Đối với lĩnh vực giáo dục phổ thông, có hai vấn đề có thể coi là vào hàng quan trọng nhất, mà giải quyết tốt hai vấn đề này coi như ngành giáo dục đã thành công, đó là vấn đề chương trình - sách giáo khoa và vấn đề thi cử, kiểm tra đánh giá chất lượng.Không phải ngẫu nhiên, khi thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Quốc hội đã ra Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung chỉ đạo “Thực hiện xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.
Một chương trình nhiều sách giáo khoa, xã hội hoá sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Với chủ trương này, việc xuất bản sách giáo khoa đã xoá bỏ được thế độc quyền; giờ đây không chỉ có sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà còn có sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác như Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh…
Xoá bỏ độc quyền sách giáo khoa, xã hội hoá sách giáo khoa đã và đang thực sự tạo ra nhiều bộ sách giáo khoa, nhiều sự lựa chọn cho giáo viên và học sinh cả nước. Ở lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có đến 5 bộ sách giáo khoa: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự Bình đẳng và dân chủ trong giáo dục thì năm nay, khi đổi mới sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 có 3 bộ sách giáo khoa Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sử dụng rộng rãi trong nhà trường.
Một chương trình nhiều sách giáo khoa đã tạo ra một sự thi đua, cạnh tranh về chất lượng, về giá thành giữa các bộ sách để giành được nhiều nhất thị phần. Đó là sự cạnh tranh có thể khiến cho người dùng sách là giáo viên và học sinh được hưởng lợi. Không chỉ vậy, mà ngay cả nhà nước cũng đỡ nhiều chi phí vào việc đổi mới sách giáo khoa. Bởi lẽ các nhà xuất bản, các đơn vị tổ chức tham gia xuất bản sách giáo khoa phải đảm đương việc tổ chức thực hiện, việc lo kinh phí ở tất cả các công đoạn từ tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế, thực nghiệm, giới thiệu sách đến tập huấn cho toàn bộ giáo viên sử dụng sách. Do đó, ngân sách nhà nước, dẫu sao đã bớt đi được một khoản chi đáng kể.
Đã qua một năm kể từ khi các bộ sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có bộ sách giáo khoa xã hội hoá – Cánh diều - được giới thiệu tới các nhà trường, nhìn lại và đánh giá một cách đúng thực trạng việc sử dụng bộ sách này là một việc làm cần thiết để từ đó có những định hướng trong việc quản lý, chỉ đạo công tác xuất bản sách giáo khoa mới theo chủ trương xã hội hoá – một chương trình nhiều sách giáo khoa.
Bộ sách giáo khoa xã hội hoá đã mang đến cho ngành giáo dục những gì? Đó là một không khí mới, sôi nổi hào hứng. Với một đội ngũ tác giả sách giáo khoa bao gồm hàng chục nhà khoa học vốn là tác giả biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ sách giáo khoa Cánh diều ngay từ bước đầu đã thu hút được sự lựa chọn của rất nhiều các cơ sở giáo dục. Hơn 30% thị phần sách giáo khoa của cả nước đã thuộc về Công ty VEPIC - đơn vị liên kết với các nhà xuất bản xuất bản bộ sách giáo khoa này. Đó thực sự là một thị phần đáng mơ ước đối với một bộ sách xã hội hoá ở năm đầu tiên. Điều đó cũng phản ánh phần nào mong muốn của người sử dụng sách về việc dỡ bỏ độc sách giáo khoa đã tồn tại trong cả một thời kì rất dài.
Cái được thứ hai, đã có một “cuộc thi đua” giữa bộ Cánh diều những bộ sách khác trong việc phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, cái được ở trên lại trở thành một yếu tố làm cho cái bất cập được nêu ở dưới đây có sức tác động nặng nề hơn, trên một phạm vi rộng lớn đối với thực tiễn dạy học của giáo viên và học sinh cả nước.
Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử đổi mới chương trình và sách giáo khoa, một bộ sách giáo khoa mới được xã hội hoá có số tiết lớn nhất trong chương trình – 420 tiết, chiếm khoảng 1/2 tổng thời lượng chương trình lớp 1, gấp hơn 10 lần một số môn học khác như Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật - 35 tiết mỗi môn; có tác giả sách vào diện “hoành tráng” nhất – Tổng Chủ biên của bộ sách cũng là Tổng Chủ biên của toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại được dư luận báo chí xã hội, giáo viên và phụ huynh học sinh lên tiếng phản biện một cách dữ dội đến như vậy.
Tiếng Việt 1 là môn học quan trọng, có vị trí, vai trò hàng đầu trong tất cả các môn học ở lớp 1 nói riêng và ở cấp Tiểu học nói chung xét ở nhiều góc độ, từ thời lượng đến tính chất “chìa khoá” trang bị công cụ ngôn ngữ - một công cụ tư duy vô cùng quan trọng để trẻ em có tiền đề học tập hầu như tất cả các môn học khác. Không phải ngẫu nhiên, trong tất cả các môn học, dư luận bao giờ cũng chú ý đến môn Tiếng Việt, đặc biệt ở lớp đầu cấp. Tất nhiên không thể không nói đến lí do là tính chất đại chúng, dễ góp ý của môn học này. Bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh diều sau khi đưa vào áp dụng trong nhà trường đã nhanh chóng trở thành một sự kiện, tâm điểm chú ý trao đổi, bàn bạc của không chỉ báo chí mà cả mạng xã hội suốt từ đó cho đến nay.
Lần đổi mới sách giáo khoa theo chương trình 2000, bộ sách Tiếng Việt 1 do nhà giáo Đặng Thị Lanh chủ biên đã tạo nên “một đợt sóng” ý kiến phản biện của dư luận báo chí xã hội tập trung xoay quanh một vấn đề thực ra từ góc độ chuyên môn cũng không gay cấn lắm, đó là tại sao lại dạy chữ E trước khi dạy chữ A. Trong tâm thức của tất cả mọi người, dãy chữ cái theo trật tự “anphabet” phải bắt đầu từ chữ A chứ không phải là chữ E! Vấn đề được xới lên và ngay lập tức đã trở thành một đề tài nóng. Nhưng rất may, đợt dư luận ấy cũng chỉ là một đợt sóng trào dâng trong một thời gian ngắn.
Tác giả sách Tiếng Việt 1 và Bộ Giáo dục khi đó đã nhanh chóng giải trình cho xã hội và bảo vệ được phương án tổ chức dạy học của mình. Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 theo Chương trình 2000 đã đứng vững trong suốt một vòng đời sách giáo khoa kéo dài 15 năm, từ năm 2003 cho đến 2018 và đã đóng vai trò không nhỏ khẳng định vị trí và thành quả của Chương trình giáo dục phổ thông 2000.
Đến lần đổi mới sách giáo khoa theo Chương trình 2018, mặc dù đã được kế thừa cả một “kho tàng” kinh nghiệm, bài học từ những đợt đổi mới sách giáo khoa trước đó, nhưng không hiểu sao sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh diều đã tạo nên rất nhiều “đợt sóng” dư luận vô cùng mạnh mẽ. Được hậu thuẫn vô cùng thuận lợi từ chủ trương xã hội hoá sách giáo khoa của Nhà nước; được chính nhà giáo, nhà khoa khoa học, Tổng Chủ biên Chương trình (trong đó có tất cả các môn học) 2018 làm Tổng Chủ biên nhưng Tiếng Việt 1 Cánh diều đã thực sự tốn biết bao nhiêu “giấy mực” bàn luận vô cùng gay gắt của xã hội.
Chưa cần tính đến báo in, chưa tính đến các trang mạng xã hội, đến nay, chỉ cần tìm kiếm theo từ khoá Tiếng Việt 1 Cánh diều trên mạng internet, thì có thể đếm được không biết bao nhiêu bài báo trên các trang báo điện tử phản biện về bộ sách này. Hầu hết các bài báo đều chỉ ra những vấn đề lớn, không hợp lí, không phù hợp, không đảm bảo yêu cầu giáo dục về nội dung và phương pháp dạy học trong Tiếng Việt 1 Cánh diều. Những bài bảo vệ thì thưa thớt, không thuyết phục của chính Tổng Chủ biên bộ sách hoặc của một giáo viên nào đó.
Kết quả là, trước sức ép của dư luận xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét lại toàn bộ nội dung 2 tập sách Tiếng Việt 1 Cánh diều. Chỉ sau chưa đầy hai tháng đưa vào sử dụng, Tiếng Việt 1 Cánh diều đã buộc phải sửa chữa khá lớn về nội dung; và để kịp thời cập nhật cho giáo viên và học sinh ngay trong năm học đầu tiên sử dụng bộ sách, Tiếng Việt 1 Cánh diều đã được làm bổ sung cả một phụ lục dài các nội dung điều chỉnh thay thế gửi đến từng người sử dụng sách.
Cụ thể, phụ lục Tiếng Việt 1 Cánh diều cho biết, tập một sách phải thay thế 10 bài đọc, đó là: Lỡ tí ti mà, Ve và gà (1), Ve và gà (2), Quạ và chó, Cua, cò và đàn cá (1), Cua, cò và đàn cá (2), Hai con ngựa (1), Hai con ngựa (2), Lừa, thỏ và cọp (1), Lừa, thỏ và cọp (2); tập hai sách phải thay 2 bài đọc: Ước mơ của tảng đá (1), Ước mơ của tảng đá (2). Lần lượt các bài đọc trên ở tập một và tập hai được thay bằng các bài: Nhớ bố, Bờ Hồ, Chăm bà, Phố Thợ Nhuộm, Kết bạn, Hồ sen, Gà mẹ gà con, Sáng sớm trên biển, Hạt giống nhỏ, Ông bà em, Mưa, Lịch bàn. Không chỉ thay hệ thống bài đọc, mà cùng với đó sách phải thay một loạt các câu hỏi, bài tập đọc hiểu văn bản đọc. Bên cạnh việc thay văn bản, hệ thống câu hỏi đọc hiểu, phụ lục còn kèm theo một bảng điều chỉnh từ ngữ, trong đó điều chỉnh 19 từ, cụm từ và câu ở tập một và 1 từ ở tập hai(3).
Lần đầu tiên trong lịch sử đổi mới chương trình sách giáo khoa có một bộ sách phải chỉnh lý, sửa đổi ở mức độ lớn như vậy và cũng là lần đầu tiên phải chỉnh ngay lập tức khi học sinh vừa mới sử dụng sách khoảng 2 tháng.
Sai thì sửa và sửa ngay, Cánh diều đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo góp ý của dư luận xã hội. Phụ lục tài liệu sửa đổi đính kèm sách giáo khoa đã được in và phát về các cơ sở giáo dục và được đưa lên mạng để mọi người cùng đọc.
Tuy nhiên, khác với các tài liệu thông thường khác, đối với sách giáo khoa lại là sách giáo khoa cho học sinh lớp 1, thì việc chỉnh lý sửa đổi như trên đã tạo nên một loạt các hệ luỵ không hề nhỏ, tác động lớn đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh, đến công tác quản lý chỉ đạo của ngành giáo dục.
Trước hết, ngay tại năm học đầu tiên sử dụng sách giáo khoa Cánh diều, với tỉ lệ lựa chọn trong cả nước chiếm khoảng 30%, sách Tiếng Việt 1 Cánh diều đã có một số lượng cực lớn học sinh sử dụng. Nếu cả nước hiện nay có khoảng 8,4 triệu học sinh Tiểu học theo số liệu báo cáo tại thời điểm năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ước tính ở lớp 1, số học sinh sẽ là 1,68 triệu. Với khoảng 30% lựa chọn, số học sinh học theo Tiếng Việt 1 Cánh diều khoảng hơn 500 ngàn. Như thế, việc điều chỉnh của Tiếng Việt 1 Cánh diều đã tác động gây khó khăn đến việc học của hơn nửa triệu học sinh.
Hãy đặt mình vào vị trí của học sinh lớp 1, khi các em mới vừa làm quen với sách vở và nhà trường, lần đầu tiên các em được học bám sát theo từng bài học của sách giáo khoa, ấy vậy mà khi giở trang sách để học 1 trong 12 bài đọc đã được thay thế mới, các em lại phải cầm theo một tệp phụ lục để dò dẫm đối chiếu theo hướng dẫn, không hiểu các em có làm được không? Lại nữa, tỉ mỉ hơn, khi các em phải đối chiếu dò dẫm để đọc cho đúng 20 từ, cụm từ, câu đã được thay thế 20 vị trí trong tập một và tập hai của sách. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục, học sinh lớp 1 đã buộc phải sử dụng phụ lục đính kèm theo sách giáo khoa kiểu này. Làm sao giáo viên và các bậc phụ huynh có thể khỏi lo lắng cho việc học của con em mình trong tình trạng sách vở như vậy?
Việc điều chỉnh Tiếng Việt 1 Cánh diều cũng đã tác động làm khó cho việc dạy học của vài chục ngàn giáo viên dạy lớp 1. Các thầy cô giáo phải cùng lúc vừa sử dụng sách học sinh, phụ lục sách học sinh, sách giáo viên và tài liệu hỗ trợ giáo viên theo phụ lục để khớp nối, tổ chức dạy học, chắc chắn công việc dạy học sẽ gặp nhiều lúng túng, khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn, nhất là trong bối cảnh năm đầu tiên dạy học theo sách giáo khoa mới.
Cùng với khó khăn trong tổ chức dạy học của giáo viên, là khó khăn trong việc quản lí, chỉ đạo công tác dạy học của ngành giáo dục.
Đứng về mặt tài chính, chi phí, việc sửa chữa nội dung sách với quy mô như vậy, điều chắc chắn là khoảng hơn 1 triệu bản sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh diều (sách bao gồm 2 tập, mỗi tập khoảng hơn 500 ngàn bản cho hơn 500 ngàn học sinh) mà học sinh đã sử dụng năm đầu tiên sẽ không thể tái sử dụng ở những năm học tiếp theo. Đó thực sự là con số biết nói về mức độ tốn phí cho túi tiền của phụ huynh học sinh khi phải mua sách mới cũng như tốn kém một lượng giấy rất lớn cho xã hội.
Điều gì đã khiến cho bộ sách giáo khoa xã hội hoá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã rơi vào một sự sai sót gây tổn hại lớn như vậy? Từ khi Tiếng Việt 1 Cánh diều trở thành tâm điểm bàn luận mà phần lớn là trái chiều của các bài báo, mạng xã hội, bộ sách đã được “hội chẩn”, “mổ xẻ” quá nhiều. Phần lớn các ý kiến đều tập trung vào hai nguyên nhân: một là nguyên nhân chủ quan của tập thể tác giả sách mà GS.TS Nguyễn Minh Thuyết là Tổng Chủ biên, hai là nguyên nhân từ việc nể nang, làm việc chưa tới tầm, chưa quyết liệt của Hội đồng thẩm định quốc gia.
Hai nguyên nhân này đã được bàn đi bàn lại đến mức không còn gì phải nghi ngờ nữa. Chính vì thế mới có việc các tác giả Tiếng Việt 1 Cánh diều phải tiếp thu sửa chữa nội dung bộ sách, còn Hội đồng thẩm định quốc gia đã phải làm việc lại và thông qua các nội dung sửa chữa của bộ sách. Dù đã sửa chữa, nhưng trên báo chí không ít ý kiến cho rằng đó là sự sửa chữa mang tính chắp vá, tình thế, bộ sách khó tránh khỏi sự xộc xệch không đảm bảo tính hệ thống.
Tuy nhiên, có một nguyên nhân hết sức cơ bản nữa mà báo chí, mạng xã hội hầu như chưa thấy nhắc tới, hoặc có nhắc đến nhưng còn hời hợt chưa thấu đáo. Nhưng đứng ở góc độ những người có nghề làm sách, thì chắc chắn đây là một nguyên nhân cơ bản, một nguyên nhân trọng yếu, một nguyên nhân có thể gọi là thâm căn cố đế. Nguyên nhân đó nằm ở khâu tổ chức và biên tập bản thảo. Ai là người phản biện tác giả đầu tiên, phản biện trong suốt quá trình hoàn thiện bản thảo và cũng là người phản biện cuối cùng? Đó chính là đội ngũ biên tập viên của nhà xuất bản.
Có thể nói, các biên tập viên biên tập bộ sách này đã trở thành một trong những tác nhân, yếu tố trọng yếu gây nên sự kiện Tiếng Việt 1 Cánh diều “nổi đình đám” trong năm 2020. Những cán bộ biên tập đó đương nhiên không bao giờ cố ý, nhưng có lẽ vì non kém trong việc tổ chức bản thảo, biên tập và phản biện nội dung sách giáo khoa nên đã để “lọt lưới” quá nhiều nội dung không phù hợp với học sinh lớp 1. Có lẽ các biên tập viên, trưởng phó ban biên tập, phó tổng biên tập,... đã chủ quan nghĩ rằng làm sách lớp 1 thì dễ chăng? Không, vạn sự khởi đầu nan, lớp 1, lại Tiếng Việt lớp 1 bao giờ cũng cực khó và vô cùng nhạy cảm. Chỉ những người biên tập, quản lý chỉ đạo công tác nội dung có đầy đủ trải nghiệm trong lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa mới có đủ mẫn cảm để nhận xét, đánh giá, phản biện tốt sách giáo khoa. Dễ hiểu vì sao Tiếng Việt 1 Cánh diều đã sai sót lớn như vậy, bởi nó đã được sinh ra ở các nhà xuất bản mà ở đó các “bà đỡ” - biên tập chưa đủ năng lực để làm “bà đỡ” sách giáo khoa.
Dù không muốn nói thêm về sai sót hết sức đáng tiếc của Tiếng Việt 1 Cánh diều bởi đã quá nhiều người nói, nhưng vẫn phải nhấn mạnh đến vai trò của người biên tập và những người quản lý, chỉ đạo nội dung nói chung.
Nói điều đó không phải chỉ để phân tích làm cho rõ và đầy đủ các nguyên nhân dẫn đến sự kiện đáng buồn này, mà còn để đặt vấn đề lớn khác, đó là việc xã hội hoá sách giáo khoa phải đi cùng với việc chuẩn bị đầy đủ nguồn lực đội ngũ biên tập viên và những người quản lý chỉ đạo nội dung tại các nhà xuất bản. Có lẽ chúng ta chưa hề chú ý đến điều này, vì thế, Cánh diều dù ở đâu, khi nào cũng tự hào có một đội ngũ khoảng 40 tác giả sách giáo khoa đồng thời cũng là tác giả xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mà đã bị rơi vào một tình cảnh thật là vô cùng quan ngại.
Phải chăng, xã hội hoá sách giáo khoa nhưng một số đơn vị xuất bản chưa chuẩn bị đầy đủ nguồn lực đội ngũ biên tập viên và những người quản lý chỉ đạo nội dung đạt được yêu cầu làm sách giáo khoa? Phải chăng xã hội hoá sách giáo khoa mới chỉ được quan tâm nhiều hơn ở những toan tính về thị phần, lợi nhuận, cổ tức của đơn vị tổ chức bản thảo và liên kết với các nhà xuất bản để xuất bản sách? Câu hỏi xin chờ được các cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản sách giáo khoa trả lời cho xã hội.
Xin được kết lại bài viết ở điều này để mở ra một đề xuất đối với công tác quản lý chỉ đạo xuất bản sách giáo khoa, trong đó có sách giáo khoa xã hội hoá.