Gian truân xin sữa nuôi cháu
Căn nhà gạch cấp 4 ẩm thấp, sơ sài ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP HCM) là nơi trú ngụ của bà Lê Thị Nghĩa (SN 1966) và đứa cháu ngoại mới 7 tuổi. Mỗi ngày, bà Nghĩa lang thang khắp nơi bán vé số và đậu luộc đến tận khuya kiếm tiền nuôi cháu.
Chị Nguyễn Minh Thanh (con bà Nghĩa, mẹ đứa trẻ) mang thai khi mới 20 tuổi. Vợ chồng chị làm đám cưới “chạy đua” với cái thai, rồi dắt nhau về ở chung với bà Nghĩa trong căn nhà nhỏ. Những tưởng hạnh phúc khi bé gái ra đời nhưng chỉ được vài tháng, đôi vợ chồng trẻ mâu thuẫn cãi vã nên đường ai nấy đi.
Bà Nghĩa kể: “Bố đi đường bố, còn mẹ cũng tìm cách rời khỏi căn nhà này. Cái nghèo khó khiến con tôi hành động nông nổi, bộc phát. Khi cháu tôi được vài tháng tuổi, con Thanh phó mặc cho tôi chăm sóc, nuôi nấng. Tôi bồng bế, xin sữa cho cháu bú. Còn con Thanh biệt tích, lâu lâu mới ghé về thăm nhà”.
Nhìn cháu lớn lên từng ngày vắng bóng cha mẹ, bà Nghĩa càng xót thương. Lúc đầu, bà cứ nghĩ con gái vắng nhà vì mưu sinh. Nhưng bà không ngờ con lại bỏ đi lấy chồng.
Người mẹ kể: một lần, chị Thanh về nhà rồi bắt đầu than nghèo khổ. Chị kể về người bạn mới quen rất tốt, hứa sẽ giúp đỡ chị công ăn việc làm, kiếm tiền. Kể xong, chị xin bà Nghĩa sang Đài Loan du lịch cùng gia đình người bạn cho vơi bớt buồn phiền, “khuây khỏa đầu óc”.
Sự thật là chị này đã nuôi mộng đổi đời khi nghe lời bạn nói lấy chồng Đài Loan dễ kiếm tiền gửi về nhà cho gia đình. Không có cách nào xin mẹ, chị mới nói dối là đi du lịch.
“Con Thanh đi du lịch hàng tuần, hàng tháng, tôi không thấy con về. Tôi nghi ngờ nhưng không dám nghĩ nó bỏ con mà đi luôn. Ai ngờ con Thanh lấy chồng Đài Loan”, bà Nghĩa chia sẻ.
Người mẹ tâm sự, khi hạnh phúc vợ chồng con gái tan vỡ, trong lòng bà đã chất chứa biết bao niềm trăn trở về số phận con gái và cháu ngoại. Bà đã dự định nhiều về cuộc sống sau này của bà và mẹ con chị Thanh, định 3 người dựa vào nhau mà sống.
Nhưng tất cả sụp đổ khi bà Nghĩa biết con gái bỏ nhà đi lấy chồng phương xa không về. Bà cho biết, từ ngày con đi đã sáu năm, chưa một lần ghé thăm nhà. Chỉ đôi lần điện thoại hỏi thăm đứa con nhỏ của mình.
|
Bà Nghĩa kể: “Trước ngày đi sang đó du lịch, nó về đưa tôi 2 cây vàng bảo giữ dùm, nói vàng này là vàng đám cưới được bên chồng cho. Tôi nghe vậy cũng cất đi. Không ngờ đó là số tiền nó để lại cho tôi nuôi con nó”.
Biệt tăm một thời gian dài, chị Thanh mới gọi điện thoại về hỏi thăm mẹ và con gái. Lúc này bà Nghĩa mới tá hỏa biết con mình đã tái hôn với một người Đài Loan. Nhớ lại, bà vẫn ứa nước mắt: “Tôi sốc lắm, cưới hỏi nó chẳng báo gì với mẹ, còn con cái thì nó bỏ rơi lúc còn nhỏ xíu để đi tìm hạnh phúc mới”.
Đau lòng cháu tưởng bà là mẹ
Ngày đó nghe tin con gái lấy chồng Đài Loan, bà Nghĩa gần như gục ngã. Trách con một phần, thương cháu bội phần. “Cháu tôi nào có tội tình gì. Cha bỏ đi không một lần thăm hỏi, không biết tung tích ở đâu. Mẹ thì tìm bến đậu mới, tìm chỗ nương dựa. Phải chi cháu tôi lớn thêm chút nữa rồi nó hãy đi. Hoặc lấy chồng gần gần đây để chạy đi chạy về thăm con”, bà nghẹn ngào.
Theo lời tâm sự của bà Nghĩa, những ngày đầu khi con gái bỏ đi, cuộc sống hai bà cháu nhanh chóng bị đảo lộn. Vừa phải lao mình mưu sinh vừa phải chăm cháu nhỏ, bà Nghĩa tất bật trở lại cảnh “con mọn” khi tuổi đã xế chiều.
Kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Trong nhà có khi không lấy một đồng bạc. Khi sức khỏe không còn kham nổi những công việc lao động nặng nhọc, mỗi ngày, bà gửi cháu cho nhà hàng xóm rồi đi bán vé số và đậu luộc.
Bà nói: “Lúc trước tôi gửi cháu cho nhà bà con rồi đi làm phụ hồ, làm được ít hôm thì đuối sức, tôi mới đi bán đậu với vé số. Một ngày cũng có được vài chục ngàn để trang trải tiền sinh hoạt của hai bà cháu. Cũng may, xóm giềng họ có lòng trông coi giúp cháu tôi mà không lấy tiền công”.
Dù túng thiếu nhưng bà Nghĩa vẫn cố gắng cho cháu đến trường cho bằng bạn bằng bè. Cháu bé hiện học lớp Một. “Tôi chỉ biết cố gắng, cho cháu đi học được ngày nào hay ngày ấy. Chứ vài năm sau, tuổi già đến, sức khỏe không còn, tiền đâu mà theo học đến nơi đến chốn. Tôi bệnh hoài, đi bán buôn không thường xuyên được. Đôi lúc bệnh, ở nhà mấy ngày, hai bà cháu phải chạy đi mượn gạo. Xung quanh đây, tôi không có người thNghĩa nên chỉ biết cậy nhờ hàng xóm”, bà Nghĩa tâm sự.
Từ thuở bé, đứa cháu vẫn gọi bà Nghĩa là mẹ, không hề hay biết bà là bà ngoại và người mẹ sinh ra mình đã bỏ đi. Bà Nghĩa cứ để mặc vì cho rằng cứ để cháu gọi như vậy cho còn có chút tình thương từ người mẹ.
Hằng ngày, những tiếng líu lo gọi mẹ của đứa cháu nhỏ khiến bà càng xót xa thương cháu. Lúc nào bà cũng lo lắng đến ngày cháu bé phát hiện sự thật. “Điều tôi lo nhất là lo cháu không đủ sức đối mặt với sự thật, với việc ba mẹ đã bỏ đi. Tôi sợ cháu càng “sốc” hơn khi người nó gọi là mẹ bao nhiêu năm nay là bà ngoại”.
Nước mắt nơi đất khách
Có lẽ nhiều người trách chị Thanh là một người mẹ nhẫn tâm bỏ con đi tìm hạnh phúc cho riêng bản thân. Nhưng đằng sau câu chuyện này là lời tâm sự buồn của người mẹ trẻ.
Liên lạc với chị Thanh qua điện thoại, chị cho biết đã kết hôn với một người đàn ông tại Đài Loan và có hai con. Tuy nhiên cuộc sống của gia đình chị cũng không sung túc gì nên không dám về quê thăm nhà, thăm con gái.
Chị trải lòng: “Ngày đó không phải là tôi muốn bỏ con tôi bơ vơ mà là tôi nghĩ sang đây để có cuộc sống tốt hơn, có tiền gửi về cho con ăn học đàng hoàng như người ta. Chứ đâu phải tôi nhẫn tâm đến vậy. Nhưng đất khách quê người, cuộc sống không như mình mơ”.
|
Căn nhà nhỏ của hai bà cháu bà Nghĩa |
Lời tâm sự được bà Nghĩa xác nhận. Vì hoàn cảnh cũng khó khăn nơi đất khách, chị Thanh phải chịu dư luận dèm pha. “Mỗi lần gọi điện thoại về nhà là hai mẹ con tôi đều khóc. Tôi cứ bảo sao số con khổ quá vậy con. Rồi từ khi biết nó sống vậy bên nước ngoài, tôi cũng không trông mong gì, chỉ mong nó có cuộc sống bớt khổ là được”, bà Nghĩa khóc.
Nhìn cháu ngoại từng ngày lớn lên trong vòng tay nuôi dưỡng của mình, bà Nghĩa vừa mừng vừa lo lắng mỗi lúc mường tượng về tương lai. Hai khóe mắt của bà lại đỏ hoe. Bà nói: “Bây giờ mọi sự đã vậy rồi, chỉ mong sao mẹ nó quan tâm nhiều hơn, mong sao sau này cháu hiểu chuyện, đừng trách gì mẹ nó. Cũng vì nghĩ cho tương lai con gái mà Thanh mới làm vậy”.
Về gia cảnh bà Nghĩa, ông Nguyễn Văn Việt, ấp trưởng ấp 3, xã Phạm Văn Hai cho biết: “Gia đình bà Nghĩa lúc trước có 4 khẩu. Sau khi con gái ly hôn, cả hai vợ chồng đều “biến mất” để lại đứa con nhỏ cho bà Nghĩa. Bà đang nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chúng tôi cũng đã cố gắng giúp bà Nghĩa trong khả năng của địa phương”.
Tên nhân vật đã được thay đổi.
Từ thuở bé, đứa cháu vẫn gọi bà Nghĩa là mẹ, không hề hay biết bà là bà ngoại và người mẹ sinh ra mình đã bỏ đi. Bà Nghĩa cứ để mặc vì cho rằng cứ để cháu gọi như vậy cho còn có chút tình thương từ người mẹ.
Hằng ngày, những tiếng líu lo gọi mẹ của đứa cháu nhỏ khiến bà càng xót xa thương cháu. Lúc nào bà cũng lo lắng đến ngày cháu bé phát hiện sự thật. “Điều tôi lo nhất là lo cháu không đủ sức đối mặt với sự thật, với việc ba mẹ đã bỏ đi. Tôi sợ cháu càng “sốc” hơn khi người nó gọi là mẹ bao nhiêu năm nay là bà ngoại”.
Nhìn cháu ngoại từng ngày lớn lên trong vòng tay nuôi dưỡng của mình, bà Nghĩa vừa mừng vừa lo lắng mỗi lúc mường tượng về tương lai. Hai khóe mắt của bà lại đỏ hoe. Bà nói: “Chỉ mong sao sau này cháu hiểu chuyện, đừng trách gì mẹ nó”.