ở hai bên tả hữu (trái phải). Trong đó, án bên tả thờ các nghệ nhân quá cố như Đào Duy Từ, người có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật tuồng nước nhà.
Thanh Bình Từ Đường được công nhận Di tích Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 776QÐ/VH ngày 23-6-1992 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) như sự tri ân đối với nghệ thuật sân khấu.
Hồi sinh sân khấu Thanh Bình
Tối ngày 24-7-2020, người dân xóm Thanh Bình vui mừng vì có NSƯT Vũ Luân cùng các nghệ sĩ Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh đến biểu diễn phục vụ.
Đây là lần đầu tiên, NSƯT Vũ Luân đến với sân khấu Thanh Bình Từ Đường, nơi có nhà thờ Tổ nghề hát bội và xướng ca của cả nước. Trong vai Lương Sơn Bá, NSƯT Vũ Luân đã khiến các khán giả xứ Huế sống lại thời vàng son của nghệ thuật cải lương tuổng cổ. Nhiều khán giả lần đầu tiên nhìn thấy được thần tượng của mình đã không kìm được cảm xúc.
NSƯT Vũ Luân (sinh năm 1972) là một ngôi sao cải lương thế hệ sau thời của NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long. Vai Lương Sơn Bá mà anh diễn tại sân khấu Thanh Bình Từ Đường chính là vai diễn kinh điển của anh. Đây chính là sự tri ân của anh đối với Tổ nghề và với khán giả xứ Huế, những người đã hâm mộ tiếng hát của “hoàng tử cải lương” hàng chục năm qua.
Đây cũng là lần thứ hai các nghệ sĩ Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh đến với sân khấu Thanh Bình Từ Đường để hát phụng cúng Tổ nghề. Năm 2017, đoàn đã đến biểu diễn phục vụ khán giả tại “Xóm hát bội” và buổi biểu diễn đã kéo dài từ 7 giờ tối đến 1h30 sáng hôm sau.
NSƯT Ngọc Khanh (trưởng đoàn) cho biết: Năm 1990, Câu lạc bộ Thể nghiệm Sân khấu Truyền thống (tiền thân của đoàn Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh) thuộc Hội Sân khấu TP HCM được thành lập. 30 năm qua biết bao thăng trầm trên bước đường nghệ thuật nhưng cũng nhờ sự mến thương của khán giả, lòng yêu nghề của các nghệ sĩ, đoàn đã không ngừng cải tiến và phát huy nghề nghiệp. Kỷ niệm 30 năm thành lập đoàn (1990-2020), các nghệ sĩ của đoàn đã quyết định hát phụng cúng Tổ nghề trong hai ngày tại sân khấu Thanh Bình Từ Đường như một sự tri ân.
Nói về sân khấu loại hình nghệ thuật truyền thống này, NSƯT Ngọc Khanh nhận định: “Sân khấu hát bội đầy tính nhân văn, phản ánh rất rõ những tích cực và tiêu cực của xã hội qua mỗi thời đại, mỗi thời kỳ lịch sử, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín mà đặc biệt là chuyên chở những tâm tư ước vọng của nhân dân ta.
Vì vậy nghệ thuật hát bội đã đi sâu vào trong lòng mỗi người dân Việt Nam, là một trong những nền tảng quý báu của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc… Dưới sự hội nhập văn hóa thế giới, mỗi thời đại đều có những loại hình văn hóa mới xuất hiện và cái cũ thường rơi vào quên lãng. Trên thực tế, loại hình nghệ thuật hát bội cũng rơi vào tình trạng ấy. Đó là điều mà chúng tôi cứ đau đáu trong lòng khi sàn diễn hát bội cứ bị thu hẹp dần”.
Không chỉ có Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh, năm 2018, Đoàn cải lương Sông Hương (trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế) cũng đã đến biểu diễn phục vụ người dân xóm Thanh Bình với vở “Phạm Công – Cúc Hoa”, “Lá Sầu Riêng”, “Lan và Điệp”… Đoàn cải lương Sông Hương trước đây rất nổi tiếng. Gần đây, đoàn mới được khôi phục lại nên những tràng pháo tay, sự ủng hộ vật chất tùy tâm từ khán giả xóm Thanh Bình… chính là động lực để các nghệ sĩ của đoàn theo nghề trong thời gian tới.