Cách TP Huế chừng 10km, làng Chuồn, một tên gọi khác của làng An Truyền, thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế vốn nổi tiếng là ngôi làng có truyền thống hiếu học và nhiều đặc sản nổi tiếng gần xa như rượu gạo làng Chuồn, bánh xèo cá kình, bánh tét…Với đặc trưng là nằm cạnh khu vực đầm phá Tam Giang nên cuộc sống của ngư dân làng Chuồn chủ yếu dựa vào đánh bắt các loài thủy sản. Nhưng độc đáo nhất vẫn là nghề đi tủ săn cá thệ, một loại cá ngon từng được đưa vào Đại nội Huế để tiến vua.
Nói là nghề đi tủ nghe có vẻ lạ nhưng thực ra đây cũng chỉ là hình thức đánh bắt cá mà dụng cụ ngư dân nơi đây dùng là một tấm lưới có hình chữ nhật. Khi tấm lưới được giăng ra có hình dạng như một cái tủ mà mọi người vẫn thường làm vật dụng đựng đồ đạc. Ngoài ra, phương tiện mà ngư dân nơi đây dùng để đi săn cá thệ cũng thật độc đáo, họ sử dụng phương tiện có tên là tòng chứ không sử dụng ghe, thuyền hay tàu như những địa phương khác. Tòng là phương tiện ra khơi được đóng từ những tấm gỗ lớn mà ngư dân mua lại từ những chiếc thuyền đã qua sử dụng của dân vạn đò trên khu đầm phá Tam Giang.
Như đã hẹn trước, 4h sáng chúng tôi đã có mặt tại nhà của ngư dân Trần Văn Khuê để được trải nghiệm chuyến đi săn cá thệ, cùng đi với chúng tôi còn có một ngư dân lành nghề khác, đó là anh Hồ Đắc Cối. Trước khi xuống tòng để chuẩn bị ra khơi, anh Khuê đã không ngừng nhắc nhở chúng tôi phải thật cẩn thận để tránh bị trượt chân bởi lớp rêu xanh dày đặc phủ kín lên bề mặt của chiếc tòng. Khi chúng tôi đã ổn định chỗ ngồi, hai ngư dân bắt đầu điều khiển chiếc tòng lướt nhẹ trên mặt đầm phá Tam Giang.
Sau hơn 1 tiếng, chúng tôi cũng đã tới được vị trí đánh bắt mà ngư dân địa phương gọi là Đông Am. Khi tôi thắc mắc tại sao không đánh bắt gần bờ mà lại phải đi cho xa, anh Khuê liền nói: Tuy phải đi xa mất nhiều thời gian nhưng bù lại được cá nhiều và cá to hơn những chỗ khác. Bởi thế mà ngư dân làng Chuồn vẫn còn truyền lại câu rằng: “Đông Am cá tủ ầm ầm, rổ năm, rổ bảy âm thầm mang theo”.
Cá Thệ - một loại cá ngon từng được tiến Vua |
Anh Khuê còn cho biết thêm: “Nghề đi tủ phải được tiến hành ở những bãi nước trống, có độ sâu khoảng 2m. Nhưng theo thời gian, diện tích của những bãi nước trống ngày càng thu hẹp dần, thay vào đó là những hệ thống nò sáo dày đặc. Bởi thế, để có thể tiếp tục với nghề này thì chúng tôi phải đi xa hơn, nhiều khi còn phải chạy về đến Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), Sịa (huyện Quảng Điền) để đánh bắt.
Nghề này cũng may rủi nhiều lắm, lúc được mùa cá, may ra anh em chúng tôi còn kiếm được người khoảng 500.000 – 700.000 đồng. Tuy nhiên, có phải lúc nào cũng gặp may đâu, những lúc “tủ hèn” (giăng tủ mà bắt được ít cá) thì may mắn lắm cũng chỉ được mấy chục ngàn, vừa đủ tiền xăng dầu thôi”.
Với đặc tính sống và di chuyển ở tầng đáy của loài cá thệ, nên chúng đặc biệt nhạy cảm với các loại âm thanh, tiếng động. Khi có tiếng động, chúng bơi thụt lùi, rồi ẩn nấp trong các đám rong rêu, nên có lẽ cái nghề đi tủ sinh ra chỉ để đánh bắt riêng mỗi loài cá này. Theo quan sát của tôi, khi giăng tủ, ngư dân phải rất vất vả lặn sâu xuống dưới nước để đặt được tủ, khi đã đặt xong tủ, họ bắt đầu điều khiển chiếc tòng chạy theo hướng một hình vòng cung, vừa chạy vừa thả dây cho đến khi nào dây xuống sát tầng đáy thì bắt đầu thu hẹp dần lại.
Việc kéo dây phải tiến hành một cách cẩn thận, chậm rãi để đảm bảo rằng sợi dây luôn sát mặt đất. Khi cá thệ nghe thấy tiếng động phát ra từ sợi dây, theo phản xạ mang tính bản năng chúng sẽ thụt lùi để lẩn trốn và cố tìm cách thoát khỏi sợi dây, nhưng càng trốn chúng lại càng sập vào bẫy là những chiếc lưới tủ đã được giăng sẵn từ trước đó.
Được biết, một mẻ giăng tủ như thế kéo dài khoảng 20 phút. Mỗi ngày, ngư dân có thể giăng từ 15 – 18 tủ, tùy theo sức lực của mình. Đến khoảng 15h30 cùng ngày, khi khoang tòng cũng đã kha khá cá và lúc này những ngư dân cũng đã thấm mệt, họ bắt đầu thu gom tủ cùng các vật dụng khác lại để quay trở về, kết thúc một chuyến ra khơi đầy nắng và gió.
Nghề đi tủ tuy vất vả, bấp bênh, nhưng cũng giúp những ngư dân nghèo đủ sống qua ngày. Ông Đoàn Rô, Trưởng thôn An Truyền cho biết: “Nghề đi tủ đã có từ đời ông cha truyền lại, nghề này rất vất vả bấp bênh, chỉ đi được vào mùa nắng còn mùa mưa thì nghỉ ở nhà, đa số thời gian ngư dân phải ở dưới nước và ngoài trời nắng”.