Đến Văn Miếu để học về di sản

(PLO) -Vừa qua, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám đã thực hiện chương trình “Trải nghiệm giáo dục di sản ở di tích” với chủ đề “Tìm hiểu Quốc Tử Giám ở Thăng Long” cùng sự tham gia của các cô giáo và 45 em học sinh lớp 9A1 và 9A2 của Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Hà Nội.
 
Hình minh họa
Hình minh họa

Chương trình Giáo dục di sản được Phòng Giáo dục truyền thống Văn Miếu - Quốc Tử Giám kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản Văn hóa thực hiện. 45 em học sinh lớp 9A1 và 9A2, cùng với các cô giáo từ Trường Hermann Gmeiner Hà Nội tập trung tại Văn Miếu Môn, được các cán bộ Văn Miếu đón tiếp nhiệt tình.

Trong 30 phút đầu của chương trình, các em học sinh được phân thành 4 nhóm nhỏ, được các cô cán bộ giới thiệu ngắn gọn về khu di tích cũng như nội dung của buổi tham quan. Mỗi nhóm được giao cho một chủ đề, tờ câu hỏi, sau đó thực hiện khảo sát khu Thái Học.  Sau khi thu thập đủ thông tin, tất cả sẽ dành khoảng 60 phút ở  Nhà bia tiến sĩ, để trao đổi, thảo luận với các cô giáo cán bộ về những gì các mình đã tìm hiểu được. Các em học sinh lúc đầu còn hơi rụt rè, nhưng dần dần đã có sự cởi mở, hào hứng đưa ra ý kiến của mình. Em Tuấn Anh – một học sinh chia sẻ: “Em rất thích những chương trình học thực tế, em cảm thấy mình học được nhiều thứ hơn. Mong rằng là sẽ có nhiều chương trình như thế này”. 

Giáo viên chủ nhiệm của lớp 9A1, cô Vân Anh nhận xét: “Các con ở tuổi này rất năng động, ham học hỏi, thích khám phá. Kết hợp thực tế với kiến thức trong trường sẽ trang bị cho các con nhiều kiến thức bổ ích cho cuộc sống sau này”. 

Chị Hà, Trưởng phòng Ban Giáo dục Truyền Thống Văn Miếu chia sẻ: “Các em thực ra rất quan tâm đến lịch sử văn hóa đất nước khi được chính mình trải nghiệm. Cách học thực tế này sẽ làm các em ghi nhớ lâu hơn vì kiến thức là do các em tự tìm hiểu, không phải do thầy cô áp đặt kiến thức của mình vào. Đặc biệt khi các em thấy thú vị, điều đó sẽ khơi gợi sự hứng thú tìm hiểu những vấn đề khác của lịch sử văn hóa”.

Trong tương lai, BTC Văn Miếu mong muốn hướng tới nhiều hoạt động tham quan trải nghiệm hơn cho các em học sinh. Được biết, Chương trình Giáo dục di sản áp dụng phương pháp giảng dạy mới – sử dụng di sản trong dạy và học – đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản Văn hóa bắt đầu thực hiện từ năm 2010 với tổ chức UNESCO.  Đến năm 2013, chương trình giáo dục di sản đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép áp dụng vào các bộ môn địa lý, âm nhạc, lịch sử và sau này là văn học. 

Năm 2015, Ban giáo dục truyền thống của Văn Miếu kết hợp với trung tâm để thực hiện chương trình này tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chương trình thí điểm cho học sinh cấp 1 (lớp 1 và lớp 4) được tổ chức thực hiện vào năm 2016. Đến năm 2017, chương trình mở rộng cho cấp THPT (từ lớp 6 đến lớp 9).

Đọc thêm